9 điều thú vị không phải mẹ nào cũng biết về ốm nghén khi mang thai
Ốm nghén khi mang thai là triệu chứng phổ biến, xảy ra với hơn 80% bà bầu. Tuy nhiên, không phải mẹ bầu nào cũng hiểu các triệu chứng nghén khi có bầu cũng như biết những thông tin thú vị xoay quanh vấn đề này. Dưới đây là 9 điều cần biết về ốm nghén khi mang thai, thử xem mình biết được bao nhiêu, bầu nhé!
Ốm nghén có thể sẽ sớm chấm dứt khi mẹ bước vào tam cá nguyệt thứ hai
Hiện tượng ốm nghén xuất hiện khi nào?
Thực tế, không có một thời gian chuẩn cho tất cả các mẹ. Có mẹ bị ốm nghén từ những tuần đầu tiên của thai kỳ, nhưng cũng có mẹ bắt đầu nghén từ tháng thứ 3. Theo các chuyên gia, phổ biến nhất vẫn là sau khi chu kỳ kinh nguyệt “mất tích”, và nguyên nhân chính là hormone thai kỳ. Cũng vì vậy, ốm nghén luôn được xem là dấu hiệu có thai dễ nhận biết nhất.
Triệu chứng buồn nôn, nôn ói, sợ mùi thức ăn, mệt mỏi… có thể trở nên nặng nề hơn vào tuần thai thứ 8-9 và sẽ giảm dần khi kết thúc tam cá nguyệt thứ nhất. Tuy nhiên, cũng có trường hợp ốm nghén kéo dài đến 9 tháng 10 ngày.
Nguyên nhân bị ốm nghén khi mang thai
Nhắc đến nguyên nhân ốm nghén, mọi người sẽ nghĩ ngay đến sự thay đổi nội tiết tố. Nồng độ hormone tăng cao làm giãn cơ hệ tiêu hóa, làm thức ăn bị đẩy ngược lên gây buồn nôn.
Tuy nhiên, hormone thai kỳ không phải “thủ phạm” duy nhất. Theo các chuyên gia, bà bầu ốm nghén cũng có thể do thói quen ăn uống thất thường, do thần kinh của bà bầu đặc biệt nhạy cảm với một số mùi vị hoặc do yếu tố di truyền.
Biểu hiện ốm nghén trong tam cá nguyệt đầu tiên
Mỗi bà bầu khác nhau sẽ có những biểu hiện ốm nghén khác nhau. Tuy nhiên, điển hình nhất vẫn là những biểu hiện sau:
- Buồn nôn, nôn khan
- Thường xuyên nôn ói
- Mệt mỏi, khó chịu
- Không ăn uống được, sợ mùi thức ăn
- Thay đổi khẩu vị
Buồn nôn, nôn khan là biểu hiện rõ ràng nhất của chứng ốm nghén
Ốm nghén nặng phải làm sao?
Ốm nghén là triệu chứng thai kỳ phổ biến và không gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, nếu bà bầu bị ốm nghén nặng, không thể ăn uống gì, bạn cần báo ngay với bác sĩ để có biện pháp tăng cường dinh dưỡng. Bà bầu không đủ chất, thai nhi trong bụng cũng có nguy cơ bị suy dinh dưỡng, cân nặng thai nhi dưới chuẩn.
Không quá phổ biến nhưng có khoảng 10-15% bà bầu bị ốm nghén nặng và phải nhờ đến sự trợ giúp của các loại thuốc chống nôn, hoặc được bác sĩ chỉ định bổ sung vitamin B6, truyền nước biển… Bà bầu nên cẩn thận nếu nhận thấy những dấu hiệu sau đây:
- Nôn ói liên tục không kiểm soát
- Không ăn được trong một thời gian dài
- Xuất hiện triệu chứng cơ thể mất nước, sút cân liên tục
- Mệt mỏi, không có sức
Lưu ý: Khi mang thai, việc sử dụng bất cứ loại thuốc nào, dù là vitamin cũng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ. Bổ sung vitamin quá liều có thể tác động xấu đến sự phát triển của bé cưng, thậm chí gây di tật.
Cách tính tuổi thai chuẩn như bác sĩ, đúng khỏi bàn
Yêu cầu bắt buộc để biết chính xác ngày dự sinh cũng như áp dụng đúng cách tính tuổi thai chính là mẹ phải nhớ được ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt cuối.
Điều “thú vị” về giai đoạn thai nghén
Nhờ ốm nghén mà mẹ có thề “lờ mờ” đoán giới tính của bé cưng cũng như trí thông minh trong tương lai. Hiện tượng này cũng giúp ngăn ngừa biến chứng thai kỳ.
Đoán giới tính thai nhi nhờ ốm nghén?
Một thông tin thú vị dành cho các mẹ: Bà bầu ốm nghén có tỷ lệ sinh con gái nhiều hơn con trai. Đây là kết quả nghiên cứu của các chuyên gia đến từ Thụy Sỹ.
Theo đó, 55% bà bầu ốm nghén sẽ cho ra đời 1 nàng công chúa. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu này chỉ mang tính tham khảo, bởi trong nghiên cứu chỉ tập trung vào những bà bầu nghén nặng. Với những mẹ chỉ nghén thông thường, rất khó có thể xác định.
Ốm nghén – Yếu tố ảnh hưởng trí thông minh của bé
Nghiên cứu của các chuyên gia tại Canada tiến hành trên hơn 800.000 phụ nữ mang thai đến từ nhiều quốc gia cho thấy, những bé có mẹ bị ốm nghén trong thai kỳ không chỉ có chỉ số IQ cao mà còn có khả năng ngôn ngữ tốt hơn.
Ốm nghén giúp ngăn ngừa biến chứng thai kỳ
Ngoài trí thông minh, nghiên cứu cũng cho thấy ốm nghén có thể giúp ngăn ngừa biến chứng sảy thai và sinh non, đồng thời cũng giảm thiểu nguy cơ dị tật bẩm sinh. So với tỷ lệ sảy thai ở những mẹ không ốm nghén (9,5%), bà bầu ốm nghén có tỷ lệ sảy thai thấp hơn hẳn, khoảng 6,4%.
Không chỉ vợ bầu, chồng cũng có thể ốm nghén
Có thể bạn không tin, nhưng tình trạng chồng ốm nghén thay vợ khá phổ biến. Thậm chí, các chuyên gia còn đặt tên cho tình trạng này, gọi là Hội chứng couvade. Khi bị ốm nghén, anh xã cũng có thể cảm thấy buồn nôn, cảm giác đau nhức, thay đổi khẩu vị…
Nhận diện ngay biểu hiện có thai tuần đầu qua 4 câu trắc nghiệm
Biểu hiện có thai tuần đầu ở mỗi phụ nữ mỗi khác và cũng không phải chị em nào cũng đủ nhạy cảm để nhận biết những thay đổi nhẹ nhàng của cơ thể.
Ốm nghén có thể chữa trị
Với những bà bầu bị ốm nghén nhẹ, bạn có thể cải thiện tình trạng này bằng cách ăn uống. Chẳng hạn, chia nhỏ khẩu phần ăn thành nhiều bữa, “lấp đầy” dạ dày với bánh quy khi vừa thức giấc, hoặc giữa những bữa ăn. Lưu ý không để cơ thể quá đói hoặc quá no. Ngoài ra, bạn cũng có thể “kết thân” với gừng – một trong những cách trị ốm nghén hiệu quả với nhiều bà bầu.
Tóm lại, ốm nghén khi mang thai không phải là triệu chứng nguy hiểm nên bà bầu có thể yên tâm. Hơn nữa, với những lợi ích tuyệt vời của ốm nghén, thay vì khó chịu vì chúng, sao bầu không vui vẻ hơn một chút?
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.