Đầu tư cho con nên bắt đầu từ đâu?

shape

31 Oct

Julia PhạmOct 31, 2019

Đầu tư cho con nên bắt đầu từ đâu?

Từ giai đoạn bào thai, não của bé bắt đầu hình thành phát triển và tương đối hoàn thiện cho đến năm 6 tuổi. Não có hàng tỉ tế bào, chuyên biệt theo từng khu vực và chính là nền tảng của sự thông minh, óc sáng tạo, cảm xúc, nhận thức và ghi nhớ. Sau năm 6 tuổi, não vẫn sẽ tiếp tục phát triển nhưng với tốc độ chậm hơn. Vì vậy, nền tảng đầu đời là rất quan trọng đối với bé.

Để đầu tư cho con, điều quan trọng là cha mẹ nên hiểu con có mong muốn, nhu cầu gì về mặt thể chất và tinh thân để giúp bé phát triển tốt. Đầu tư khác với chiều theo tất cả mong muốn của con, cho con những món đồ xịn hay bỏ thật nhiều tiền để mua sắm, ăn uống. Quá trình đầu tư cần đến một chiến lược lâu dài và sự kiên nhẫn tuyệt vời của cha mẹ.

MarryBaby xin giới thiệu với các bạn những cột mốc quan trọng của bé cùng những phương pháp đầu tư cho con từ lúc mang thai đến năm 6 tuổi đơn giản, dễ thực hiện nhưng lại có thể giúp rất nhiều cho bé.

Giai đoạn mang thai

Ngoài việc tuân thủ một chế độ thai nghén nghiêm khắc theo những quy tắc về chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi, thể dục… hợp lý, người mẹ nên giúp bé phát triển tinh thần, óc thẩm mỹ bằng việc thường xuyên cho bé nghe nhạc êm dịu, thủ thỉ, chuyện trò với con. Bé có thể cảm nhận những giao tiếp ban đầu như thế để làm quen và cảm thấy an toàn hơn khi chào đời.

Đầu tư cho con nên bắt đầu từ đâu?

Âm nhạc tốt cho cả mẹ và bé

Giai đoạn từ 0-1 tuổi

Từ lúc mở mắt chào đời đến khi biết lật, biết đứng, biết ăn dặm và bước những bước đi đầu tiên, bé cần nhất là nguồn sữa mẹ dồi dào dưỡng chất và sức đề kháng cùng sự chăm sóc chu đáo. Về trí tuệ, giai đoạn này bé có mối quan hệ chủ yếu với người và vật xuất hiện thường xuyên lặp đi lặp lại mỗi ngày. Chẳng hạn như gương mặt, giọng nói thủ thỉ, chuyện trò của mẹ, ba hay những người thân cận trong gia đình sẽ được bé ghi nhớ.

Từ giai đoạn 6 – 12 tháng tuổi, bé đã bắt đầu có nhu cầu chơi đùa bằng những món đồ chơi xinh xắn nhiều màu sắc, âm thanh vui tai. Bé cười khi vui và khóc khi cảm thấy khó chịu. Trong giai đoạn này, những thanh âm êm dịu, giọng nói ngọt ngào, ánh sáng dịu mắt, những cái vuốt ve nhẹ nhàng sẽ giúp bé thấy thoải mái, an toàn, ấm áp. Nếu phải nghe những tiếng ồn, thường xuyên bị ánh sáng mạnh chiếu vào sẽ khiến bé trở nên cáu kỉnh, stress. Đây là tiền đề để phát triển tính cách bé hiền dịu hay cộc cằn sau này.

Giai đoạn 1-3 tuổi

Bắt đầu cai sữa, ăn uống gần giống người lớn, bé cũng hình thành luôn sự độc lập, cá tính riêng và mong muốn có quyền riêng tư. Đây cũng là lúc bé cần được cha mẹ đầu tư thời gian ở bên cạnh nhiều nhất, quan sát và giúp bé làm tốt những điều bé muốn làm. Đôi lúc bé trở nên bướng bỉnh khi thích mặc quần áo theo “kiểu của mình”, nhất định chọn món đồ chơi này mà không phải là thứ khác, ăn món này mà không ăn món khác. Đó là vì bé đã có chủ kiến của riêng mình.

Đây cũng là lúc bé khám phá và học hỏi nhiều nhất. Những vật lạ, nhiều màu sắc, âm thanh vui tai luôn cuốn hút bé. Lúc này, cha mẹ có thể khéo léo dạy trẻ nhận biết vật này và vật khác, áp dụng các trò chơi logic, ghi nhớ, xếp hình. Chẳng hạn, muốn bé ghi nhớ chữ cái, các con số, hãy cho bé ăn, uống, mặc quần áo có hình ảnh các con số và gọi tên các con số nhiều lần. Bé sẽ từ từ ghi nhớ hoàn toàn theo các tự nhiên.

Giai đoạn từ 3-6 tuổi

Đây là giai đoạn não bé phát triển hoàn thiện và bé bộc lộ tính cách rõ rệt hơn như: yêu cái gì, ghét cái gì, thích nghe loại âm thanh nào, thích ăn món gì, thích màu sắc gì, mặc loại quần áo gì… Đây cũng là lúc bé bộc lộ khả năng của mình trong các lĩnh vực như: ghi nhớ, tính toán, âm nhạc, hội họa… cũng như bộc lộ luôn sự khiếm khuyết nếu có. Cha mẹ nên tìm hiểu, phát hiện những năng khiếu của con để giúp bé phát huy. Hãy mua cho trẻ những loại đồ chơi như: bút màu, giấy vẽ, ghép hình, nhạc cụ, đồ chơi lắp ráp và để trẻ tự sáng tạo theo cách của bé để hiểu nhiều hơn về thế giới tuổi thơ cũng như khám phá khả năng của con mình.

Đầu tư cho con nên bắt đầu từ đâu?

Khám phá năng khiếu của bé để phát triển đúng hướng

Khi trẻ đi học ở trường mầm non, mẫu giáo và bắt đầu vào lớp 1, mối quan hệ xã hội của trẻ rộng dần với bạn bè, thầy cô giáo. Việc cha mẹ cư xử nhẹ nhàng, dịu dàng với con sẽ trở thành cách cư xử của con khi đi học. Việc học của trẻ trong lúc này cần hết sức nhẹ nhàng, vui vẻ và tốt nhất là nên dạy trẻ những bài học dưới dạng thức dễ tiếp nhận như: trò chơi, chuyện kể. Ngay từ lúc khởi đầu, nếu trẻ bị quở mắng, bị phạt hay chịu áp lực nào đó, việc học sau này sẽ trở nên nặng nề như ác mộng với bé.

Những điều cha mẹ tuyệt đối nên ghi nhớ khi bé từ 0-6 tuổi

  • Tuyệt đối không đánh trẻ
  • Cha mẹ không chửi thề, xô xát, đánh nhau trước mặt trẻ
  • Không để trẻ tiếp xúc với văn hóa phẩm độc hại
  • Không dùng áp lực, la hét, ép buộc trẻ phải ăn một món ăn hay học hành
  • Dành thời gian để chuyện trò, ẵm bồng, vuốt ve trẻ
  • Nói chuyện với trẻ và tỏ ra như một người bạn
  • Cùng chơi những trò chơi ngô nghê với trẻ và cố gắng hiểu thế giới của bé

Vĩnh Thu

Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé

FAQs

Julia Phạm

  • Julia Phạm Image

    Xin quý đọc giả lưu ý

    – Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
    – Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *