Dạy con trở thành người biết lắng nghe
“Mẹ nói con bao nhiêu lần rồi hả?”
“Con có nghe mẹ nói không đó?”
“Tập trung coi!”
Đây là những câu nói quen thuộc ở nhiều gia đình. Điều này cho thấy kỹ năng lắng nghe ngày càng đóng vai trò quyết định, tuy nhiên nó lại chưa được xem trọng đúng mức. Lắng nghe không chỉ là kỹ năng quan trọng ở nơi làm việc mà theo Viện Thính Học Quốc Tế, việc lắng nghe còn đóng vai trò không thể thiếu trong cuộc sống cá nhân thường ngày. Tất cả mọi người đều có khả năng nghe từ khi còn là một bào thai, tuy nhiên bất cứ ai cũng có thể học để có khả năng lắng nghe tốt hơn.
Bạn có thể dạy con bạn học cách lắng nghe bằng cách chính bạn hãy là một người biết lắng nghe. Trong thực tế, khi bạn làm cùng lúc nhiều việc, sẽ không dễ để bạn có thể thực sự lắng nghe người khác nói. Hãy tập dần từ những việc nhỏ như dừng hẳn việc đang làm và nhìn thẳng vào bé khi bé nói chuyện với bạn, thay vì chỉ cho bé một phần sự chú ý. Đồng thời hạn chế bớt những vật gây nhiễu trong nhà, ví dụ như đừng để TV hay radio mở ra rả suốt ngày, để mọi người có thể dễ dàng lắng nghe xem người khác đang nói gì với mình.
Thật kiên nhẫn khi giảng giải mọi điều cho bé hiểu
Với trẻ từ 7 tuổi trở lên, một số trò chơi bên dưới có thể giúp phát triển kỹ năng lắng nghe của bé:
Tam sao thất bản: Đây là một trò chơi vô cùng thú vị để phát triển kỹ năng lắng nghe, đồng thời cũng giúp chúng ta nhận ra rằng không phải lúc nào chúng ta cũng nghe đúng những gì người khác nói. Trò chơi này thích hợp cho nhiều người, nhưng 2 người cũng có thể chơi được. Cách chơi như sau: Đứa trẻ đầu tiên nói thật nhỏ một câu nguyên vẹn vào tai đứa trẻ thứ hai sao cho những trẻ khác không nghe được, trẻ thứ hai lại thì thầm vào tai trẻ thứ ba, và tiếp tục như thế cho đến trẻ cuối cùng (Nếu chỉ có 2 người chơi thì trẻ thứ hai thì thầm ngược lại vào tai trẻ thứ nhất). Sau vài lượt như thế, đứa trẻ nào được nghe câu nói sẽ nói lớn câu nói đó lên, và đứa trẻ đặt ra câu nói sẽ xác nhận mức độ chính xác của nó.
Nếu trò chơi ở trên chưa đủ khó, có thể thay đổi cách chơi một chút: Một người lớn sẽ đưa một mảnh giấy có câu chuyện khoảng 200 từ cho đứa trẻ đầu tiên. Đứa trẻ đầu tiên này đọc thầm câu chuyện, sau đó kể lại cho đứa trẻ thứ hai, và bọn trẻ sẽ truyền miệng câu chuyện như thế cho đến đứa trẻ cuối cùng. Đứa trẻ cuối cùng sẽ kể lại câu chuyện cho tất cả mọi người để so sánh với nguyên văn ban đầu.
Truy tìm kho báu: Giấu một số mảnh bất kì của bộ xếp hình vào những nơi khác nhau trong nhà. Sau đó đưa ra chỉ dẫn để trẻ từ từ xác định vị trí của mảnh ghép đó. Ví dụ như: “Đi tới cửa sổ và tìm phía sau màn cửa tay trái. Quay trái và tiến 10 bước. Tìm dưới quyển sách bìa đỏ to nhất trên kệ sách thứ hai. Sau đó, từ vị trí của quyển sách, quay phải và nhướn người tìm trên nóc kệ sách thứ năm.” Tiếp tục như thế cho đến khi trẻ tìm được đủ các mảnh ghép. Nên có một phần thưởng nho nhỏ nếu trẻ hoàn thành xuất sắc trò chơi (Kho báu có thể chính là bộ ghép hình hoàn chỉnh mà trẻ đang tìm.)
Hiệu ứng âm thanh: Tương tự như các nhà làm phim dùng kĩ xảo tạo ra tiếng động mà họ muốn, trẻ cũng có thể học cách tạo ra một số loại âm thanh nào đó. Ví dụ như với những vật dụng trong nhà, làm thế nào để giả tiếng xe ô tô chạy, tiếng gió thổi, tiếng ngựa phi hay tiếng súng nổ? Hãy để trẻ tự ghi âm lại những tiếng động mà trẻ tạo ra, sau đó để những người khác đoán xem đó là tiếng động gì.
Đóng vai: Hãy yêu cầu trẻ đóng vai một chính trị gia, một nghệ sỹ hay bất cứ nhân vật nổi tiếng nào mà trẻ biết. Trẻ sẽ phải lên hay xuống giọng, điều chỉnh tốc độ nói, thậm chí phải dùng thêm nét mặt, cử động tay chân, v.v… để thể hiện được nhân vật mà trẻ đang diễn tả. Và những người khác sẽ phải đoán xem nhân vật nổi tiếng đó là ai. Trò chơi này sẽ khuyến khích trẻ lắng nghe cẩn thận hơn những gì người khác nói để xác định được đâu là điểm khác nhau trong giọng điệu giúp phân biệt người này với người kia.
Xuân An
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.