Cách chăm sóc bà bầu 3 tháng đầu - Bước "mở đường" quan trọng
Sau thụ tinh, trong vài tuần ngắn ngủi, tất cả các bộ phận quan trọng của em bé sau này đều đã được “đặt nền móng” ở phôi thai. Ngay ở ngày thứ 28 của thai kỳ, ống thần kinh đã hình thành để sau đó phát triển thành não và tủy sống. Ở tuần thứ 5, trong phôi thai đã có một hạt nhỏ mà sang tuần thứ 6 đã phát triển thành tim thai và bắt đầu những nhịp đập đầu tiên. Ở tuần kế tiếp, những chi trên và dưới của thai nhi cũng đã bắt đầu xuất hiện. Cho đến tuần thứ 9, phôi thai đã phát triển thành một bào thai hoàn chỉnh. Có thể nói, 3 tháng đầu của mẹ và bé đã đặt nền móng cho cả thai kỳ và cho sự phát triển của trẻ sau này. Vậy, cách chăm sóc bà bầu 3 tháng đầu như thế nào sẽ tạo khởi đầu tốt nhất cho bé?
1. Nuôi dưỡng thai kỳ bằng chế độ ăn lành mạnh
Nên bổ sung dưỡng chất nào?
Dinh dưỡng là bắt nguồn cho tất cả: Một cơ thể khỏe mạnh, một thai kỳ suôn sẻ. Đây cũng là bước đầu tiên cần lưu ý trong cách chăm sóc bà bầu 3 tháng đầu. Mẹ bầu 3 tháng đầu không thể thiếu những dưỡng chất quan trọng sau:
–Axít folic: Axít folic hay vitamin B9 giúp giảm dị tật ống thần kinh xảy ra trong quá trình hình thành các bộ phận của thai nhi. Mẹ bầu cần bổ sung 400IU axít folic mỗi ngày trong ít nhất 3 tháng đầu thai kỳ. Ngoài chế độ ăn gồm những thực phẩm giàu axít folic như cải bó xôi, súp lơ xanh thì mẹ còn có thể dùng vitamin tổng hợp cho bà bầu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể lúc này.
–Sắt: Chất sắt tham gia vào quá trình tạo máu. Thiếu sắt, cơ thể mẹ bị thiếu máu và không đảm bảo được viêc vận chuyển dinh dưỡng từ mẹ sang phôi và thai nhi. Để không thiếu sắt trong 3 tháng đầu, mẹ nên ăn nhiều các loại thịt nạc như thịt thăn heo, thịt bò nạc, ức gà, các loại cá… Một số loại rau củ quả cũng chứa chất sắt nhưng khó hấp thụ hơn sắt từ động vật. Muốn tăng cường khả năng hấp thụ sắt của cơ thể, mẹ cũng cần bổ sung đầy đủ vitamin C.
–Canxi: Ngay từ những tháng đầu thai kỳ, mẹ đã cần lưu ý bổ sung lượng canxi cần thiết cho cơ thể. Bé sẽ lớn rất nhanh và chẳng bao lâu nữa, nếu mẹ không ăn một chế độ ăn đủ canxi thì cơ thể sẽ phải dùng đến nguồn canxi dự trữ để thúc đẩy sự phát triển của thai nhi. Và để cơ thể hấp thụ tốt canxi, không thể thiếu sự có mặt của vitamin D. Canxi và vitamin D là “đôi bạn cùng tiến” mà mẹ có thể tìm thấy trong nhiều thực phẩm như sữa, phô mai, yogurt, trứng…
Ngoài những “tiêu điểm” kể trên, mẹ cũng cần các nhóm chất dinh dưỡng khác như carbohydrate (bột đường), protein (đạm), chất béo, các vitamin và khoáng chất. Trong giai đoạn này, nhu cầu dinh dưỡng của thai nhi chưa lớn nên mẹ chưa cần chú ý về số lượng mà chỉ cần đảm bảo chất lượng bữa ăn.
Chuyên gia chia sẻ: Mang thai 3 tháng đầu, ăn gì cũng phải cẩn thận!
Mang thai 3 tháng đầu, chắn hẳn bạn nhận được không ít khuyến cáo từ mọi người xung quanh, từ những thứ nên ăn như cá chép, trứng ngỗng, chuối... đến cả những thực phẩm cần tránh như cua, rau sống... Tuy nhiên, những lời khuyên này có thực sự đúng? Nghe chuyên gia trả lời mẹ bầu nhé!
Những thực phẩm cần kiêng
Mẹ bầu 3 tháng đầu cần tránh những thực phẩm sau vì chúng có thể tăng nguy cơ sảy thai hoặc ảnh hưởng đến sự phát triển của thai:
–Đu đủ xanh: Mẹ bầu lưu ý, đu đủ xanh chỉ tốt khi mẹ đã sinh con và cho bé bú. Nếu ăn đu đủ xanh trong giai đoạn đầu thai kỳ sẽ dễ dẫn tới nguy cơ sảy thai.
–Rau chùm ngây: Tuy được mệnh danh là “vua” của các loại rau giàu dinh dưỡng, chùm ngây lại không phải là lựa chọn cho bà bầu vì có thể gây sảy thai.
–Rau sam: Loại rau này không phổ biến lắm nhưng mẹ vẫn nên thận trọng, tránh ăn trong 3 tháng đầu vì có thể gây sảy thai.
–Đồ sống: Rau sống, thịt, cá, trứng sống đều nằm trong danh sách “đen: mà bà bầu cần kiêng trong suốt thai kỳ vì chúng có thể chứa các loại vi khuẩn nguy hiểm.
2. Chăm sóc giấc ngủ
Những dấu hiệu mang thai xuất hiện trong thời gian này như đau lưng, ợ nóng, đi tiểu nhiều, buồn nôn… có thể khiến mẹ bầu bị mất ngủ. Trong những cách chăm sóc bà bầu 3 tháng đầu, giấc ngủ là một phần quan trọng cần chú ý. Để ngủ ngon vào buổi tối, mẹ nên tránh để cơ thể mệt mỏi, ăn một lượng thức ăn vừa phải vào buổi tối và lên giường sớm. Ngoài ra, một số mẹo giúp mẹ có giấc ngủ ngon trong 3 tháng đầu bao gồm:
–Ngủ đúng tư thế: Mẹ nên tập tư thế ngủ nằm nghiêng bên trái, kê chân lên cao bằng cách lót gối dưới chân để giảm khó chịu.
–Luyện tập thể dục đều đặn: Việc duy trì vận động mỗi ngày giúp giảm stress, đồng thời giúp các cơ bắp được thư giãn chống lại triệu chứng chuột rút. Mẹ nên đi bộ mỗi ngày 30 phút và duy trì thói quen này trong suốt thai kỳ. Ngoài ra, một số lựa chọn lý tưởng khác bao gồm bơi lội, yoga, khiêu vũ… Hãy tránh những hoạt động có khả năng khiến mẹ té ngã.
Những bài tập nhẹ nhàng như yoga, đi bộ là lựa chọn lý tưởng cho bà bầu 3 tháng đầu
–Ngủ trưa vừa phải: Không nên ngủ quá nhiều vào ban ngày sẽ khiến mẹ khó ngủ ngon và sâu giấc vào ban đêm.
3. Thay đổi thói quen sinh hoạt để khỏe mạnh hơn
Ngay từ 3 tháng đầu thai kỳ, mẹ nên thay đổi những thói quen có hại như:
–Thức khuya: Thức khuya khiến mẹ bầu mệt mỏi, đồng thời thai nhi cũng sẽ “kế thừa” tật xấu này của mẹ đấy. Nếu mẹ không muốn bé khóc đêm nhiều vì thói quen ngày ngủ đêm thức thì nên cố gắng đi ngủ sớm ngay từ khi mới mang thai nhé.
–Đi đến những chốn đông người: Những nơi đông vui nhộn nhịp không phải là điểm đến lý tưởng cho mẹ bầu vì mẹ có thể bị nhiễm bệnh và gây ảnh hưởng đến thai nhi.
–Tham công tiếc việc: Quá căng thẳng khi mang thai sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của thai nhi.
–Uống nhiều trà và cà phê: Việc uống trà và cà phê khi mang thai có thể làm tim đập nhanh, hồi hộp và đặc biệt, uống quá gần bữa ăn làm giảm khả năng hấp thụ chất sắt.
Điểm mặt chỉ tên những việc mang thai 3 tháng đầu cần chú ý
Mang thai 3 tháng đầu cần chú ý những gì? Nhiều không đếm xuể nhưng chỉ cần mẹ lưu ý mang theo bên mình danh sách dưới đây là đủ!
Như vậy, để có cách chăm sóc bà bầu 3 tháng đầu hợp lý, mẹ không chỉ cần quan tâm đến việc nên làm gì mà còn chú ý đến những điều nên kiêng cữ hoặc thay đổi. Từ những bước đầu tiên đó, mẹ sẽ có một thai kỳ khỏe mạnh và được tận hưởng thật nhiều khoảnh khắc đáng nhớ.
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.