Dạy con ngoan: Nghệ thuật nói “không” với con

shape

30 Sep

Martin NguyenSep 30, 2019

Dạy con ngoan: Nghệ thuật nói “không” với con

Giải thích trước khi từ chối
Trẻ con với nhận thức non nớt sẽ chẳng thể hiểu được vì sao chúng không nên làm cái này, và tại sao chúng nên tránh cái kia. Nếu có thể, bạn nên nhẹ nhàng giải thích cho con hiểu trước khi phải dùng đến quyền phủ quyết của cha mẹ. Chẳng hạn, nếu bé đòi ăn kẹo trước khi ngủ thì bạn nên từ tốn giải thích rằng “Ăn kẹo buổi tối mà không đánh răng thì sẽ bị sâu răng.

Nếu đã bị sâu răng thì răng sẽ đau nhức hoặc tệ hơn là con sẽ không còn răng để tiếp tục ăn kẹo vào ban ngày.” Một điều lưu ý là bạn nên giải thích một cách hợp lý chứ không nên giải thích sai sự thật vì trước sau gì bé cũng sẽ biết và sẽ không còn tin vào lời bạn sau này nữa. Lúc đó, bạn sẽ gặp khó khăn trong việc uốn nắn bé làm theo lời mình.

Lắng nghe lý lẽ của con
Khi bạn đã nói “Không” nhưng bé vẫn khăng khăng đòi làm theo ý mình, hãy yêu cầu bé giải thích và thuyết phục bạn vì sao bé muốn làm việc đó. Để làm được điều này, bạn cần tôn trọng con mà không áp đặt cái gọi là quyền cha mẹ đối với con từ rất sớm. Cụ thể, ngoài việc cấm đoán con thì bạn nên đưa ra những nguyên nhân và lý lẽ cho con biết việc đó là chưa đúng và sau này khuyến khích con trình bày lý lẽ của riêng chúng.

Điều này hoàn toàn không phải là “vẽ đường cho hưu chạy” – dạy con đôi co với cha mẹ mà bạn đang hướng con đến việc có đòi hỏi thì cũng phải hợp lý, hợp tình và có khả năng thuyết phục người khác chấp nhận những đòi hỏi của mình. Đây chính là một kỹ năng rất hữu ích cho cuộc sống và công việc của con sau này.

Dạy con ngoan: Nghệ thuật nói “không” với con

Chơi cùng con và giúp con nhận ra điều gì nên tránh và cái gì có thể làm, mẹ nhé!

Cha mẹ phải nhất quán
Xét về tâm lý và cách thể hiện, cha thường là người nghiêm khắc và mẹ sẽ là người dịu dàng. Trong một số gia đình, sự biểu hiện này có thể ở chiều hướng ngược lại. Tuy nhiên, dù cha hoặc mẹ đóng vai nghiêm khắc hay dịu hiền thì mỗi khi con trẻ ương bướng và quấy khóc, cả hai nên thống nhất trong thái độ đối với con.

Nếu đòi hỏi của trẻ là quá đáng, cả cha lẫn mẹ cần tỏ rõ sự nghiêm khắc; không nên cha thì đe nẹt còn mẹ lại bảo bọc và bênh con. Trẻ sẽ dễ dàng nhận ra đâu là người mà chúng có thể thoả hiệp và điều này lý giải vì sao một số cha mẹ thường than phiền, “Sao con của mình càng ngày càng khó bảo.”

Thoả thuận với con
Trẻ con đa số đều hay “có mới nới cũ” đối với đồ chơi, truyện tranh, quần áo,… và rất hay đòi hỏi ba mẹ chúng mua thêm mặc dù đồ chơi hoặc sách truyện ở nhà đã có rất nhiều. Nếu con bạn cũng không là ngoại lệ, bạn cần áp dụng chiến thuật thoả thuận và làm rõ với con về những thứ bạn sẽ mua và không mua cho chúng. Tuyệt đối tránh hứa mua cho con để qua chuyện vì trẻ thường sẽ không bao giờ quên những lời hứa đó. Ví dụ như bạn cần đưa bé đến một cửa hàng để mua quà sinh nhật cho bạn của con.

Bạn nên làm “tư tưởng” với con trước như, “Hai mẹ con mình sẽ đến cửa hàng đồ chơi để mua đồ cho bạn Tí. Vì đây là quà sinh nhật của Tí nên hai mẹ con mình chỉ mua cho Tí thôi. Nếu con muốn thì đến sinh nhật con, mẹ sẽ cùng con đi mua quà giống như sinh nhật bạn Tí lần này nhé.” Bên cạnh đó, bạn cũng cần giữ đúng lời hứa dẫn con đi mua quà sinh nhật cho bé nếu ngày sinh của bé sắp đến.

Ghép tên con vào “Không”
Một điều tưởng chừng nhỏ nhoi mà nhiều bậc cha mẹ không lường hết được tác động to lớn đó là ghép tên con vào sau chữ “không”. Thay vì nói cộc lốc và lạnh lùng “không” mỗi khi con làm sai hoặc yêu sách, bạn có thể nhẹ nhàng nhưng cương quyết “Không được đâu Bin!” khi cu Bin đòi chơi dao hoặc “Không nên Na à!” lúc bé Na muốn trèo lên cửa sổ.

Các nhà tâm lý đã phát hiện ra khi những câu mệnh lệnh hoặc cảm thán mà có tên của một cá nhân bất kỳ nào đó thì cá nhân đó có xu hướng bị tác động mạnh mẽ hơn nhiều lần đối với những câu ra lệnh hoặc yêu cầu cụt ngủn và thiếu đối tượng răn đe.

Lùi 1 bước, tiến 3 bước
Bất kỳ ai cũng sẽ cảm thấy tổn thương ít nhiều khi bị từ chối và con nít với hiểu biết hạn chế sẽ rất có thể quấy khóc nếu đòi hỏi của chúng bị khước từ một cách thô bạo. Thay vào đó, sao bạn không “lùi một bước” nhập hội cùng con để “tiến ba bước” từ chối yêu cầu của con một cách khéo léo.

Chẳng hạn, nếu bé mè nheo nằng nặc đòi chơi kéo, bạn có thể chơi cùng con và rồi chỉ con thấy kéo là một vật dụng nguy hiểm như “Nào, hai mẹ con mình cùng lấy kéo cắt mấy mảnh giấy này nha… Ôi, mẹ thấy cây kéo này có đầu nhọn dễ đâm vào tay chảy máu quá…  mẹ biết mình cũng có thể xé giấy bằng thước kẻ. Để mẹ làm cho con xem nhé… Được rồi này, giờ tới lượt con xé giấy bằng thước đó.” Bằng cách này, trẻ vẫn bị cuốn hút vào trò chơi mà quên bẵng đi cây kéo ban đầu chúng đòi hỏi.

Từ chối luôn là một nghệ thuật. Và dạy con ngoan cũng thế. Sau bài viết này, hi vọng bạn đã có thêm sự tinh tế trong nghệ thuật từ chối con trẻ – đối tượng chưa hiểu hết những mối nguy và sự vô lý từ các đòi hỏi của chúng.

Trang Vàng

Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé

FAQs

Martin Nguyen

  • Martin Nguyen Image

    Xin quý đọc giả lưu ý

    – Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
    – Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *