Dạy con ngoan: Tôn trọng lời hứa
Khi con “nói một đằng, làm một nẻo”
Chị Ngân vẫn tự hào khoe với mọi người rằng: “cu Tin nhà mình mới lên hai nhưng đã khôn hơn những đứa trẻ cùng tuổi khác. Khi chơi cùng bọn trẻ trong xóm, thấy bạn có đồ chơi đẹp là bé nịnh bạn mượn bằng được. Hứa là cho Tin mượn về nhà xíu thôi, lát Tin mang sang trả liền. Thế là cu cậu xù luôn…”.
Hứa với ba sẽ về thăm ông bà nội vào cuối tuần. Chủ nhật, ba rủ mãi nhưng Minh vẫn một hai không chịu đi. Hỏi ra mới biết Minh đang ấm ức vụ hôm qua, ba hứa đưa Minh đi bơi nhưng rồi lại bỏ lên cơ quan mất tiêu.
Học kỳ 1 của năm lớp 5, Lan Phương học hành sa sút. Ba mẹ khuyến khích con bằng cách đưa ra những phần thưởng hấp dẫn: “Con sẽ có một đôi giày xinh, bộ váy đẹp, một chuyến du lịch cùng cả nhà nếu như cuối kỳ con đặt học sinh giỏi”. Kết quả tổng kết cuối năm khiến vợ chồng chị thất vọng. Chị Mai quở trách con: “Con đã hứa với ba mẹ sẽ đạt kết quả cao đúng không? Sao bây giờ điểm số lại lại đẹt thế này? Con làm ba mẹ thất vọng quá!” Lan Phương phản ứng ngay với mẹ: “Ba mẹ thường xuyên hứa mua này mua nọ cho con mà có thấy đâu. Sao lại bắt con phải giữ lời hứa”.
Có 101 câu chuyện về việc “nói lời không giữ lấy lời…” ở người lớn và trẻ nhỏ. Điều quan trọng là bạn đừng nghĩ rằng trẻ chưa hiểu gì về chữ tín. Hay chúng sẽ nhanh chóng quên đi những lời hứa hẹn của cha mẹ mình. Hãy tìm ra nguyên nhân là cách giúp bạn dạy con tôn trọng lời hứa, chữ tín hiệu quả nhất.
Đâu là nguyên nhân?
Cha mẹ chưa làm gương. Nguyên nhân khởi đầu và chủ yếu nhất vẫn là cách ứng xử hàng ngày của cha mẹ. Vì một lý nào đó bạn thất hứa với con. Lần đầu, có thể trẻ cảm thấy hơi buồn và hụt hẫng một chút. Lần thứ 2, rồi thứ 3… ở trẻ sẽ xuất hiện tâm lý bất an, mất lòng tin, thất vọng về gia đình – điểm tựa tinh thần đặc biệt quan trọng của trẻ.
Không dừng lại ở tâm lý mất lòng tin. Khi không coi trọng chữ tín, trẻ thể hiện cách nhìn nhận của mình qua ứng xử hàng ngày: Bắt đầu nói suông với bạn bè và với chính cha mẹ mình. Một khi trong tâm hồn trẻ là hình ảnh cha mẹ với những việc làm bất nhất, thiếu chân thành thì sẽ rất khó để trẻ có thể lĩnh hội và ghi nhận những lời dạy bảo, khuyên răn sau này.
Tác động từ bên ngoài. Tới tuổi đi học, bé có những mối quan hệ xã hội khác, ngoài gia đình. Lúc này, tác động từ bên ngoài rất mạnh mẽ và bé cũng học rất nhanh. Chẳng hạn bạn chơi cùng hứa ngày mai sẽ mang cho Bi mượn chiếc xe hơi điện tử mới toanh mà mẹ mới mua cho. Bi háo hức lắm. Vậy mà mấy cái ngày mai rồi Bi vẫn chưa được thấy hình thù chiếc xe ấy ra sao. Bi quyết cho bạn biết cảm giác chờ đợi vì bị “cho leo cây” là như thế nào! Cu cậu ấm ức nói với mẹ: “Con sẽ giả bộ hứa cho bạn Vừng mượn siêu nhân và sau đó cho bạn ấy chờ dài cổ luôn”… Chuyện tưởng như bình thường ở các bé, tuy nhiên nếu không có sự can thiệp sớm của người lớn, chữ tín của con dần mất đi, nhường chỗ cho những hoài nghi trong cuộc sống.
Luôn giữ lời hứa với bạn bè giúp tình bạn bền chặt hơn.
Cách dạy con tôn trọng lời hứa, chữ tín
Cha mẹ phải là người biết tôn trọng lời hứa, chữ tín. Nếu chỉ giảng giải cho bé rằng: con phải biết giữ lời hứa, phải tạo được sự tin tưởng của ba mẹ và mọi người; trong khi bản thân lại luôn thất hứa. Đó chẳng phải là bạn cũng đang nói suông hay sao? Hãy thể hiện cụ thể qua ứng xử hàng ngày một cách nghiêm túc. Hứa với con điều gì, nhất định bạn phải thực hiện. Bằng cách này, bé sẽ học được cách luôn tôn trọng lời hứa, chữ tín của bản thân và người khác.
Không nên hứa hẹn tùy tiện. Một số phụ huynh muốn con nghe lời nên không tiếc buông ra những lời hứa hẹn, dù biết rằng khó thực hiện. Bởi vậy bạn cần suy xét trước khi hứa. Đừng vì nhất thời muốn làm dịu tình hình mà hứa lèo với con. Thực tế khi muốn con thực hiện điều gì đó, bạn có thể áp dụng nhiều cách khác thay vì hứa hẹn.
Khuyến khích trẻ tự đánh giá bản thân. Sau khi trẻ thực hiện những điều mà bạn yêu cầu trước đó hoặc những điều mà trẻ đã cam kết. Hãy khuyến khích trẻ tự đánh giá về mình xem có xứng đáng để được cha mẹ thực hiện lời hứa hay không. Điều này tạo cho trẻ tính trung thực, thẳng thắn, dám chịu trách nhiệm với việc mình làm.
Xin lỗi với con ngay khi thất hứa. Trong trường hợp không thể thực hiện được lời hứa vì lý do chính đáng nào đó, cha mẹ nên thành thật nhận lỗi với con ngay. Đừng nghĩ rằng hành động này sẽ hạ thấp uy tín của bạn trong mắt trẻ. Trái lại, bằng việc trò truyện thân mật và giải thích cho con hiểu, chắc chắn bạn sẽ nhận được sự cảm thông chân thành từ bé.
Bên cạnh đó, bạn có thể chọn lựa một phần quà khác thay thế hoặc một thời điểm khác để thực hiện lời hứa ban đầu. Làm như vậy trẻ sẽ thấy mình được tôn trọng, thương yêu và tin tưởng vào cha mẹ nhiều hơn. Đồng thời trẻ học được cách xử lý tình huống khi nói và thực hiện lời hứa với người khác.
Không dung túng cho những hành động hứa rồi thất hứa của con. Con thất hứa lần đầu, bạn có thể tha thứ nhưng không quên khẳng định với con: “Mẹ chỉ bỏ qua cho con lần này thôi nhé, mẹ sẽ phạt nặng con nếu như con còn hứa suông như thế nữa”. Bằng sự nghiêm túc này, trẻ sẽ có cơ hội để sửa sai.
Nguyễn Dinh
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.