Chuẩn bị sinh con: Chuyện trò với bạn đời

shape

01 Oct

Khanh ElisaOct 01, 2019

Chuẩn bị sinh con: Chuyện trò với bạn đời

Chìa khóa cho một mối quan hệ khỏe mạnh chính là sự giao tiếp tốt cùng nhau .Hãy nói lên tất cả những mong ước, hi vọng, nỗi sợ hãi, niềm vui sướng, nỗi khát khao được làm mẹ… đang diễn ra trong lòng bạn cho người bạn đời cùng biết

Con – cầu nối hay mối bất hòa?
Việc thiếu thông hiểu, chuyện trò cùng nhau giữa hai vợ chồng dễ dẫn đến những hiểu lầm. Và mâu thuẫn từ việc nhỏ, lâu ngày chồng chất sẽ trở thành “lỗ nhỏ làm đắm con thuyền hạnh phúc”. Chị Lan Phương, một công chức tại TP.HCM buồn buồn chia sẻ: “Con mình đã ba tuổi rồi, nhưng nhớ lại lúc đầu có cháu mình không khỏi chạnh lòng. Mình ngỏ ý muốn có con nhưng anh cứ bảo chưa phải lúc. Ba năm cưới nhau rồi mà anh cứ thoái thác không muốn làm cha. Đến một ngày tụi mình làm chuyện ấy và mình quên không uống thuốc ngừa thai đều đặn thế là có cháu. Nhưng anh cứ giận mình là ép anh vào tình thế đã rồi, rằng mình lừa anh ấy. Mãi đến lúc sinh được bé gái kháu khỉnh và giống hệt cha thì anh mới chịu học làm cha từ những bước vỡ lòng nhất. Thời gian mang thai, mình đã rất buồn”.

Theo một nghiên cứu của viện Sức khỏe Tâm thần Mỹ (the National Institute of Mental Health), 2/3 các cặp đôi kém hạnh phúc trong hôn nhân hơn sau khi sinh con đầu lòng. Mặc dù các bậc cha mẹ trẻ có thể đổ lỗi cho sự mệt mỏi vì những đêm mất ngủ chăm con hay phải liên tục đáp ứng nhu cầu của trẻ sơ sinh nhưng nguyên nhân thực sự của những phiền muộn này chính là việc mối quan hệ của hai vợ chồng không đủ vững bền để đương đầu với stress quá mức. Nói như thế không có nghĩa là bạn phải chịu đựng, hi sinh những 18 năm để đứa trẻ sinh ra và trưởng thành. Chỉ với việc chuyện trò và thông hiểu nhau, 9 tháng mai thai con có thể là cơ hội tuyệt vời để cả hai vợ chồng cùng xây dựng tương lai và bắt đầu hành trình cao cả hơn trong cuộc đời: Làm cha mẹ.

Có nhiều cách để các vợ chồng trẻ chuẩn bị tinh thần cho việc có con. Và quan trọng nhất vẫn là việc cả hai thấu hiểu nhau. Tất nhiên bạn sẽ phải hi sinh một số sở thích cá nhân để tập trung thời gian vào việc việc chăm sóc con nhưng điều đó không có nghĩa là bạn không làm được gì khác hay đánh mất chính mình.

Nói lên suy nghĩ của mình
Chìa khóa cho một mối quan hệ khỏe mạnh chính là sự giao tiếp tốt cùng nhau. Thực ra, việc chuyện trò về con cái hai bạn phải thực hiện trước khi quyết định về chung sống dưới một mái nhà. Nhưng nếu việc ấy đã diễn ra, sẽ chưa muộn khi có những cuộc nói chuyện thẳng thắn về con cái trước khi quyết định thật sự có em bé. Hãy nói lên tất cả những mong ước, hi vọng, nỗi sợ hãi, niềm vui sướng, nỗi khát khao được làm mẹ… đang diễn ra trong lòng bạn. Nếu lắng nghe, chồng bạn sẽ hiểu thêm về người bạn đời của mình cũng như chia sẻ những suy nghĩ của chính anh ấy. Còn nếu anh ấy không muốn lắng nghe đó là vì bạn chưa chọn được thời điểm thích hợp để chuyện trò. Đừng nhắc đi nhắc lại mãi điệp khúc “Em muốn có con” mà hãy thực hiện những cuộc nói chuyện nghiêm túc ở những không gian phù hợp.

Đối diện với sự thật

Chuẩn bị sinh con: Chuyện trò với bạn đời

Hãy chuẩn bị tâm lý để bạn thoải mái hơn khi sinh em bé

Không nên tô vẽ màu sắc đẹp đẽ về niềm hạnh phúc của viễn cảnh được làm cha mẹ, bạn phải cho anh ấy thấy rằng trách nhiệm mới sẽ khó khăn đến dường nào. Điều này rất cần thiết vì thực tế có rất nhiều cha mẹ trẻ bị sốc khi lần đầu tiên nhìn thấy bé con chào đời. Họ không hình dung được hình ảnh đầu tiên về thiên thần nhỏ của mình là một em bé nhỏ xíu, đỏ hỏn, mắt thiêm thiếp, tóc lưa thưa, da nhăn nheo và những ngày sau, em bé ấy trở thành chiếc máy khóc liên tu bất tận đến bực cả người. Sao bạn và ông xã không tìm hiểu đầy đủ thông tin về quá trình hình thành thai nhi, sự phát triển từng tuần tuổi của thai kỳ, các giai đoạn biến đổi của trẻ sơ sinh và cùng nhau đi xem hình ảnh thực tế em bé ngoài đời tại bệnh viện hay thăm con của bạn bè.

Phân chia nhiệm vụ
Trước khi làm cha mẹ, hai bạn cũng cần phân chia rõ vai trò, nhiệm vụ chính của ba và mẹ trong suốt thời gian sinh và nuôi dạy bé. Nếu như thời gian đầu mẹ dành 100% thời gian để chăm con thì bố cũng phải dành ít nhất 70% sau giờ làm về với hai mẹ con. Nếu người mẹ đi làm trở lại thì cả hai người phải sắp xếp lịch nghỉ trưa, lịch sau khi tan sở, cuối tuần,… phù hợp để thay phiên nhau chăm con. Điều này nên được hoạch định trước khi có em bé để đạt sự đồng thuận, tránh phát sinh mâu thuẫn về sau và gánh nặng chăm sóc con chỉ dồn lên đôi vai người mẹ. Mọi người thường nghĩ rằng, sự yêu thương nhau tự nhiên sẽ hình thành và gắn bó bền chặt giữa những người có huyết thống nhưng sự thật, đây chỉ là một trong nhiều yếu tố. Bạn cần phải nuôi dưỡng, xây dựng tình cảm giữa các thành viên thì gia đình mới có thể bền chặt.

Đi du lịch Babymoon
Nếu hai bạn có kỳ trăng mật Honeymoon ngọt ngào sau lễ cưới thì tại sao không thực hiện một chuyến tương tự như thế để chào đón thành viên thứ ba. Hãy đến một nơi cả hai cùng yêu thích, có phong cảnh đẹp hữu tình và chỉ có hai người với nhau. Trong suốt kỳ Babymoon, hãy làm mới chuyện gối chăn và cả tình yêu của mình. Đề tài của những câu chuyện tại bữa tối lãng mạn chỉ nên xoay quanh đứa con như: những kỳ vọng của hai bạn về con, những điều hai bạn sẽ làm khi trở thành cha mẹ, đưa ra những lựa chọn tên gọi cho con hay kể về những câu chuyện thuở thơ ấu của hai người…

Giữ khoảng trời riêng
Trước khi có con, bạn có một cuộc sống tràn đầy hạnh phúc với những khát vọng, đam mê. Có con không có nghĩa là mục đích sống của bạn sẽ phải thay đổi. Hãy tiếp tục làm những gì mình yêu thích. Nếu bạn tìm thấy những điều ngoài đời sống gia đình khiến cho bạn hạnh phúc thì mối quan hệ giữa bạn và bạn đời, giữa bạn cà con cái cũng sẽ được thừa hưởng niềm vui, sự thành công ấy. Bạn là một người vui vẻ, cân bằng, luôn yêu đời và suy nghĩa tích cực. Bạn nghĩ chồng bạn sẽ cảm thấy thế nào khi có một người vợ như thế. Con bạn sẽ tự hào biết bao khi có một người mẹ như bạn.

Hai bạn cũng đừng quên học cách chia sẻ những mối lo toan của mình với những người thân. Đừng chịu đựng mọi thứ một mình nếu xung quanh bạn có gia đình lớn và những người thân luôn sẵn sàng hỗ trợ. Sự giúp đỡ và truyền đạt kinh nghiệm từ cha mẹ hai bên có thể là nguồn động lực có sẵn tuyệt vời giúp cho bạn vượt qua những khó khăn của buổi đầu làm cha mẹ.

Viết Như

Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé

FAQs

Khanh Elisa

  • Khanh Elisa Image

    Xin quý đọc giả lưu ý

    – Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
    – Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *