10 quyết định quan trọng khi mang thai
Mang thai và những quyết định quan trọng
Nên sinh con ở đâu?
Tùy vào khu vực sinh sống và điều kiện mà các mẹ bầu đưa ra chọn lựa về nơi con yêu sẽ chào đời như: Bệnh viện đa khoa, bệnh viện tư, bệnh viện phụ sản, nhà hộ sinh hoặc sinh tại nhà. Nếu là con đầu, trước khi đưa ra quyết định bạn thử lắng nghe lời tư vấn từ bạn bè, và những người thân; sau đó đến tận nơi xem xét và cân nhắc. Câu hỏi về nơi sinh còn liên quan đến việc chọn lựa bác sĩ, nữ hộ sinh…
Có nên tìm hiểu giới tính của con?
Nhờ công nghệ siêu âm ngày càng hiện đại mà các bậc phụ huynh có thể biết được giới tính của con trẻ từ khoảng tuần thứ 16. Việc biết được giới tính của con sẽ giúp bạn lên một kế hoạch hoàn hảo từ việc lựa chọn một cái tên, mua sắm quần áo, vật dụng cho con… Có rất nhiều kinh nghiệm dự đoán giới tính MarryBaby đã giới thiệu mà bạn có thể tự quan sát và áp dụng cho mình.
Nên sinh thường hay sinh mổ
Ngày nay rất nhiều mẹ bầu chọn phương pháp sinh mổ thay vì sinh thường. Một phần lý do là sợ đau và liên quan đến vấn đề thẩm mỹ. Thế nhưng, nếu như không gặp phải những trục trặc như: thai quá to, cần lấy gấp, mẹ khó sinh… thì các mẹ nên can đảm sinh thường để có lợi cho cả mẹ và bé.
Đặt con tên gì?
Một số bậc phụ huynh chuẩn bị sẵn danh sách dài tên cho con trong khi những người khác không có bất kỳ lựa chọn nào cho quyết định quan trọng này. Một lời khuyên cho bạn là khi quyết định đặt tên cho con hãy nghĩ ra danh sách vài ba cái tên tiềm năng và quan tâm đến cảm nhận của chồng cùng những người thân. Đây có lẽ là một trong những quyết định thú vị nhất trong thời kỳ mang thai của bạn!
Ai là người sẽ có mặt lúc bạn sinh?
Hiện nay có nhiều bệnh viện có chính sách riêng cho phép người thân có mặt trong lúc sản phụ “vượt cạn”. Nếu có ý định lưu lại những khoảnh khắc kỳ diệu, hay cần sự hỗ trợ tinh thần bạn hãy bàn bạc và tìm ra người sẽ có mặt cùng bạn trong thời khắc vượt cạn đặc biệt này.
Nên cho con bú sữa mẹ hay bú bình?
Trẻ sơ sinh được bú sữa mẹ thường ít gặp vấn đề về nhiễm trùng, và nhận được nguồn dinh dưỡng tốt hơn. Tuy vậy, nếu vì một số lý do nào đó bạn không thể hoặc không muốn cho con bú hãy để các nhân viên điều dưỡng hướng dẫn bạn kế hoạch cho bé bú bình.
Kế hoạch sau sinh
Hầu hết các bà mẹ đều muốn tự mình chăm sóc con, thế nhưng điều này còn phụ thuộc nhiều vào tình trạng sức khỏe và kinh nghiệm của mẹ. Cân nhắc đến việc nhờ đến sự hỗ trợ của những người có kinh nghiệm như những người thân trong gia đình hoặc bác sĩ, nữ hộ sinh. Tốt nhất là lên kế hoạch chi tiết về những việc phải làm như tắm cho em bé, cho bé bú, ru ngủ, thay tã, thăm khám… và nếu được hãy bàn bạc và thống nhất ý kiến để mọi việc có thể diễn ra suôn sẻ.
Sắp xếp tài chính
Mang thai và nuôi con là cả một hành trình tiêu tốn nguồn tài chính lớn của gia đình. Việc lên kế hoạch tài chính cho cả quãng đường dài phía trước vì thế nên được thực hiện càng sớm càng tốt. Để không cảm thấy lúng túng, hãy cùng chồng lên danh sách những khoảng chi phí cần thiết và lên kế hoạch tiết kiệm ngay từ bây giờ.
Sắm sửa vật dụng cho con
Ngay khi phát hiện mình mang thai, các mẹ đã có thể nghĩ đến chuyện mua sắm đồ dùng cho bé như: nôi, khăn lông, quần áo, sữa tắm… thậm chí là trang trí phòng cho con. Việc thực hiện và mua từng món một vừa giúp bạn giải tỏa được vấn đề chi phí vừa mang đến tâm lý thư giãn cho mẹ.
Lên kế hoạch nghỉ thai sản
Các mẹ bầu nên thông báo về quá trình mang thai của bạn tại nơi làm việc để họ có được chuẩn bị cần thiết cho sự vắng mặt của bạn trong vài tháng tới. Đồng thời các mẹ cũng cần lập ra kế hoạch chăm sóc con, bản thân, gia đình trong quá trình nghỉ thai sản và có bước chuẩn bị cho tương lai xa hơn.
Huyền Châu
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.