Có nên cho trẻ sơ sinh ngậm núm vú giả?
Núm vú giả đang được nhiều mẹ dùng cho các bé sơ sinh ngậm nhưng có tốt không? sẽ giúp các mẹ tìm hiểu qua bài viết này để biết có nên cho trẻ sơ sinh ngậm núm vú giả không nhé.
Thói quen ngậm núm vú giả có liên quan đến phản xạ tự nhiên của trẻ sơ sinh
Những núm vú giả dễ thương có rất nhiều tác dụng tốt với trẻ sơ sinh, chẳng hạn như việc làm dịu cơn khóc của bé. Có lẽ mẹ sẽ thắc mắc, tại sao núm vú giả lại làm được điều này?
Mẹ biết không, các bé sơ sinh đều có thói quen mút tay theo phản xạ tự nhiên. Thậm chí, bé còn mút tay ngay từ lúc còn nằm trong bụng mẹ.
Thói quen mút mà không cần bú này của bé còn được gọi là mút không dinh dưỡng tưởng là mất vệ sinh, vô bổ nhưng lại giúp bé thực hành phản xạ mút khi bú bình và bú mẹ tốt hơn.
Ở các nước phương Tây, có tới 75% trẻ sơ sinh sử dụng núm vú giả.
Khi nào mới nên cho trẻ sơ sinh ngậm núm vú giả?
Mặc dù không có thời gian cụ thể cho trẻ sơ sinh ngậm núm vú giả nhưng với các bé bú sữa mẹ, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyên nên đợi đến khi bé đã có thói quen bú mẹ, thường sau khoảng bốn tuần để tránh việc bé quen bú vú giả và bỏ vú mẹ.
Đối với trẻ sinh non, thời gian cho bé bú núm vú giả sẽ muộn hơn vì cơ hút của bé yếu hơn trẻ bình thường.
Khi bé biết bú mẹ mới cho bé ngậm vú giả
Có nên cho trẻ sơ sinh ngậm núm vú giả khi ngủ không?
Nhiều người lo ngại về việc cho trẻ sơ sinh ngậm núm vú giả khi ngủ, nhưng sự thật lại rất tốt cho giấc ngủ và sức khỏe của bé đấy mẹ.
Ngậm núm vú giả bé sẽ ngừng khóc và khi mút, bé sẽ dễ ngủ hơn, ngủ ngon hơn.
Theo nghiên cứu, núm vú giả có liên quan đến việc giảm nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). Đây là hội chứng gây tử vong phổ biến nhất ở trẻ từ một tháng đến một tuổi.
Các hướng dẫn an toàn của AAP đối với SIDS khuyên rằng, nếu núm vú giả bị rơi ra khi bé ngủ, hãy nhét lại vào miệng bé để bé tiếp tục giấc ngủ ngon.
Tại sao núm vú giả lại có tác dụng tốt với bé vào ban đêm?
Tưởng chỉ là một món đồ chơi cho các bé sơ sinh, nhưng núm vú giả còn có nhiều tác dụng giá trị hơn như thế.
+ Núm vú có thể giúp bảo vệ bé khỏi hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS) và nghẹt thở trong khi ngủ vì:
- Khi bé ngủ sấp trên bụng mẹ, mặt bé có thể áp quá sát vào bụng mẹ khiến bé bị nghẹt thở. Nhưng khi ngậm núm vú giả, núm vú sẽ tạo ra một khoảng cách giữa mũi và bụng mẹ để đảm bảo bé không bị nghẹt.
- Tương tự khi bé ngủ trên nôi, trên giường, núm vú giả sẽ ngăn không cho khuôn mặt bé áp sát vào nệm, gối hoặc chăn gây nghẹt thở.
+ Các nhà nghiên cứu còn chỉ ra rằng, việc mút núm vú giả có thể giúp trẻ sơ sinh phát triển phản xạ thần kinh và cơ hô hấp tốt hơn.
