Giúp quý tử bớt nhút nhát

shape

31 Oct

Julia PhạmOct 31, 2019

Giúp quý tử bớt nhút nhát

Tìm hiểu nguyên nhân

Thông thường, một bé trai không bỗng dưng trở nên nhút nhát. Ba mẹ cần quan tâm và tìm hiểu nguyên nhân vì sao con mình sợ sệt những thứ rất đỗi bình thường như bác đưa thư, sấm sét, hay con gấu bông dễ thương. Đó có thể là lời hù doạ từ người giúp việc mỗi lúc bé không chịu ăn thì sẽ bị “kêu ông đưa thư tới bắt đi”; “sấm sét sẽ giật chết những đứa trẻ hư” hay đơn giản chỉ là “con gấu bông này đến đêm sẽ bóp cổ những ai không vâng lời”. Với nhận thức còn rất sơ khai cộng với trí tưởng tượng phong phú, nhiều trẻ từ những lời doạ dẫm này mà dẫn đến tự kỷ ám thị và trở nên e dè, đề phòng mọi thứ xung quanh.

Nhẹ nhàng giải thích

Khi đã hiểu rõ nguyên nhân khiến con trai mình nhút nhát, một mặt ba mẹ nên tìm cách chấm dứt nguồn sợ hãi của bé bằng cách góp ý với người giúp việc; mặt khác nên nhẹ nhàng giải thích và tháo gỡ những “trái bom sợ hãi” trong lòng con. Chẳng hạn, hãy cho bé biết rằng “Bác đưa thư luôn giúp đỡ mọi người liên lạc với nhau. Bác cũng có một đứa con bằng tuổi con và bác ấy rất thương bạn ấy.” Trong quá trình giải thích, tuyệt đối không nên giải thích theo hướng sai sự thật dù cho mục đích cuối cùng cũng là làm cho con hết sợ, ví dụ “Ai nói con gấu bông này chuyên bóp cổ trẻ hư? Nó chỉ thích hôn và âu yếm trẻ con về đêm thôi”. Nếu bạn nói dối dù là muốn tốt cho bé, khi bé đủ nhận thức và hiểu ra thì sẽ không tin vào lời bạn nói nữa.

Ba không: Không so sánh, không tỏ thất vọng, không la mắng

Nhiều bậc cha mẹ thường hay dùng chiêu “khích tướng” khi so sánh trẻ với các bé trai khác để làm con trai mình tức lên với hi vọng bé sẽ cố gắng chiến thắng các bạn nam cùng lứa. Cách này chỉ có tác dụng với những bé hiếu động mà sẽ phản tác dụng đối với những trẻ tự ti (hoặc nặng hơn là tự kỷ). Ngoài ra, khi trẻ chưa làm được như bạn mong muốn, đừng tỏ ra thất vọng trước mặt trẻ như “Sao con trai gì mà chẳng mạnh mẽ chút nào”. Sâu thẳm trong tâm hồn của mình, bé nào cũng muốn làm vui lòng ba mẹ. Khi tỏ ra thất vọng như vậy, bạn đã vô tình gây tổn thương và làm cho trẻ càng sợ hãi hơn khi cảm thấy bế tắc về việc tự tin hơn. Mỗi lúc như vậy, ba mẹ cũng không nên la mắng trẻ, đặc biệt là quở trách trước mặt nhiều người.

Giúp quý tử bớt nhút nhát

Tình hình sẽ chỉ tồi tệ hơn nếu bạn không kiên nhẫn mà lại chỉ trích sự nhút nhát của trẻ

Cho con nhiều sự lựa chọn

Với những bé trai rụt rè, cách tốt nhất khuyến khích trẻ bớt rụt rè là làm cho bé cảm thấy thoải mái khi có nhiều sự lựa chọn. Chẳng hạn, khi bạn cho con trai đi cùng đến một buổi tiệc, hãy nhẹ nhàng cho trẻ được lựa chọn giữa “Hôm nay hai mẹ con mình sẽ đi dự tiệc. Ở đó, nếu con thích thì con có thể ra chơi với các bạn; còn không thì con có thể ngồi chơi với mẹ.” Với những lựa chọn như vậy, trẻ sẽ thấy yên lòng hơn khi chúng không bị bắt buộc phải ra chơi cùng những đứa trẻ lạ. Và nếu những đứa trẻ lạ trong buổi tiệc hôm ấy có cùng sở thích với con của bạn thì điều kỳ diệu sẽ xảy ra khi con bạn sẽ chủ động ra chơi cùng các bé do “chơi với bạn cũng nằm trong sự lựa chọn của riêng mình mà”.

Trò chơi nhập vai giữa ba mẹ và con

Đây là một trò chơi rất bổ ích. Hãy tưởng tượng ra nhiều tình huống khác nhau trong thực tế và cả gia đình cùng nhập vai. Bé con nhà bạn có thể là người bán hàng, người mua, bác sỹ,… để bé dần quen và tích luỹ được một “tài sản” giao tiếp. Nếu bé thường sợ bác sỹ do bác sỹ đã chích hoặc nhổ răng làm đau bé, cách nhập vai cho bé làm bác sỹ sẽ tạo nên một môi trường quen thuộc và thân thiện dần dần. Thêm nữa, khi bé làm bác sỹ, bé cũng sẽ phải chích  hoặc nhổ răng đồ chơi và bạn có thể quan sát cách bé đối xử với đồ chơi để “bỏ nhỏ” cho bác sỹ sau này.

Hoạt động đội nhóm nhen nhóm sự tự tin

Sự sợ hãi người lạ và cảm giác bất an sẽ thường trực ở những trẻ nhút nhát, tự ti. Hãy tạo điều kiện cho bé hoà nhập với nhiều hoạt động tập thể để xây dựng sự dạn dĩ trong bé. Những tập thể này ban đầu nên là các hoạt động là thế mạnh và được bé yêu thích. Các bé nhút nhát thường hướng đến những trò “một mình” như vẽ tranh, đọc sách,… Do đó, bạn cũng nên tìm hiểu và đăng ký cho con tham gia các nhóm đọc sách, vẽ tranh tương ứng. Trong môi trường tập thể với những môn sở trường của mình, trẻ sẽ dễ dàng gặp được bạn “cùng chí hướng” và từ đó sẽ cởi mở, bớt nhút nhát hơn xưa.

Trong xã hội ngày nay, ai tự tin là người đó đã nắm một nửa phần thắng. Chúc cho quý tử nhà bạn trăm trận trăm thắng trên “mặt trận” tự tin nhé.

Tiểu My

Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé

FAQs

Julia Phạm

  • Julia Phạm Image

    Xin quý đọc giả lưu ý

    – Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
    – Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *