Chăm chút cho giấc ngủ ngày của con
Phần lớn thời gian trong ngày của bé sơ sinh đều dành để ngủ
1/ Bé cần ngủ bao nhiêu giấc ngắn trong ngày?
Độ dài của các chu kỳ thức-ngủ của mỗi bé sẽ không giống nhau, nhưng những giấc ngủ ngắn vào ban ngày sẽ giúp trẻ để có đủ thời gian ngủ cần thiết. Tùy thuộc vào độ tuổi và thói quen, mỗi bé sẽ có quãng thời gian “ngủ ngày” khác nhau.
Trung bình bé sẽ ngủ từng giấc khoảng hai tiếng vào ban ngày, và một giấc từ bốn đến sáu tiếng vào ban đêm. Trong vài tháng đầu đời, bạn sẽ không nhận thấy chu kỳ ngủ rõ rệt. Vì vậy, mẹ nên để bé ngủ theo nhu cầu của mình trong thời gian này.
Khoảng 6 đến 8 tuần tuổi, một số bé có thể phân biệt được ngày và đêm. Bắt đầu từ lúc này, mẹ có thể nhận thấy trẻ ngủ ít lần hơn và mỗi giấc dài hơn. Khoảng ba hay bốn giấc ngủ ngắn mỗi ngày là đủ cho trẻ.
Khi được ba tháng đến một năm tuổi, trẻ sẽ dần dần ngủ nhiều hơn vào ban đêm và ít hơn vào ban ngày. Khi được ba tháng tuổi, trung bình trẻ sẽ ngủ vào ban đêm nhiều gấp đôi so với ban ngày.
Những giấc ngủ ban ngày sẽ dần dài hơn và kém thường xuyên hơn khi bé được sáu tháng tuổi. Ở giai đoạn này, bé có thể ngủ từ 10 tiếng đến 12 tiếng vào buổi tối, thỉnh thoảng có thể thức dậy một lúc vào thời gian không cố định. Ban ngày trẻ sẽ ngủ vài giấc, mỗi giấc kéo dài một đến hai tiếng. Khi được 12 tháng tuổi, nhiều bé vẫn ngủ tổng cộng từ 12 tiếng đến 14 tiếng, bao gồm một giấc vào ban ngày.
Đây là những trường hợp điển hình, nhưng không phải trẻ nào cũng như vậy. Luôn nhớ rằng mỗi trẻ đều có thói quen ngủ của riêng mình.
Giấc ngủ của bé theo từng độ tuổi
Giấc ngủ rất quan trọng đối với tất cả trẻ em và người lớn. Đó là khoảng thời gian để cả cơ thể và bộ não được nghỉ ngơi để chuẩn bị cho chuỗi hoạt động sôi nổi vào ngày hôm sau. Nếu không được nghỉ ngơi đủ, cơ thể bé sẽ rất mệt mỏi và đầu óc thiếu minh mẫn
2/ Làm thế nào để tập cho bé ngủ theo giờ cố định?
Khi được khoảng ba hay bốn tháng tuổi, mẹ có thể giúp bé tạo nên một chu kỳ ngủ phù hợp với thói quen ngủ tự nhiên của bé:
– Nhận biết dấu hiệu buồn ngủ
Bé có dụi mắt hoặc bực dọc vào giữa buổi sáng hoặc sau khi ăn trưa không? Bé có thường ngủ vào đầu giờ chiều không? Bạn có nhận thấy một sự khác biệt về sự tỉnh táo và tâm trạng khi bé ngủ nhiều hoặc ít hơn bình thường không?
Mẹ nên ghi lại những tín hiệu ngủ và thời gian ngủ của bé trong một hoặc hai tuần. Điều này sẽ giúp bạn biết được chu kỳ ngủ của bé và biết khi nào bé sắp ngủ.
Chẳng hạn như, nếu bé luôn tỏ ra cáu gắt và sẵn sàng đi ngủ lúc 10 giờ sáng, mẹ có thể dỗ cho trẻ ngủ trước khi trẻ quá mệt mỏi. Bắt đầu dỗ cho bé ngủ khoảng 15 phút trước các tín hiệu ngủ của trẻ xuất hiện. Cho trẻ ăn, thay tã, đung đưa nhẹ nhàng, và nói nhỏ giọng. Như vậy trẻ đã sẵn sàng ngủ khi cơn mệt mỏi ập đến.
