[Chuyên gia tư vấn] Chăm sóc bệnh tiểu đường thai kỳ

shape

31 Dec

Cha Mẹ TốtDec 31, 2019

[Chuyên gia tư vấn] Chăm sóc bệnh tiểu đường thai kỳ

Bệnh tiểu đường thai kỳ xảy ra ở khoảng 20% phụ nữ mang thai ở Việt Nam. Tiểu đường thai kỳ cần được kiểm soát thông qua việc theo dõi mức đường máu, áp dụng một chế độ dinh dưỡng lành mạnh và thực hiện các hoạt động thể chất thường xuyên. Chăm sóc hiệu quả bệnh tiểu đường thai kỳ sẽ giúp giảm nguy cơ các biến chứng trong quá trình mang thai và sự ra đời của trẻ.

Lưu ý về triệu chứng tiểu đường khi mang thai

Tiểu đường thai kỳ ban đầu có thể được quản lý với một chế độ ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất thường xuyên. Thông thường, tiểu đường thai kỳ sẽ hết sau khi sinh.

Nghiệm pháp dung nạp đường máu được khuyến khích thực hiện 6 tuần sau khi sinh để đảm bảo mức đường máu của bệnh nhân đã trở về mức bình thường. Dù vậy, phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ sẽ bị tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2 trong tương lai và vì vậy nên kiểm tra tầm soát bệnh tiểu đường ít nhất mỗi 2 đến 3 năm.

Nếu bệnh tiểu đường thai kỳ không được theo dõi và quản lý tốt, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng như trẻ sinh thừa cân, sẩy thai hoặc thai lưu. Trẻ thừa cân có thể tăng nguy cơ chấn thương lúc sinh, khi mổ lấy thai, sinh bằng forceps, tăng nhu cầu săn sóc đặc biệt cho trẻ sau sinh. Ngoài ra, những biến chứng khác có thể gặp như sẩy thai hoặc sinh non.

Điều quan trọng là cần theo dõi mức đường máu thường xuyên để đảm bảo mức đường máu luôn nằm trong mục tiêu điều trị. Đội ngũ y tế có thể hướng dẫn cho bạn cách theo dõi và hiểu rõ về con số đường máu của bạn nhằm giúp đảm bảo điều trị hiệu quả và điều chỉnh điều trị kịp thời.

Với những tiến bộ trong y khoa ngày nay, chúng ta có thể theo dõi đường máu một các liên tục với các thiết bị theo dõi đường máu nhỏ gọn dán lên da, được gọi là hệ thống theo dõi đường máu liên tục.

Tại các bệnh viện Quốc tế uy tín, các hệ thống này sẽ được kết nối không dây với điện thoại của bệnh nhân và có thể chia sẽ cho bác sĩ chăm sóc của bạn để theo dõi trực tiếp và liên tục mức đường trong máu 288 lần mỗi ngày mà không cần phải trích máu đầu ngón tay như các máy đo đường máu phổ thông, giúp theo dõi đường máu liên tục.

[Chuyên gia tư vấn] Chăm sóc bệnh tiểu đường thai kỳ

Thiết bị theo dõi lượng đường trong máu cho thai phụ mà không cần phải trích máu hiện đang được sử dụng tại các bệnh viện quốc tế

Ăn uống đúng cách khi bị tiểu đường thai kỳ

Ăn uống đúng cách là một phần quan trọng trong việc quản lý bệnh tiểu đường thai kỳ. Một kế hoạch ăn uống lành mạnh sẽ giúp kiểm soát mức đường trong máu trong khoảng mục tiêu điều trị, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho bạn và sự phát triển của con bạn, đạt được trọng lượng thích hợp trong thời gian mang thai của bạn.

Hướng dẫn ăn uống lành mạnh trong thai kỳ

Phụ nữ bị bệnh tiểu đường thai kỳ sẽ được khuyến khích: Ăn một lượng nhỏ một cách thường xuyên và duy trì mức cân nặng khỏe mạnh.

  • Thêm một số thực phẩm chứa carbohydrate trong mỗi bữa ăn chính và bữa ăn phụ (ví dụ gạo lức, gạo mầm, bánh mì nguyên hạt, khoai tây, một số loại đậu).
  • Lựa chọn thực phẩm đa dạng, giúp cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng trong thời gian mang thai như các loại thực phẩm giàu canxi (sữa và pho mát), sắt (thịt đỏ, thịt gà và cá), axit folic (rau sậm màu nấu chín sơ).
  • Ăn nhiều chất xơ.
  • Hạn chế thực phẩm và đồ uống chứa nhiều đường.
  • Ăn các loại gạo có chỉ số đường thấp như gạo lức, gạo Basmati (Ấn) hoặc gạo Doongara (Thái) giúp bạn no lâu hơn.
  • Tư vấn với chuyên gia dinh dưỡng về các chất dinh dưỡng thích hợp cho bạn và em bé cũng như giúp bạn chọn lựa thực phẩm lành mạnh

Kiểm soát carbonhydrate

Để giúp kiểm soát mức đường trong máu, điều quan trọng là phải phân bố các thực phẩm chứa carbohydrate đều trên ba bữa ăn chính nhỏ và 2-3 bữa ăn phụ mỗi ngày.

Các loại thực phẩm chứa carbohydrate chứa ít giá trị dinh dưỡng và nên hạn chế dùng bao gồm đường ăn, nước ngọt, nước ép trái cây, bánh ngọt và bánh quy.

