Bụng căng cứng có phải sắp sinh?
Bà bầu bị căng cứng bụng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, nếu bụng căng cứng vào những tuần cuối thai kỳ, khả năng đây là dấu hiệu chuyển dạ khá cao. Vậy, bụng căng cứng có phải sắp sinh không? Mẹ cùng MarryBaby tìm hiểu nhé!
Bụng căng cứng là dấu hiệu sắp sinh hay chỉ là một triệu chứng thai kỳ bình thường? Tìm hiểu ngay mẹ ơi
Bụng căng cứng khi mang thai tuần 39, 40
Không cần chờ đến giai đoạn cuối thai kỳ, bà bầu đã bắt đầu bị căng cứng bụng từ những tuần đầu của tam cá nguyệt thứ 2. Hiện tượng này khá phổ biến và hoàn toàn không đáng lo như suy nghĩ của nhiều mẹ. Thậm chí, theo chuyên gia, bà bầu bị căng cứng bụng cũng có thể xem là dấu hiệu thai nhi đang phát triển tốt. Nguyên nhân là do khung xương thai nhi ngày càng phát triển, mỗi lần bé hoạt động đều có thể làm bụng của mẹ căng cứng. Đặc biệt, những mẹ có thân hình “mảnh mai” sẽ có cảm giác bụng căng cứng sớm hơn so với những mẹ hơi thừa cân.
Bụng căng cứng trong những tuần cuối thai kỳ cũng có thể do táo bón. Sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể kết hợp với sự phát triển của thai nhi là nguyên nhân chính gây táo bón khi mang thai. Càng về giai đoạn cuối, thai nhi càng phát triển tăng áp lực lên tử cung, tình trạng táo bón càng thêm nghiêm trọng. Uống nhiều nước, bổ sung thêm chất xơ trong thực đơn hàng ngày sẽ giúp hạn chế bớt những khó chịu do táo bón mang lại.
Ngoài ra, bà bầu cũng nên lưu ý những trường hợp bụng căng cứng do tác động bên ngoài như xoa bụng quá nhiều, massage bầu ngực, đầu ti. Chuyên gia khuyến cáo mẹ bầu không nên xoa bụng hay massage ngực trong những tuần nhạy cảm, bởi có thể tạo nên những cơn co thắt chuyển dạ.
Nên hay không nên xoa bụng bà bầu?
Hành động xoa bụng bà bầu tưởng chừng như vô hại này lại có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé, tăng nguy cơ sảy thai nếu không thực hiện đúng cách. Cùng tìm hiểu về những mặt khác nhau của thói quen này để xác định xem việc xoa bụng bà bầu là nên hay không nên nhé.
Bụng căng cứng có phải sắp sinh?
Bụng căng cứng là một trong những dấu hiệu sắp sinh mẹ cần lưu ý. Tuy nhiên, không phải lúc nào bà bầu bị căng cứng bụng đều như vậy. Mức độ, tần suất cơn gò cứng bụng cũng như các triệu chứng đi kèm cũng rất quan trọng. Nếu chỉ bị căng cứng bụng nhưng không đi kèm triệu chứng như chảy máu âm đạo, đau lưng, chuột rút…, bà bầu có thể yên tâm.
Tuy nhiên, nếu tần suất của những cơn gò cứng bụng ngày càng dày hơn, cứ 5-10 phút xuất hiện 1 lần kèm theo ra máu, đau bụng có thể là “báo động” bé cưng đang muốn ra ngoài. Mẹ bầu nên chuẩn bị sẵn sàng để đến bệnh viện ngay.
Lưu ý dành cho mẹ:
Khá giống những cơn gò chuyển dạ, gò sinh lý Braxton hicks xuất hiện vào những tuần cuối thai kỳ cũng dễ gây nhiễu, làm mẹ bầu nhầm lẫn. Dưới đây là một số “đặc điểm nhận dạng” của cơn gò chuyển dạ và gò sinh lý, bà bầu có thể tham khảo:
- Cơn gò chuyển dạ: Thường xuất hiện liên tục với cường độ mạnh và có nhịp điệu riêng. Những cơn đau vẫn tiếp tục ngay cả khi bà bầu thay đổi tư thế.
- Gò sinh lý: Không có nhịp điệu, tần suất nhất định. Hơn nữ, gò sinh lý Braxton hicks cũng không xuất hiện thường xuyên, nhiều nhất chỉ 1-2 lần/ giờ hoặc vài lần trong ngày. Đặc biệt, khi bà bầu thay đổi tư thế, những cơn gò cũng giảm dần.
Rất nhiều mẹ nhầm lẫn giữa cơn gò sinh lý và gò chuyển dạ
Một số dấu hiệu sắp sinh thường đi kèm với con gò chuyển dạ, mẹ bầu cần lưu ý:
- Đau lưng, chuột rút do các cơ vùng chậu bị kéo căng hết mức để chuẩn bị cho hành trình chào đời của bé. Càng về cuối thai kỳ, cảm giác đau sẽ càng nghiêm trọng, nhất là những cơn đau 2 bên háng.
- Đau lưng dưới: Thai nhi càng phát triển, mẹ càng cảm thấy cơn đau lưng dưới xuất hiện nhiều hơn, do dây chằng cổ tử cung và xương chậu bị kéo dãn hết mức. Nếu cảm thấy đau lưng hơn mức bình thường, rất có thể là dấu hiệu bé cưng đòi ra ngoài.
- Xuất hiện máu báo: Gần sinh, âm đạo sẽ tiết ra nhiều dịch nhầy hơn bình thường. Khi nút nhầy ở cổ tử cung bị bong ra, ở một số mẹ bầu sẽ kèm theo máu, hay còn gọi là “máu báo”. Nếu thấy dấu hiệu này, nhanh chóng báo ngay cho bác sĩ để được theo dõi mẹ nhé!
- Tiêu chảy: Trước khi bé cưng chào đời, hormone sinh nở trong cơ thể mẹ sẽ tác động làm tử cung co giãn, dẫn đến tiêu chảy. Mẹ bầu nên lưu ý, tránh uống sữa hoặc ăn thực phẩm nhiều đường, bởi sẽ làm triệu chứng thêm nghiêm trọng.
Tóm lại, muốn biết bụng căng cứng có phải sắp sinh không, mẹ bầu cần lưu ý mức độ cũng như tần suất căng bụng. Những triệu chứng đi kèm cũng rất quan trọng. Nếu bụng căng cứng không đi kèm dấu hiệu bất thường nào, bà bầu cũng không cần lo, bởi đó chỉ là triệu chứng bình thường.
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.