– Duy trì thời gian biểu
Tính nhất quán chính là mục tiêu của bạn. Cố gắng cho trẻ đi ngủ vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Nếu hôm qua bé ngủ trưa lúc 3 giờ chiều và hôm nay lại ngủ ngay sau khi ăn trưa, bé sẽ khó tạo thành chu kỳ ngủ ổn định.
Mẹ nên tránh những hoạt động gây ảnh hưởng thói quen ngủ trưa của bé. Nói cho mọi người biết khi nào bé sắp ngủ, và nên hạn chế mọi người đến thăm trong khoảng thời gian ngủ của bé. Đặc biệt, nếu bé thường xuyên ngủ trưa ở nhà trẻ, mẹ cũng nên duy trì thói quen ngủ trưa đúng giờ khi bé ở nhà vào cuối tuần.
Giấc ngủ của trẻ sơ sinh: Các thói quen thường gặp
Các thói quen thường gặp ở bé khi ngủ có thể không gây nguy hại gì không có nghĩa là ba mẹ không cần quan tâm đâu nhé!
– Không quá căng thẳng khi bé “phá luật”
Bạn sẽ không thể thu xếp để cuộc sống cả gia đình xoay quanh chu kỳ ngủ của bé, đặc biệt khi bạn còn có những đứa con khác. Vì vậy, thỉnh thoảng nếu bé có ngủ trễ hoặc không ngủ, mẹ cũng đừng quá lo lắng. Nếu bé đã tập thành một thói quen ngủ cố định, bé sẽ có thể dễ dàng trở lại chu kỳ cũ nếu lỡ bị gián đoạn.
Để thiết lập một chu kỳ ngủ cho bé, mẹ phải thử rất nhiều lần, và chu kỳ này có thể thay đổi khi bé lớn lên. Mẹ nên thường xuyên đánh giá nhu cầu và thói quen ngủ của bé để điều chỉnh chu kỳ ngủ cho phù hợp.
-Dỗ ngủ bằng hành động cố định
Theo các chuyên gia, việc thực hiện một số hoạt động trước khi ngủ sẽ giúp bé đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn. Nó sẽ gửi một tín hiệu rằng thời điểm ngủ sắp tới, nên bé sẽ sẵn sàng nghỉ ngơi. Đối với giấc ngủ ngày, bạn chỉ cần cử chỉ âu yếm hoặc một bài hát ngắn là đủ. Vì thực tế, thời gian ngủ trưa của bé thường không nhiều bằng buổi tối.
Tập cho bé thói quen ngủ ngay từ khi còn nhỏ, bé sẽ ngủ ngon mà không cần lúc nào mẹ cũng kề bên
Ngoài ra, mẹ có thể tham khảo thêm những mẹo sau đây để giấc ngủ của bé diễn ra dễ dàng hơn:
– Vì là giấc ngủ trưa, nên mẹ không cần bắt con mặc đồ ngủ. Tuy nhiên, nên cho bé mặc quần áo thoải mái, không quá mỏng cũng không quá dày.
– Trước khi ngủ chỉ nên cho bé chơi những trò ít tiếng động. Tránh những trò có tiếng động lớn và gây kích thích vì có thể khiến cho trẻ khó dịu xuống và đi ngủ.
– Nên cho bé ngủ trưa ở chỗ thường ngủ vào buổi tối. Làm như vậy sẽ giúp bé liên kết vị trí đó với việc đi ngủ.
– Nếu biết bé sắp phải ngủ trưa ở nơi khác, mẹ nhớ đem theo đồ chơi hoặc bất cứ thứ gì có thể liên kết bé với việc đi ngủ. Điều này sẽ giúp cơ thể trẻ duy trì chu kỳ ngủ dù bạn có ở đâu đi nữa.
– Đừng đợi cho đến lúc bé quá mệt mỏi rồi mới bắt đầu dỗ cho bé ngủ. Làm vậy chỉ khiến khó ngủ hoặc thậm chí không ngủ được.
>>> Xem thêm thảo luận có chủ đề liên quan:
- Cho bé uống nước cam sau 1 tiếng rồi đi ngủ trưa
- Giấc ngủ trưa của con không nên quá dài
MarryBaby
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.