Cảnh giác với những triệu chứng mang thai giả
Triệu chứng mang thai giả hay còn gọi là mang thai tưởng tượng thường xảy ra với những phụ nữ luôn mong muốn, khao khát được làm mẹ. Tuy không ảnh hưởng lớn đến sức khỏe nhưng tình trạng này có thể để lại tác động tâm lý rất lớn đối với người phụ nữ.
1/ Khi nào được gọi là mang thai giả?
Cũng có những dấu hiệu mang thai như: tắt kinh, căng tức ngực, tiết sữa, buồn nôn cùng những thay đổi về nội tiết tố giống người đang mang thai, nhưng lại không có bất cứ hiện tượng thụ thai hoặc bào thai nào trong tử cung.
Trong một số trường hợp, dùng que thử thai có xuất hiện 2 vạch nhưng siêu âm không phát hiện bào thai
2/ Triệu chứng mang thai giả: Từ đâu mà có?
Mang thai giả có liên quan đến hoạt động của tuyến yên, nơi sản xuất nội tiết tố của cơ thể trong quá trình mang thai và sự gia tăng các nội tiết tố như prolactin, oestrogen… Vẫn chưa có kết luận chính thức, nhưng theo các chuyên gia, triệu chứng mang thai giả có thể xuất phát từ những nguyên nhân sau:
– Mong chờ, khao khát có con quá độ dẫn đến rối loạn cảm xúc, từ đó tác động lên tuyến yên tạo nên sự thay đổi bên trong cơ thể.
– Sự lo lắng, căng thẳng quá mức làm cho cơ thể tiết ra nội tiết tố giống như khi mang thai, gây táo bón, chướng bụng, tăng cân và tăng nhu động ruột tạo cảm giác thai máy.
– Bệnh trầm cảm làm thay đổi các phản ứng hóa học trong hệ thống thần kinh cũng gây nên dấu hiệu mang thai giả.
– Phần lớn triệu chứng của mang thời kỳ đầu do hooc-môn HCG ở nhau thai gây ra. Tuy nhiên có một số bệnh như bệnh lupus ban đỏ cũng khiến cho nồng độ HCG trong máu tăng, từ đó sẽ xuất hiện các triệu chứng mang thai giả.
Phụ nữ ngoài 30 tuổi bị hiếm muộn, hoặc đã từng sảy thai, bị mất con vì nguyên nhân nào đó là đối tượng dễ có nguy cơ mang thai giả nhất
3/ Nhận biết dấu hiệu mang thai giả
Kể cả về vóc dáng bên ngoài hay những thay đổi bên trong cơ thể đều giống như một phụ nữ mang thai bình thường. Thậm chí, người mang thai giả cũng có cảm giác đau bụng khi chuyển dạ và sắp sinh con. Một số biểu hiện thường thấy như:
– 60-90% phụ nữ mang thai giả có hiện tượng mất kinh, bụng và tử cung to dần. Cổ tử cung cũng trở nên mềm hơn.
– 63-97% phụ nữ mang thai giả có kích thước vòng 2 tăng mạnh. Đôi khi ngực còn tiết sữa.
– Biểu hiện sự khó chịu của những cơn ốm nghén như nôn ọe, mệt mỏi, thay đổi khẩu vị. Có thể thèm chua, thèm ngọt hoặc thích ăn những món trước đây chưa bao giờ thử qua.
– Có cảm giác thay máy: Đây là triệu chứng “đánh lừa” tâm lý. Người mang thai giả sẽ cảm nhận được thai nhi đang cử động, nhưng thật chất là do nhu động ruột non gây ra. Theo các chuyên gia, 50-70% trường hợp phụ nữ tin rằng mình có thai thật do những chuyển động của bé.
– 1% trường hợp mang thai giả có xuất hiện những cơn co thắt chuyển dạ.
Tất cả các triệu chứng mang thai giả có thể diễn ra vài tuần đầu hay thậm chí kéo dài cả năm. Chúng rất khó phân biệt với những dấu hiệu có thai thật ngay cả đối với các chuyên gia, nếu không dùng phương pháp siêu âm cũng rất khó nhận biết.
Những câu hỏi thường gặp khi siêu âm thai
Siêu âm thai là cách giúp bạn nhìn thấy hình ảnh của bé ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Nó cũng giúp phát hiện những dị tật bẩm sinh của thai nhi.
4/ Cách phòng và điều trị mang thai giả
Hầu hết những phụ nữ mang thai giả đều rơi vào trạng thái thất vọng khi biết mình không có thai. Không thiếu trường hợp còn dẫn đến trầm cảm, hoang mang quá mức ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy, mọi người nên có cách nhận thức đúng cũng như phòng tránh kịp thời.
Để tránh mang thai giả, ngay khi phát hiện các dấu hiệu mang thai, bạn nên đi khám để được chẩn đoán chính xác nhất, tránh để lâu gây nên tâm lý tin tưởng. Gặp các chuyên gia tâm lý hiếm muộn để tư vấn khi bạn đang mong muốn có con. Tuyệt đối không được để tinh thần bị tuột dốc. Bạn có thể chia sẽ những tâm tư, tình cảm với người bạn đời, người thân và bạn bè.
Bệnh tâm lý phải được điều trị bằng tâm lý, vì vậy nên sử dụng các liệu pháp điều trị tâm lý để giúp người bệnh mau chóng hồi phục. Ổn định sức khỏe cho lần mang thai thật sự sau đó.
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.