Chất béo

Ưu tiên dùng những loại chất béo chưa bão hòa như dầu olive, bơ và các loại hạt. Hạn chế ăn thịt mỡ, da và các thức ăn chế biến sẵn. Ưu tiên uống sữa giảm béo.

Chất đạm

Chất đạm cần cho sự phát triển của trẻ và duy trì sức khỏe cho bà mẹ. Nên ăn hai phần nhỏ mỗi ngày những thực phẩm chứa đạm như thịt nạc, gà bỏ da, cá, và trứng. Sữa, sữa chua và các loại đậu là nguồn cung cấp chất đạm quan trọng. Tuy nhiên, cần nhớ rằng chúng cũng chứa carbohydrate.

Canxi và chất sắt

Như cầu canxi và chất sắt tăng lên trong thai kỳ. Nên dùng 2-3 bữa các thực phẩm giàu canxi mỗi ngày như sữa, sữa chua hoặc phô-mai. Chất sắt có nhiều trong thịt đỏ, gà, và cá. NBạn có thể cần dùng thêm thuốc bổ sung chất sắt.

Nước uống và đường ăn kiêng 

Thức uống tốt nhất dành cho bạn là nước đun sội để nguội, nước lọc đóng chai hoặc nước khoáng. Nên tránh các nước ngọt, nước có ga, nước có chứa caffein.

[Chuyên gia tư vấn] Chăm sóc bệnh tiểu đường thai kỳ

Duy trì vận động khi bị tiểu đường thai kỳ

Khi bị bệnh tiểu đường thai kỳ, bạn nên hoạt động với cường độ trung bình nhằm duy trì mức đường trong máu ổn định. Cường độ hoạt động ‘trung bình’ có nghĩa là mức hoạt động đủ làm tăng nhẹ hơi thở và nhịp tim ghi nhận được. Nếu không có bệnh lý sản khoa hoặc nội khoa nào đặc biệt, bạn có thể tập thể dục một cách an toàn khi mang thai.

Lợi ích của việc hoạt động thể chất trong thai kỳ

Hoạt động thể chất giúp làm giảm sức đề kháng insulin. Tập thể dục thường xuyên, như đi bộ, giúp hoàn thiện thể lực và chuẩn bị sẵn sàng cho sự ra đời của em bé.

Hoạt động thể chất cũng giúp kiểm soát tốt mức đường máu.

Làm sao đi được nhiều mỗi ngày?

Một số lời khuyên làm thế nào bạn có thể kết hợp đi bộ vào cuộc sống thường nhật của bạn.

  • Đi bộ đến các cửa hang mua sắm thay vì lái xe.
  • Lập nhóm đi bộ’ với gia đình hoặc bạn bè.
  • Đi cầu thang bộ thay vì thang máy.
  • Di chuyển khi nghe điện thoại.
  • Làm việc nhà hoặc làm vườn.
  • Đeo một thiết bị đếm bước chân

[Chuyên gia tư vấn] Chăm sóc bệnh tiểu đường thai kỳ

Thăm khám thai kỳ và theo dõi mức đường trong máu tại BV CIH

Sau khi sinh

Bệnh tiểu đường thai kỳ thường biến mất sau khi sinh. Thực hiện nghiệm pháp dung nạp đường máu sẽ được thực hiện 6 tuần sau khi sinh nhằm đảm bảo rằng mức đường trong máu đã trở về mức bình thường.

Những phụ nữ có tiền sử mắc bệnh tiểu đường thai kỳ sẽ bị tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2 trong tương lai. Vì vậy, nên đi kiểm tra tầm soát bệnh tiểu đường:

  • Ít nhất mỗi 2 đến 3 năm.
  • Trước khi có kế hoạch mang thai.
  • Nếu bạn cảm thấy không khỏe.
  • Giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2

Để giảm nguy cơ phát triển của bệnh tiểu đường tuýp 2 trên các bà mẹ có tiền sử tiểu đường thai kỳ, cần lưu ý các điểm quan trọng sau:

  • Duy trì trọng lượng thích hợp. Để đạt được điều này, cần cần bằng lượng thức ăn với mức độ hoạt động thể chất.
  • Ăn uống lành mạnh. Nên hạn chế ăn thực phẩm chứa chất béo bão hòa. Chọn thịt nạc, thịt gà không da và sữa giảm béo. Tránh ăn thực phẩm chế biến sẵn và thực phẩm chiên. Ăn nhiều rau, đậu, trái cây, bánh mì và ngũ cốc nguyên hạt.
  • Hoạt động thể chất thường xuyên. Ít nhất 30 phút hoạt động thể chất với cường độ vừa phải mỗi ngày.
  • Kiểm tra mức đường máu. Cần kiểm tra mức đường máu tối thiểu 1 đến 2 năm một lần.

Khuyến khích tất cả bà mẹ cho con bú, bao gồm những bà mẹ bị tiểu đường thai kỳ. Bú sữa mẹ là khởi đầu hoàn hảo nhất cho em bé và có thể giúp bạn giảm cân.

Theo BS Lê Minh Quang, Bệnh viện Quốc tế City

Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé

FAQs

Cha Mẹ Tốt

  • Cha Mẹ Tốt Image

    Xin quý đọc giả lưu ý

    – Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
    – Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *