Giải mã tiếng khóc của bé

shape

31 Oct

Cha Mẹ TốtOct 31, 2019

Giải mã tiếng khóc của bé

Một trong những lý do mà bé khóc nhiều nhất là vấn đề liên quan đến tã (bỉm) của bé. Bạn cũng nên biết rằng một trong những cách để dỗ bé nín khóc hiệu quả nhất là một món đồ chơi phù hợp. Theo các chuyên gia, khóc chính là cách để các bé giao tiếp cho nhu cầu và sự thiếu thoải mái cần có sự can thiệp. Tuy vậy, việc tìm hiểu liệu thiên thần nhỏ của bạn muốn nói gì đòi hỏi thời gian, sự kiên nhẫn và quan sát cẩn thận. Dù vậy, rồi bạn cũng sẽ giải mã được những âm thanh khác biệt mà cục cưng của bạn tạo ra, cũng như nhận định xem liệu bé của bạn thuộc loại khó chịu hay dễ tính bẩm sinh. Sau đây là một vài cách để giúp bạn xác định bé muốn nói gì.

Khi bé đói

Từ khi sinh ra cho tới khoảng 3 tuần tuổi, trẻ sơ sinh khóc phần lớn thường do đói. Cho bé bú và ôm bé vào lòng có thể khiến bé nín khóc ngay lập tức. Kiểu khóc khi bé đói có thanh độ thấp, có nhịp điệu, và lặp theo khuôn mẫu là khóc ngắn, ngừng chút, khóc ngắn, ngừng và cứ thế. Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý các tín hiệu hình ảnh: một đứa bé bị đói sẽ há miệng, mút ngón tay hoặc dò dẫm tìm vú mẹ khi được bồng trên tay.

Khi bé mệt

Thường các bé rất dễ “khò khò” khi cảm thấy buồn ngủ, nhưng một số bé có thể khiến bạn phát cáu khi bạn cần làm rất nhiều hoạt động để dỗ bé vào giấc mộng. Tiếng khóc khi bé mệt mỏi là tiếng khóc có cường độ và âm thanh run run. Ngoài ra, khi bé mệt sẽ có động thái ngáp va dụi mắt. Bạn cần chú ý kỹ đến những gợi ý hình thể từ bé, tránh làm bé mệt quá sức do để bé hoạt động nhiều. Nên nhớ, bé càng mệt thì bạn càng tốn nhiều thời gian hơn để “hạ nhiệt” cho bé. Tốt nhất bạn hãy đưa bé vào nơi yên tĩnh và ẵm bé, đung đưa bé và xoa bụng hoặc bên hông bé. Bạn hãy nhìn bé để bé nhìn thấy bạn và cảm thấy an toàn. Trong trường hợp bé vẫn không nguôi sau những gợi ý trên, bạn hãy thử cho bé tắm nước ấm để thư giãn.

Giải mã tiếng khóc của bé

Khóc chính là cách để bé giao tiếp

Bé muốn được ôm

Liệu các bé có khóc vì chúng muốn được ẵm? Chắc là có. Nếu bé ngưng khóc ngay khi được bế lên, rất có thể bé thèm được va chạm tiếp xúc da. Điều này rất dễ lý giải, trong suốt 9 tháng bạn mang thai, bé đã được ôm lấy trong tử cung suốt thời gian đó, rất có thể bé của bạn đang nhớ cảm giác gần gũi đó. Đừng lo lắng về việc làm hư một đứa trẻ sơ sinh trong ba tháng đầu bằng điều này. Một vài bé chỉ cần được ôm ấp và vuốt ve thật nhiều. Nếu bé của bạn là một trong số đó, hãy thử điệu bé phía trước để giữ bé gần gũi trong khi bạn làm việc khác.

Tuy vậy, các bé thường có đòi hỏi khác nhau về thời gian được ôm ấp. Bạn cần nhớ rằng, khi bé khóc, thông điệp thường là bé muốn thay đổi điều gì đó. Có thể bé muốn được ôm hoặc nếu bạn đang ôm bé thì có thể bé muốn được đặt xuống và nằm một mình. Do vậy, bạn hãy thử thay đổi tình trạng của bé để xem bé có nguôi khóc hay không.

Bé muốn thay tã

Nhiều bé thật ra không quan tâm nhiều về tã bẩn như cha mẹ bé để tâm. Một vài bé ghét tã bẩn và sẽ cho bạn biết ngay khi bé muốn được thay tã, số khác lại không chú ý đến bất kỳ sự thiếu thoải mái nào. Dù thế nào đi nữa thì đây cũng là trường hợp rất dễ để kiểm tra và xử lý.

Bé bị lạnh / nóng

Đừng tin vào nhiệt độ ở tay và chân bé, vì tay và chân bé thường lạnh. Để kiểm tra nhiệt độ bé, bạn có thể kiểm tra sau gáy của bé hoặc vùng ngực để kiểm tra nhiệt độ và chỉnh trang quần áo hoặc điều chỉnh nhiệt độ phòng của bé cho phù hợp. Bé khóc khi tay và chân ẩm ướt và đổ mồ hôi là dấu hiệu bé đang nóng, bé lạnh khi có dấu hiệu tay và chân bé hơi đổi xanh.

Bé bị căng thẳng

Nếu bạn nhận thấy bé khó chịu bởi quá nhiều tác động môi trường như phòng quá sáng, những tiếng ồn ào, bị di chuyển bất ngờ, thậm chí bị đung đưa quá nhiều thì hãy xem xét lại những điều đó và điều chỉnh. Những khi bé khóc quấy thế, bạn hãy dỗ bé bằng cách điều chỉnh môi trường xung quanh bé dịu hơn bằng cách giảm độ sáng của đèn, giảm tiếng ồn trong nhà xuống và nhẹ nhàng đung đưa bé trong vòng tay.

Các bé nhạy cảm cũng thường có xu hướng cảm thấy dễ chịu theo chuỗi công việc đều đặn hàng ngày. Bạn hãy thử lên kế hoạch giờ giấc hàng ngày đều đặn cho bé ăn, tắm, chơi và ngủ. Nếu bé dễ bị kích thích, hãy tập từng bước cho bé dần.

Giải mã tiếng khóc của bé

Những âm thanh khác biệt do thiên thần nhỏ tạo ra sẽ giúp xác định bé có nhu cầu gì

Bé cảm thấy buồn chán

Một đứa bé 6 tuần tuổi có biết chán không? Câu trả lời là có. Nghiên cứu cho thấy các bé hoạt bát có một ham muốn bẩm sinh được kết nối với người khác. Bé có thể “méc” cho bạn biết bé đang chán bằng tiếng khóc rền rĩ. Bé có lẽ chỉ muốn thấy bạn hoặc muốn thay đổi tình trạng hiện tại. Hãy thử những cách khác nhau để thu hút sự chú ý của bé như hát cho bé nghe, mở điện thoại di động, hoặc chỉ đơn giản là chuyển bé sang một chỗ khác để bé có thể thưởng thức sự thay đổi cảnh vật.

Bé bị đau

Thường thì tiếng khóc lớn và có cường độ càng lớn thì khả năng cao là do bé bị đau chứ không phải vì đói hay mệt. Bạn cần kiểm tra liệu bé yêu có đang ở tư thế không thoải mái không. Hãy bảo đảm là bé không bị sụp xuống trên chỗ ngồi hoặc chân của bé không bị mắc vào giá đỡ. Nếu bé vẫn tiếp tục khóc, hãy thử cởi hết đồ trên người bé ra và tìm nguyên nhân gây khó chịu cho bé, chẳng hạn quần áo của bé có quá chật hay có tóc quấn vào chân hay ngón tay bé thiếu sự lưu thông?

Bé bệnh

Hầu hết các bậc cha mẹ đều bằng trực giác nhận ra được có điều gì đó không ổn với bé. Tiếng của bé bị bệnh khác biệt với tiếng khóc mọi ngày của bé, nghe yếu ớt hơn nhiều so với tiếng khóc khi đòi hỏi hay khóc nhè. Nếu bé thật sự không nguôi, ăn uống không bình thường, có vẻ thiếu sức sống, hoặc có biểu hiện những dấu hiệu bệnh khác như sốt, ói mửa, tiêu chảy, bạn cần đưa ngay bé đến gặp bác sĩ.

Mẹ làm bé căng thẳng

Chăm sóc khi bé khóc rất dễ khiến bất kỳ ai cũng căng thẳng và bực dọc, nhưng bạn phải biết là bạn nổi nóng chỉ khiến tình hình thêm tệ mà thôi. Bởi lẽ, bé nhận ra sự căng thẳng và tâm trạng nặng nề của bạn sẽ càng khóc thêm. Hãy nhớ, một trong những cách tốt nhất để chăm sóc bé là chăm sóc bản thân bạn thật tốt: ngủ đủ giấc, ăn uống đầy đủ và tự nuông chiều bản thân bất cứ khi nào có thể. Đừng bao giờ ngần ngại giao bé cho chồng bạn, một người bạn, một người thân hoặc một người trông trẻ đáng tin cậy khi bạn cần nghỉ ngơi. Vẻ tươi tỉnh và vui vẻ của bạn sẽ đem lại cho bé yêu nụ cười.

Một nguyên nhân khác khiến bé khóc quấy liên tục là có thể bé bị đau bụng. Chi tiết về cách nhận biết, dấu hiệu, cách xử lý, các tình huống bé bị đau bụng mời các bạn xem tại đây.

Linh Lan

Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé

FAQs

Cha Mẹ Tốt

  • Cha Mẹ Tốt Image

    Xin quý đọc giả lưu ý

    – Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
    – Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *