8 cột mốc làm thay đổi chế độ dinh dưỡng cho trẻ
Dinh dưỡng là nền tảng cho sự phát triển của trẻ. Trong những năm đầu đời, chế độ dinh dưỡng cho trẻ trải qua rất nhiều biến đổi, và việc nhanh chóng nắm bắt những biến đổi đó sẽ giúp tạo ra thực đơn thích hợp nhất đối với từng giai đoạn phát triển của bé.
Cột mốc 1: Bắt đầu ăn dặm
Hầu hết các bác sĩ nhi khoa sẽ khuyên mẹ cho bé làm quen với thức ăn dạng đặc từ 4 – 6 tháng tuổi. Đó là thời gian khi bé bắt đầu mất phản xạ lưỡi đẩy – phản xạ này dùng trong việc bú mẹ hoặc bú bình khi bé còn nhỏ nhưng lại cản trở việc cho bé ăn.
Và nếu bé có thể ngồi dậy với sự hỗ trợ của mẹ và bộc lộ sự thích thú khi nhìn bạn ăn thì đây chính là thời điểm tốt để cho bé thử ăn thức ăn đặc rồi đấy. Đây là một trong những cột mốc quan trọng nhất đối với chế độ dinh dưỡng cho trẻ.
Tùy theo nhu cầu cá nhân của bé, mẹ có thể canh chỉnh lượng thức ăn phù hợp. Ban đầu, có thể chỉ là nếm thử một vài muỗng nhỏ: mút, nhấm nháp một vài củ quả mềm.
Ăn dặm là cột mốc quan trọng nhất đối với chế độ dinh dưỡng cho trẻ trong năm đầu đời
Cột mốc 2: Làm quen với thức ăn lổn nhổn
Một khi chuyển sự quan tâm đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ, mẹ luôn cần phải cý đến vấn đề giúp con tập nhai. Sau một thời gian, khi con đã quen thuộc với những món nghiền nhuyễn, mẹ có thể tăng độ lợn cợn cho thức ăn. Mẹ nên cho bé từ từ làm quen với cấu trúc thức ăn ở 3 thể: nhuyễn, lợn cợn và đặc.
Ví dụ, mẹ có thể bắt đầu bằng món chuối hoặc trái bơ nghiền, sau đó chỉ rây sơ để thức ăn vẫn có độ lợn cợn nhất định và sau đó là cắt hạt lựu. Ở tháng thứ 9, mẹ có thể nấu cháo nguyên hạt và cho bé ăn đặc lại để tập làm quen với việc cảm nhận hương vị thức ăn và nhai nuốt thành thạo hơn. Để giúp con vượt qua cột mốc này, bạn cũng cần phải chú ý ngăn cản những tai nạn hóc, nghẹn thức ăn rất dễ xảy ra.
Cột mốc 3: Bắt đầu bổ sung nước cho bé
Trong suốt 6 tháng đầu, nhằm đảm bảo cho sự phát triển khỏe mạnh của bé, các chuyên gia khuyên các bà mẹ không nên cho bé uống nước hoặc bổ sung bất cứ loại thức uống, thức ăn nào khác ngoài sữa mẹ hoặc sữa công thức. Tuy nhiên, một khi bé bắt đầu ăn thức ăn rắn, mẹ cũng có thể bắt đầu cho con bổ sung thêm nước giữa các bữa ăn. Nước là một phần không thể thiếu trong chế độ dinh dưỡng cho trẻ.
Cột mốc 4: Bé có thể ngồi vững
Tư thế ngồi sẽ giúp bé ăn uống dễ dàng hơn. Tốt nhất, mẹ nên chuẩn bị cho con một chiếc ghế ăn vững chắc để bé ăn uống một cách gọn gàng, chú tâm và an toàn. Cho bé dùng ghế ăn giúp hình thành một phản xạ có điều kiện: Hễ ngồi vào chiếc ghế đó, bé sẽ hiểu là đã đến giờ ăn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các mẹ nên cho con ăn trong 1 khung giờ nhất định để dạ dày bé tiết dịch vị giúp tiêu hóa thức ăn tốt hơn.
Đối với ghế ăn, mẹ luôn cần thắt dây an toàn ngay khi đặt bé vào ghế, cho dù bạn nghĩ rằng bé không thể bị rơi ra hoặc tự trèo ra ngoài khi lớn hơn.
Cột mốc 5: Con tâp bốc
Khả năng điều khiến đôi tay cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ. Từ 7 -11 tháng, nhiều bé đã biết đòi ăn khi nhìn thấy người lớn ăn bất kỳ món gì bằng cách cố gắng với lấy chúng. Các thực phẩm như mì ý cắt nhỏ, các loại rau được nấu chín thái nhỏ như cà rốt, đậu Hà Lan hoặc bí đao; thịt gà và thịt mềm được cắt thành kích thước hạt đậu nhỏ, các loại ngũ cốc hạt tròn nhỏ, không chứa đường là những sự lựa chọn tốt cho bé. Bạn nên tránh cho bé ăn nho, xúc xích (cho dù chúng đã được cắt nhỏ), các loại hạt và kẹo cứng vì có thể khiến bé bị nghẹt thở khi bị sặc.
Đầu tiên, bé sẽ với thức ăn, nhưng ngay sau đó sẽ phát triển khả năng nắm gọng kìm (dùng ngón cái và ngón trỏ để kẹp những vật nhỏ). Do đó, hãy khuyến khích bé cầm thức ăn bằng tay và để bé tự khám phá, mẹ nhé!
Nếu mẹ biết cách cho bé ăn bốc đúng, con sẽ trở nên háo hức hơn với quá trình ăn dặm và ăn được nhiều hơn, ngon miệng hơn
Cột mốc 6: Bé sử dụng thìa
Sau khi hình thành thói quen ngồi ghế ăn, bạn cũng dần cho bé làm quen với việc cầm thìa để bé có thể tự xúc thức ăn của mình. Thời điểm trẻ tròn một tuổi là thời điểm thích hợp nhất. Tuy nhiên, ngay từ khi bé còn nhỏ, mẹ có thể đưa cho con một chiếc thìa mềm để cầm trong khi bạn cho bé ăn. Khi bạn nghĩ rằng bé đã có thể đưa thìa đúng hướng, hãy thử cho bé ăn những thức ăn đặc và dính hơn, ví dụ như sữa chua, khoai tây nghiền hoặc phô mai tươi.
Có thể hướng dẫn bé cầm thìa vào những bữa đầu và để bé tập dần cho đến khi thành thạo. Mẹ có thể giúp bé bằng cách cho thực phẩm sẵn lên thìa để bé đưa vào miệng.
Dần dần khi kỹ năng cầm thìa và xúc của bé đã thuần thục hơn, hãy cho con ăn cơm cùng bàn và để trẻ tự xúc thức ăn có trong bát riêng của mình.
Sự phát triển trong kỹ năng cầm, nắm tạo ra bước thay đổi mới đối với chế độ dinh dưỡng cho trẻ
Cột mốc 7: Vượt thử thách dị ứng thực phẩm
Hiện tại, không có bằng chứng cho thấy việc cho các bé dưới một tuổi ăn các loại thức ăn dễ gây dị ứng như đậu phộng, trứng sẽ làm cho khả năng bị dị ứng của bé tăng cao. Vì vậy, bạn có thể bổ sung những loại thực phẩm này vào chế độ dinh dưỡng cho trẻ ngay cả khi con chưa tròn 1 tuổi. Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ (AAP) cho rằng, các bậc cha mẹ nên thử cho bé ăn từng chút 1 với những loại thực phẩm có nguy cơ dị ứng ngay khi bé có thể ăn thức ăn đặc. Vừa ăn các mẹ vừa nghe ngóng xem con có bị đi ngoài hoặc mẩn đỏ gì không nhé.
Nếu thận trọng, bạn có thể tránh cho bé ăn các loài giáp xác và đậu phộng bởi phản ứng dị ứng mà các loại thực phẩm này gây ra có thể đặc biệt nguy hiểm đến tính mạng bé.
Cột mốc thứ 8: Bé có thể tự ăn một mình
Bé cần trải qua một quá trình dài để làm quen và sử dụng thuần thục các dụng cụ như thìa, đũa, nĩa… Hầu hết các bé sẽ không thể sử dụng các dụng cụ ăn thành thạo cho tới khi bé lớn hơn một tuổi.
Bí quyết tập cho bé tự ăn
Việc để cho bé tự xúc, tự gắp trong mỗi bữa ăn sẽ hình thành nên một thói quen có lợi cho sức khoẻ và cả sự phát triển hành vi của trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, càng giúp con tự ăn sớm, mẹ càng đỡ mất thời gian và tinh thần thấy thoải mái, đỡ bị áp lực bởi chuyện ăn uống của con.
Vì thế, mẹ hãy cho bé ngồi vào ghế ăn của riêng mình, dùng bữa cùng với gia đình vào một khung giờ nhất định. Mẹ sẽ phải học sự kiên nhẫn vì điều này sẽ tốt hơn cho thói quen ăn uống của trẻ về sau. Một lợi ích khác là bé sẽ dễ dàng tiêu hóa hơn nếu được cho ăn đúng giờ.
Hãy khuyến khích bé luyện tập sử dụng dụng cụ ăn uống một cách an toàn và chuẩn bị tinh thần để dọn dẹp những mớ hỗn độn mà bé có thể gây nên.
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.