Độ dày niêm mạc tử cung ảnh hưởng gì đến khả năng thụ thai?
Niêm mạc tử cung và quá trình thụ thai
Lớp niêm mạc phủ toàn bộ mặt trong của tử cung, còn gọi là nội mạc tử cung, đóng vai trò quan trọng trong quá trình thụ thai cũng như mang thai sau đó.
Để dễ hình dung, mẹ thử nhớ lại chu kỳ kinh nguyệt của mình nhé. Hàng tháng, dưới tác động của hormone sinh dục nữ, nội mạc tử cung phát triển nhiều và dày lên, sẵn sàng làm tổ cho trứng đã thụ tinh.
Nếu sự thụ tinh không diễn ra, lớp niêm mạc này sẽ bong tróc và được đẩy ra ngoài cơ thể gây nên hiện tượng hành kinh. Còn nếu trứng về làm tổ, các hormone thai kỳ sẽ tác động làm lớp niêm mạc này dày hơn và thay đổi cấu trúc để phù hợp cho sự phát triển của phôi và nhau thai.
Do đó, nếu độ dày của niêm mạc tử cung có bất thường sẽ ảnh hưởng đến quá trình thụ thai và mang thai sau đó ngay cả khi đã thụ thai thành công.
Độ dày niêm mạc tử cung theo các giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt như sau:
- Giai đoạn đầu chu kỳ (sau khi sạch kinh): niêm mạc tử cung thường dày từ 3-4mm
- Giai đoạn phát triển (giữa chu kỳ kinh nguyệt, gần thời gian rụng trứng): niêm mạc tử cung có độ dạy khoảng 8-12mm
- Giai đoạn chế tiết (trước khi có kinh): niêm mạc tử cung dày khoảng 12-16mm
Dựa vào độ dày của niêm mạc tử cung theo từng giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt nói trên và kết quả siêu âm, bác sĩ sẽ xác định được bạn có niêm mạc tử cung dày, mỏng hay bình thường.
Niêm mạc tử cung có độ dày bất thường có thể là nguyên nhân khiến bạn chậm có con.
Niêm mạc tử cung mỏng có ảnh hưởng gì không?
Lòng tử cung chính là nơi lý tưởng nhất để trứng đã thụ tinh làm tổ và phát triển. Tuy nhiên, với những chị em có niêm mạc tử cung mỏng hơn 8mm trong giai đoạn phát triển, quá trình làm tổ này sẽ khó khăn hơn và nếu phôi thai có bám vào được lòng tử cung cũng sẽ dễ bị bong ra gây nên hiện tượng thai chết lưu.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến niêm mạc tử cung mỏng như: thiếu estrogen hoặc niêm mạc tử cung phản ứng bất thường với estrogen, tổn thương nội mạc tử cung, dính lòng tử cung. Tùy vào từng nguyên nhân cụ thể mà bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn hướng điều trị phù hợp.
Niêm mạc tử cung dày bao nhiêu thì có thai?
Ngược lại với tình trạng niêm mạc tử cung mỏng, niêm mạc tử cung dày, còn gọi là tăng sinh niêm mạc tử cung, thường do hàm lượng estrogen dư thừa quá mức cho phép và được xác định nếu niêm mạc tử cung dày hơn 20mm.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân cản trở quá trình mang thai của bạn vì hiện tượng này làm mất cân bằng hormone của niêm mạc tử cung và gây ra rong kinh, vô kinh thứ phát kéo dài,…
Bên cạnh đó, niêm mạc tử cung dày cũng có thể chỉ là triệu chứng của một trình trạng khác tiềm ẩn như buồng trứng đa nang, rối loạn phóng noãn,… khiến bạn chậm có con.
Phụ nữ béo phì, mắc bệnh buồng trứng đa nang hoặc sử dụng thuốc chứa estrogen liên tục không kèm progesterone dễ mắc phải tình trạng tăng sinh niêm mạc tử cung. Do đó, bệnh thường được điều trị bằng hormone để tái thiết lập sự cân bằng estrogen – progesterone trong cơ thể, nhờ đó gia tăng khả năng thụ thai của người phụ nữ.
Các bất thường của độ dày niêm mạc tử cung chỉ có thể phát hiện qua siêu âm, do đó, chị em nên duy trì việc khám phụ khoa định kỳ để sớm phát hiện và can thiệp y tế kịp thời, hạn chế những ảnh hưởng của chúng tới kế hoạch sinh con năm 2018 của bạn.
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.