+ Núm vú giả giúp bé ngủ ngon hơn và có thể làm bé tiếp tục giấc ngủ khi bị thức giấc.
+ Núm vú giả giúp xoa dịu lo lắng cho bé và làm bé mất tập trung vào những điều khiến bé sợ hãi hoặc đau đớn, mệt mỏi như khi bị ốm, đau bụng, khi kiểm tra y tế, khi tắm, du lịch…
+ Núm vú giả còn giúp bé giảm đau tai do thay đổi áp suất không khí khi đi máy bay.
Núm vú giả giúp bé ngủ ngon
Những rủi ro từ núm vú giả
Nếu cho bé dùng núm vú giả trước 6 tháng tuổi, bé có thể gặp phải một số vấn đề như:
+ Bé thích ngậm núm vú giả hơn bú vú mẹ.
+ Lúc ngủ, nếu núm vú giả bị rơi ra bé sẽ tỉnh dậy và khóc. Hoặc không có núm vú giả bé sẽ không thể ngủ ngon giấc.
+ Nếu núm vú giả không được vệ sinh sạch sẽ và tiệt trùng hàng ngày, các vi trùng, vi khuẩn có thể thâm nhập gây nhiễm trùng tai, thường gặp ở trẻ sơ sinh trên 6 tháng tuổi.
+ Nếu bé ngậm núm vú thường xuyên có thể bị chậm mọc răng hoặc răng mọc lệch.
Mẹo sử dụng núm vú giả an toàn cho bé
+ Mẹ nên chọn loại núm vú giả một mảnh để giảm nguy cơ bé bị hóc.
+ Nên chọn núm vú giả được làm từ cao su tự nhiên và các vật liệu an toàn khác.
+ Tránh núm vú giả có chứa hóa chất độc hại như bisphenol-A (BPA).
+ Làm sạch núm vú giả bằng cách đun sôi trong nước vô trùng vài phút mỗi ngày.
khi bé mọc răng nên cai núm vú cho bé
Cách cai núm vú giả cho bé
Giống như cai vú mẹ, bé cũng phải cai núm vú giả khi mọc răng để đảm bảo an toàn. Khi mọc răng, bé hay bị ngứa lợi và hay nhai núm vú. Nếu núm vú bị nhai nát bé rất dễ nuốt vào bụng gây nguy hiểm.
Mẹ có thể nhận ra dấu hiệu bé không còn mút núm vú giả nữa mà chỉ nhai khi thấy nước dãi của con chảy nhiều và liên tục. Lúc này mẹ cần cai núm vú giả cho con và có thể tham khảo các cách sau:
+ Tỏ thái độ giận dữ với bé lúc bé nhai núm vú, sau đó mẹ hãy mang núm vú đi cất và chỉ đưa cho bé ngậm vào một vài thời điểm trong ngày.
+ Chỉ cho bé ngậm núm vú giả ở một nơi nhất định như trong cũi.
+ Mẹ có thể đưa cho con một vật thay thế để con dần quên núm vú giả, như một chiếc khăn hoặc đồ chơi yêu thích.
Một số lưu ý khi dùng núm vú giả cho bé
+ Nguy cơ trẻ sơ sinh bị viêm tai hay mọc lệch răng do ngậm núm vú giả là rất thấp, vì các chứng này thường xảy ra với bé trên 6 tháng tuổi.
+ Với bé khó bú vú mẹ, bạn nên cho bé ngậm núm vú giả muộn hơn, khoảng sau vài tuần khi bé đã bú được vú mẹ.
+ AAP khuyên rằng, tốt nhất nên cai núm vú giả cho bé khi được một tuổi.
Trong các hội nhóm bỉm sữa trên mạng xã hội có rất nhiều ý kiến khác nhau về việc có nên cho trẻ sơ sinh ngậm núm vú giả hay không. Qua bài viết này, hy vọng có thể giúp mẹ yên tâm cho bé ngậm núm vú giả mà không cần phải lo lắng nữa nhé.
Hanako
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.