Bữa cơm trong hòa bình

shape

31 Oct

Martin NguyenOct 31, 2019

Bữa cơm trong hòa bình

Tâm sự của mẹ
Mình có một cậu nhóc gần 3,5 tuổi, ở nhà tên là Cu Tí (vì là sinh năm con chuột). Đã có lúc mình rất stress khi đến bữa ăn vì cu cậu nhà mình ăn uống rất khó khăn: hay ngậm, hay nhả, hay ói. Các bữa cơm diễn ra như một cuộc chiến giữa bé và ba mẹ, thậm chí cả ông bà nội cũng nhập cuộc. Nhiều lúc ăn được hơn nửa chén, cu cậu không chịu ăn nữa, mình cố ép, thế là con khóc, ho mấy cái và cho ra hết sạch sẽ. Mình cũng đã áp dụng đủ biện pháp từ mềm mỏng (như năn nỉ, dụ dỗ) đến cứng rắn (như dọa nạt, đòn roi) nhưng mọi chuyện vẫn đâu vào đấy. Ông bà thì xót cháu, mỗi lần thấy mình chuẩn bị ‘ra tay’ thì liền ‘chặn đầu’: “Nó còn nhỏ, bây giờ không ăn được thì mai mốt ăn” hoặc “Không ăn cơm thịt cá thì ăn cơm trắng, không ăn thì uống sữa” (đặc biệt Cu tí nhà mình lại ưa món cơm trắng, ăn bao nhiêu cũng không đủ, mà cơm trắng hoài thì sao đủ chất). Cu cậu biết được ông bà ‘bênh’ nên mỗi lần thấy mẹ làm áp lực là khóc lên để bà nghe thấy hoặc chạy đi tìm ‘đồng minh’. Mình vừa stress vì con giờ lại thêm ông bà nên nhiều lúc nản vô cùng. Tình trạng kéo dài được vài tháng thì mình nghĩ ra được cách điều trị được căn bệnh ‘khó ăn’ của con.

Chiều đi học về hạn chế cho bé ăn vặt, để dành bụng ăn cơm

Tạo không khí vui vẻ, thoải mái trước giờ cơm

Bắt bé đọc theo câu ‘thần chú’ trước khi ăn: Không được nhả, không được ói. (Nếu ói hoặc nhả cơm thì sẽ bị phạt không được đi chơi cuối tuần với ba mẹ)

Tập cho bé tự cầm muỗng xúc ăn

Không ép bé ăn cho hết nếu bé thấy no hoặc không còn muốn ăn

Khi quen dần với việc ăn uống nề nếp, mình cho bé ra bàn ăn ngồi chung với cả nhà

Lâu lâu mình dắt bé đi ăn quán hoặc đi ăn tiệc cùng ba mẹ để bé tập được thói quen ăn uống nơi xa lạ, có đông người

Trộm vía từ ngày áp dụng những “chiêu” này, hòa bình đã lập lại trong các bữa cơm của bé. Chuyện ăn uống của cu Tí trở nên thoải mái, mình cũng giải tỏa được căng thẳng, như trút được gánh nặng trong lòng. Các cô giáo nhận xét con mình ăn uống tốt làm mình cảm thấy yên tâm. Nhìn mỗi tháng con tăng trưởng chiều cao và cân nặng mình cảm thấy rất vui. Mình cũng không dám chắc những cách thức trên đây có đúng phương pháp hay không. Nhưng thực sự nó có hiệu quả đối với trường hợp cu Tí nhà mình. (MevaCon)

Bữa cơm trong hòa bình

Tạo không khí vui vẻ trong bữa ăn gia đình

Ý kiến của chuyên gia
Thế còn dưới con mắt các chuyên gia thì vấn đề này như thế nào? Chuyên viên tư vấn tâm lý Kim Bắc bổ sung thêm một số ý kiến như sau: Thời nay, nhất là ở thành phố, ít có bà mẹ nào không gặp phải vấn đề khi cho con ăn. Theo nhiều số liệu thống kê, số trẻ bị suy dinh dưỡng thuộc các gia đình kinh tế khá giả có khi còn nhiều hơn những gia đình khó khăn. Nguyên nhân chính không hẳn vì trẻ không được đảm bảo đủ dinh dưỡng, mà là do cách chăm sóc. Một số sai lầm các bậc cha mẹ hay mắc phải, dẫn đến việc con bị tâm lý chán ăn mà bị suy dinh dưỡng như:

Quá quan trọng việc đảm bảo chất, sự điều độ mà không chú ý đến khẩu vị, thói quen, sở thích của con. Thường các bố mẹ, cứ thấy nói đến cái gì bổ là… ham và liền nhồi nhét cho con bằng được. Trong khi con lại không thích món đó… Điều này làm con bất mãn, chán, sợ ăn. Lời khuyên là hãy cho con ăn tất cả những gì con thích (tất nhiên trừ những chất kích thích như rượu bia; những thứ sống sít như gỏi, cá sống,… vì hệ tiêu hóa trẻ còn yếu). Bạn chỉ cần đảm bảo tươi sống, vệ sinh, an toàn thì cơ bản thực phẩm nào cũng có chất “không bổ dọc cũng bổ ngang”. Cứ để trẻ ăn uống tự nhiên, thỏa mái, đừng nhồi đừng ép. Cơ thể trẻ sẽ tự biết cân bằng để rồi ăn món đó nữa hay chuyển sang món khác, ăn lúc này hay lúc khác.

Đừng quá sạch sẽ. Nhiều bố mẹ cứ vào giờ ăn là bắt con ngồi ghế “từ bi từ tại”, chỉ được … há miệng, nhai và…nuốt. Con ngọ ngậy, đổ vãi tí là khó chịu rồi la lối ầm lên. Làm con cảm thấy gò bó, chán chường mà nảy sinh “phản xạ có điều kiện”: cứ đến bữa ăn là sợ sệt, chán ngán như đến giờ bị “tra tấn”, chẳng còn nuốt nổi. Hãy cho con được thoải mái tự xúc, tự gắp, ngồi cùng bàn càng sớm càng tốt. Con có bốc bải, đổ vãi tí cũng không sao. Còn có thể “kéo con vào cuộc”: gọi người này, mời người kia, lấy ghế, lấy muỗng,v.v… tùy theo sức của con. Trẻ sẽ rất hào hứng, thấy mỗi bữa ăn … vui như vào hội để việc ăn uống luôn dễ dàng.

Không cho trẻ ăn vặt và những thức ăn nhiều đường: bánh kẹo, nước ngọt…, trước bữa ăn, bởi làm trẻ bị ngang dạ, luôn có cảm giác no, không ăn được bữa chính nữa. Cũng đừng bắt trẻ “đọc thần chú” vậy. Càng làm trẻ căng thẳng và bị ám ảnh chuyện đó (nhả, ói ) hơn…

MarryBaby

Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé

FAQs

Martin Nguyen

  • Martin Nguyen Image

    Xin quý đọc giả lưu ý

    – Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
    – Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *