Dạy trẻ cách phòng tránh bị xâm hại tình dục
Hậu quả nặng nề khi trẻ bị xâm hại tình dục
Chị Lý Ngọc Hiền, ở quận 7, TP.HCM chia sẻ: “Mình có bé gái 4 tuổi, tuy bé được gửi ở nhà trẻ cả ngày nhưng mình vẫn thấy lo cho vấn đề bảo vệ con khỏi bị xâm hại, mình nghĩ đó là mối lo lắng không chỉ của riêng mình mà còn của nhiều bà mẹ khác.”
Tương tự, chị Nguyễn Thị Mai, ở quận 4 cũng cho biết: “Tôi cũng rất lo cho bé trai nhà mình, nhiều người nói bé trai không cần phải lo nhiều về mặt bị xâm hại tình dục hơn bé gái, nhưng theo mình được biết thì tỷ lệ bé trai bị xâm hại tình dục cũng rất là cao nên mình vẫn thấy lo vô cùng.”
Tuy vậy, vẫn còn nhiều bậc phụ huynh suy nghĩ khá đơn giản việc lạm dụng chỉ là việc trẻ bị cưỡng ép quan hệ tình dục. Thực ra, hành vi lạm dụng tình dục có thể xảy ra ở nhiều mức độ khác nhau từ việc sờ mó bộ phận sinh dục của trẻ, tiếp xúc bộ phận sinh dục trẻ bằng miệng, giao hợp bằng ngón tay, và nghiêm trọng hơn cả là giao hợp qua đường sinh dục hoặc hậu môn. Hơn nữa, lạm dụng tình dục ở trẻ em không chỉ giới hạn việc trẻ bị tiếp xúc cơ thể mà còn bao gồm cả những hành vi không tiếp xúc như khoe bộ phận sinh dục cho trẻ thấy hoặc xem trộm, sử dụng hình ảnh khiêu dâm của trẻ.
Và dù thế nào thì việc bị lạm dụng cũng có tác động xấu đến trẻ cả về thể chất và tinh thần.
Về thể chất:Trẻ có thể bị rách âm đạo, rách trực tràng, tổn thương bộ phận sinh dục, lây nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục. Nghiêm trọng hơn, việc bị lạm dụng tình dục có thể dẫn đến hiếm muộn ở trẻ đang ở tuổi dậy thì.
Về tinh thần: Trẻ có thể bị rối loạn về hành vi cũng như tâm thần từ nhẹ đến nặng, ngắn hạn cũng như dài hạn. Tùy vào mức độ, hoàn cảnh của lạm dụng tình dục và lứa tuổi của trẻ mà trẻ có sẽ bị rối loạn giấc ngủ, chán ăn, cảm thấy mặc cảm và tội lỗi, lo lắng và sợ hãi trước người khác giới hoặc những vấn đề liên quan đến tình dục. Hoặc trẻ cũng có thể giảm khả năng tập trung học tập, thu mình, xa lánh mọi người, tính cách hay thay đổi, cọc cằn,… Đồng thời, trẻ cũng có thể biểu hiện những hành vi tình dục không đúng mực. Tuy nhiên, hậu quả xấu nhất là “vết thương” này có thể kéo dài nhiều năm sau này khiến trẻ sẽ gặp khó khăn trong đời sống tình dục khi trưởng thành.
Dạy con cách tự bảo vệ mình
Sau đây là những cách cơ bản để các bậc cha mẹ có thể giáo dục cho con mình những kiến thức để trẻ có thể tự bảo vệ mình khỏi bị nguy cơ bị xâm hại tình dục.
1. Dạy con hiểu về giới tính
Ngay khi trẻ lên ba, cha mẹ nên cung cấp những kiến thức căn bản về giới tính cho con. Chẳng hạn như dùng những từ vui nhộn như con bướm, con cò để chỉ bộ phận sinh dục nữ, nam; dạy con biết con trai và con gái khác nhau ở chỗ nào.
Dạy trẻ biết chỉ có ba mẹ (hoặc những người rất thân như ông, bà,…) mới có thể chạm vào cơ thể, vào những khu vực nhạy cảm khi làm vệ sinh cho trẻ. Hoặc chỉ cho phép trẻ hôn ôm, ôm ấm, nựng nịu bố mẹ, ông bà, anh chị em ruột. Và khi có ai khác muốn ôm, hôn, nựng,… thì trẻ không cho nếu chưa có sự cho phép của bố mẹ.
Hãy dạy trẻ cách phản ứng khi người khác đụng chạm vào “vùng cấm”, chẳng hạn nếu ai đó nhìn hay đụng vào thì đó là hành động rất xấu xa, trẻ phải phản đối, thậm chí có thể la hét, kêu khóc, cắn hoặc tìm cách để chạy trốn tới nơi đông người.
Dạy bé cách tự bảo vệ mình để không chịu những tổn thương tâm lý lâu dài
2. Nói với trẻ ai có thể là người xấu
Thường xuyên nhắc nhở trẻ nhất định không được nghe lời khi gặp người lạ cho tiền, kẹo, đồ chơi rồi dụ trẻ đi đâu đó. Bạn nên cho trẻ biết những người không tốt có thể là bất kỳ ai, người quen lẫn người lạ, người xinh đẹp hay người xấu xí, đàn ông hay phụ nữ, người già hay trẻ,… Và ai trong số họ cũng có thể là người xấu, là “yêu râu xanh”. Bởi phần lớn những kẻ xâm hại là người mà trẻ quen biết hoặc tin tưởng như người quen của gia đình, hàng xóm, anh chị thậm chí cả họ hàng thân thích.
3. Nguyên tắc: Phản đối – Bỏ đi – Kể lại
Bạn hãy nói với con rằng, nếu có ai tìm cách đụng chạm vào những nơi nhạy cảm của trẻ, trẻ phải tỏ ra cần phản đối một cách quyết liệt, bỏ đi ngay và kể lại cho cha mẹ nghe biết việc đã xảy ra. Tuy nhiên, để trẻ tin tưởng và kể lại cho bạn nghe những gì trẻ gặp phải trong ngày thì bạn phải thật sự gần gũi trẻ, lắng nghe những suy nghĩ của con mỗi ngày. Từ đó, cha mẹ mới có thể khiến con kể lại những hành vi khác thường mà người lớn làm với chúng.
4. Biết tìm người giúp đỡ
Bạn cần nói với trẻ rằng mọi người sẽ luôn sẵn sàng bảo vệ khi trẻ bị đe dọa và khi gặp chuyện nguy hiểm, trẻ phải tìm người giúp đỡ mình. Trước tiên là bạn hãy dạy trẻ nhớ số điện thoại của bố mẹ, những người thân khác trong gia đình hoặc những số điện thoại khẩn cấp khác.
Ngoài ra, các bên cạnh việc dạy con biết tự bảo vệ mình, cha mẹ cũng phải luôn biết rõ con đang ở đâu, với ai, những nơi trẻ thường chơi, những ai trẻ thường gặp. Đồng thời, đừng quên thường xuyên nói chuyện với con để biết điều gì diễn ra với con hàng ngày.
Anh Tuấn
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.