Khi mẹ vắng nhà
Khóc cười với con khi vắng mẹ
Đã có rất nhiều tình huống dở khóc dở cười khi các ông bố trẻ đối diện với cục cưng kháu khỉnh của mình khi mẹ bé vắng nhà đột xuất. Như trường hợp của anh Minh, Quận 5, TP.HCM, bé Trà con anh đã được 14 tháng tuổi. Thường với anh bé Trà lúc nào cũng dễ tính, luôn cười khúc khích với bố mỗi khi chơi đùa. Thế nên anh đã gật đầu ngay mà không chút lo lắng khi được vợ giao nhiệm vụ chăm sóc con 1 ngày cuối tuần để vợ về quê có việc. Cứ tưởng bé sẽ cười tươi như thường ngày, nhưng bố Minh nào đâu biết để bé cười tươi khi bố đi làm về thì mẹ Hồng (vợ anh Minh) đã phải vất vả thế nào khi chăm sóc bé.
Lần đó, bố Minh bị một phen hú vía vì những cái khóc nức như muốn ngất đi của con. Mặc dù anh đã giở tất cả các chiêu hay chơi đùa với con nhưng tất cả đều vô hiệu… Các công đoạn vệ sinh, cho bé uống sữa đều đã hoàn tất, thế mà bé cứ khóc thét mà anh không hiểu nguyên nhân. Cuối cùng anh phải gọi điện cầu cứu vợ…Thì ra đến giờ ngủ bé thường được mẹ đặt trên võng và hát ru, trong khi đó bố Minh cứ để lên giường và ẵm đi vòng vòng thế là bé cứ khóc mãi không thôi. Sau lần đó bố Minh rút ra một kinh nghiệm cho riêng mình “tuyệt đối phải tìm hiểu thật kỹ thói quen của trẻ trước khi đảm nhận trọng trách vĩ đại của các bà mẹ”.
Một trường hợp khác của anh Hữu Lộc, Quận Thủ Đức, TP.HCM. Vì vợ bệnh phải nhập viên vài ngày để theo dõi, gia đình nội ngoại 2 bên đều ở dưới quê. Vì vậy, việc quán xuyến việc nhà và chăm trẻ một cách đột xuất khiến anh không khỏi lo ngại bởi từ nào đến giờ anh chưa bao giờ pha sữa cho con, cũng không biết cách cho con bú thế nào và càng không biết ru con thế nào.
Thế nên, dù được vợ hướng dẫn từ xa (chỉ qua điện thoại) những công việc chăm con cơ bản nhưng anh vẫn cứ đờ người ra, chân tay cứ như bị thừa thãi, chỉ việc thay tã cho bé thôi mà anh cũng phải mất gần nửa tiếng để hoàn tất, cho bé uống sữa bao nhiều thì bé ọc ra bấy nhiêu khiến anh hốt hoảng phải ôm con chạy sang nhờ chị hàng xóm giúp đỡ.
Tối đến, dù dỗ thế nào bé cũng không nín, sợ quá, anh đành mang con vào bệnh viện cầu viện vợ. Với anh một ngày chăm còn dài như một thế kỷ. Và cũng từ đó anh mới quyết định phải để ý và học cách chăm con nhỏ từ vợ kể từ bây giờ”.
Chia sẻ nghệ thuật chăm con mỗi ngày với chồng
Để việc chăm trẻ không trở thành nỗi ám ảnh của mình mỗi khi vợ vắng nhà, các ông bố nên để ý cách vợ chăm con hằng ngày để học hỏi và các chị vợ cũng nên khéo léo hướng dẫn mỗi ngày một ít cho chồng “nghệ thuật chăm con” cơ bản và dù ít dù nhiều các chị phải để các anh chia sẻ những nghệ thuật ấy với mình mỗi ngày, có như thế các anh mới quen dần và làm tốt vai trò của cha trong mọi tình huống.
Nếu các ông bố không có điều kiện cũng như không có thời gian cho việc trải nghiệm và tích lũy “nghệ thuật chăm trẻ” mỗi ngày. Thì các chị vợ phải cấp tốc hướng dẫn cho chồng thói quen sinh hoạt của trẻ cũng như các công việc mà các bố sẽ phải làm khi mẹ không có nhà như: Cách pha sữa đậm nhạt thế nào? Cách cho bé bú ra sao để không bị ọc sữa? Nấu đồ ăn dặm cho bé thế nào? Mỗi khi muốn ngủ bé thường có những biểu hiện gì và ru thế nào cho bé ngủ? Cách thay tã thế nào để bé không cảm thấy khó chịu? Cách tắm gội ra sao để bé không bị cảm lạnh, không bị sặc nước? Đặc biệt bố phải ẵm bồng và dỗ dành thế nào để bé không khóc?…
Một khi đã thông hiểu những “mong đợi không thành lời” của bé, thì việc chăm trẻ sẽ trở nên dễ dàng hơn đối với các ông bố. Chỉ là dễ dàng hơn xíu thôi chứ không hề dễ chịu tí nào cho bất kỳ các bố nào trong thời khắc một mình chăm con trẻ.
Những điều tối quan trọng trong việc chăm trẻ
Bên cạnh việc học cách chăm con, các bố cần phải lưu ý và tuân thủ những điều cấm kỵ và tối cần thiết sau:
- Điều đặc biệt cấm kỵ mà các bố buộc phải tuân thủ đó là tuyệt đối không hút thuốc lá trong môi trường sống của bé cũng như đừng bao giờ đụng đến giọt rượu nào khi đang gánh trọng trách chăm con.
- Cần phải kiểm tra và dọn dẹp hết những thứ có thể gây nguy hiểm đối với bé. Các vật sắc, nhọn, thuốc, dụng cụ dọn dẹp nhà cửa nên cất kín và để xa tầm tay của bé.
- Trẻ con chưa thể phân biệt được mọi thứ. Vì vậy, bạn nên tránh để những đồ vật nhỏ như: cúc áo, bút bi, bút chì, những đồ chơi có chất chì… gần chỗ trẻ dưới 3 tuổi, bởi trẻ sẽ bỏ những thứ đó vào miệng, và những hậu quả đáng tiếc sẽ xảy ra.
Trà My
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.