10 câu mẹ thông thái không bao giờ nói

Không phải cứ động viên, khuyên nhủ con là bé sẽ hiểu được thành ý của mẹ. Trong nhiều trường hợp, những câu nói không đúng lúc, không đúng cách sẽ tác động tiêu cực đến óc suy nghĩ còn rất non nớt của bé

Share this Post:
Nuôi dạy con

1. “Con làm tốt lắm”
Nghiên cứu cho thấy khi bố mẹ dùng những câu khen ngợi như “Làm tốt lắm” hay “Tuyệt vời lắm” mỗi khi con cái làm tốt việc nào đó sẽ khiến các bé phụ thuộc vào sự công nhận của bạn. Thay vì vậy, hãy để bé tự tạo ra động lực của bản thân mình. Theo Tiến sĩ Tâm lý học Jenn Berman – tác giả cuốn sách “Hướng dẫn nuôi dạy con hạnh phúc và tự tin từ A đến Z”, bố mẹ hãy giữ gìn vinh quang cho những khoảnh khắc thật sự xứng đáng, và hãy khen ngợi cụ thể hành động của bé. Thay vì “Thi đấu xuất sắc lắm”, mẹ hãy nói “Đó là pha hỗ trợ thật tuyệt, mẹ thích cách con bọc lót cho đồng đội của mình”.

2. “Rèn luyện nhiều thì mới thành công”
Tuy câu nói này không hề sai, nó lại vô tình tạo áp lực cho bé phải thành công hoặc phải trở nên vượt trội. “Điều này mang đến cách hiểu rằng nếu bạn phạm sai lầm, thì đó là do bạn chưa rèn luyện đầy đủ”, Tiến sĩ Joel Fish – tác giả cuốn sách “101 cách để trở thành những bậc phụ huynh tuyệt vời” nói. “Tôi đã từng thấy những đứa trẻ vừa gây gổ với nhau vừa tự hỏi “Tại sao vậy? Mình tập luyện, tập luyện, tập luyện, và vẫn chẳng thể trở thành người giỏi nhất”. Thay vào đó, hãy động viên con cái làm việc chăm chỉ vì điều đó sẽ giúp bé tự cải thiện và biết tự hào về quá trình của mình.

10 câu mẹ thông thái không bao giờ nói

Trò chuyện với con trẻ là cả một nghệ thuật

3. “Không sao mà con”
Khi con bạn bị trầy đầu gối và khóc nức nở, theo bản năng, bạn thường nói với con rằng mọi chuyện đều ổn. Nhưng điều đó chỉ khiến bé con cảm thấy tệ hơn. Con của bạn khóc bởi vì bé ấy cảm thấy không ổn chút nào. Việc bạn cần làm không phải là giảm nhẹ cảm xúc của bé, mà là giúp cho bé hiểu và đối mặt với cảm xúc của mình. Hãy ôm lấy con, thừa nhận những gì mà con cảm nhận, đồng thời nói với con những điều như “Ngã đau lắm phải không con”. Tiếp đó hãy hỏi xem bé có cần băng bó hay xoa bóp không.

4. “Nhanh lên xem nào”
Bé con có thể đang lãng phí thời gian cho bữa ăn sáng, khăng khăng tự buộc giày (dù rằng bé chưa thành thạo cho lắm), và đang trên đà muộn học thêm một lần nữa. Tuy nhiên, hối thúc bé sẽ chỉ tạo thêm áp lực. Mẹ nên nhẹ giọng một chút, “Nhanh lên một chút con nhé”, như thế sẽ gần gũi hơn. Bạn cũng có thể hô biến điều này thành một trò chơi bằng cách nói “Chúng ta cùng đua xem ai mặc đồ xong trước nhé”.

5. “Mẹ đang phải ăn kiêng”
Bạn lo lắng về cân nặng của mình? Hãy giữ kín điều đó. Khi trẻ nhỏ nhìn thấy bạn lên bàn cân mỗi ngày, và nghe bạn than phiền về “mập” hay “béo”, bé sẽ nghĩ về một hình tượng cơ thể không khỏe mạnh. Sẽ hay hơn nếu bạn nói rằng “Mẹ đang ăn theo chế độ ăn khoa học, vì nó làm mẹ cảm thấy thoải mái hơn”. Bạn cũng nên làm như thế đối với việc tập thể dục. “Mẹ cần phải tập thể dục”, nghe giống như một lời than phiền, nhưng “Hôm nay là một ngày đẹp trời, mẹ sẽ đi dạo một vòng” sẽ có thể truyền cảm hứng cho bé cùng tham gia.

6. “Chúng ta không đủ tiền để mua”
Cha mẹ thường hay lặp lại kịch bản cũ rích này để ngăn chặn việc vòi vĩnh của trẻ. Nhưng đôi khi điều đó kèm theo thông điệp rằng bạn đang không làm chủ được tài chính, và lũ trẻ sợ điều này. Những đứa trẻ ở độ tuổi tiểu học có thể chất vấn bạn khi bạn “không đủ tiền” nhưng lại vừa mua một món đồ gia dụng đắt tiền hay váy đầm cho chính mình. Hãy tìm một cách khác để nói cho con hiểu, chẳng hạn “Chúng ta sẽ không mua món đồ này, chúng ta cần tiết kiệm cho những thứ quan trọng hơn con à”. Nếu bé con tỏ vẻ quan tâm, thì bạn đã đánh lạc hướng một cách hoàn hảo, và hãy bắt đầu kể cho bé nghe câu chuyện về ngân quỹ và cách quản lý chi tiêu.

7. “Không được phép nói chuyện với người lạ”
Đây sẽ là một chủ đề hơi phức tạp với trẻ nhỏ. Khi một ai đó tỏ ra thân thiện với bé, bé sẽ không nghĩ rằng đó là người lạ, dù cho có thật sự như thế đi chăng nữa. Thêm vào đó, bé rất dễ hiểu sai và sẽ từ chối giúp đỡ những nhân viên cảnh sát, hay một nhân viên cứu hỏa, vì họ là người mà bé không quen biết. Thay vì cảnh báo, hãy thử đặt ra tình huống “Con sẽ làm gì nếu một ai đó không quen biết lại cho con kẹo, và bảo sẽ cho con quá giang về nhà ?”, nghe giải pháp của bé trong tình huống này, và hướng dẫn cho bé những điều nên làm. Do phần lớn những vụ bắt cóc trẻ em liên quan đến người mà trẻ có quen biết, bạn có thể áp dụng câu “thần chú” sau đây: “Nếu bất kỳ ai làm con buồn, sợ hãi, hay bối rối, thì con cần phải báo ngay cho mẹ”.

8. “Cẩn thận con ơi”
Nhắc nhở bé con điều này khi bé đang đu xà trong khu vui chơi có thể khiến bé mất tập trung, và xui xẻo làm bé bị ngã. Nếu bạn lo lắng, hãy tiến đến gần để trông chừng bé, nhẹ nhàng và yên lặng.

9. “Con sẽ không được ăn món tráng miệng nếu không ăn xong phần ăn của mình”

Điều này sẽ đè nặng lên bé một ấn tượng rằng bữa ăn là điều gì đó mang tính ép buộc hơn là thưởng thức, từ đó làm giảm sự thích thú của trẻ với bữa ăn, trái ngược với những gì mà bạn mong muốn. Hãy thử nói với con “Trước tiên chúng ta cần ăn bữa chính và sau đó mới đến tráng miệng”. Thay đổi từ ngữ một cách khôn khéo sẽ mang đến những tác động tích cực với trẻ nhỏ.

10. “Để mẹ giúp nào”
Khi bé con đang vật lộn với một câu đố hay đang cố gắng xếp một tòa tháp đồ chơi, hiển nhiên là bạn sẽ muốn giúp bé một tay. Tuy nhiên nếu bạn “ra tay” quá sớm sẽ vô tình làm giảm đi sự tự lập của bé, khiến bé luôn trông cậy vào người khác. Thay vào đó, bạn hãy hỏi con những câu hỏi mang tính hướng dẫn để giúp con giải quyết vấn đề: “Con nghĩ mảnh xếp hình lớn này hay miếng nhỏ kia sẽ ở đặt dưới cùng ? Tại sao con lại nghĩ như thế ? Hãy thử xem”.

MarryBaby

Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé

Posted by Julia Phạm
Julia Phạm Image
Xin lưu ý:
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.

Related Posts: