Làm việc khi mang thai: Những quy tắc an toàn
Thông thường khi mang thai bạn hoàn toàn có thể làm việc tới cận ngày sinh, tuy vậy nếu điều kiện sức khỏe không thuận lợi và đối với một số nghề nghiệp nhất định, bạn cần phải có một vài điều chỉnh trong quá trình mang thai.
Nội dung bài viết
- Bạn có thể làm việc trong suốt thời kỳ mang thai?
- Nên làm thế nào nếu công việc vất vả?
- Nếu bạn đang làm việc trong môi trường chứa chất độc hại?
- Những biến chứng trong thai kỳ có thể khiến bạn không thể tiếp tục làm việc
Bạn có thể làm việc trong suốt thời kỳ mang thai?
Nếu bạn là một phụ nữ khỏe mạnh, mang thai bình thường và đang làm việc ở môi trường an toàn, bạn có thể làm việc cho đến cận ngày sinh. Càng gần cuối thai kỳ, bạn càng dễ bị mệt hơn, nên thư giãn càng nhiều càng tốt.
Để bản thân nghỉ ngơi, bạn có thể sắp xếp kỳ nghỉ thai sản 1 hoặc 2 tuần trước ngày sinh, nên cân nhắc. Sử dụng khoảng thời gian đó để nghỉ ngơi, chuẩn bị trước khi sinh và nuông chiều mình một chút.
Nên làm thế nào nếu công việc vất vả?
Đối với một số nghề nghiệp nhất định, bạn sẽ cần có một vài điều chỉnh trong quá trình mang thai để tránh những biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và con.
Một số nghiên cứu cho thấy phụ nữ làm những công việc đòi hỏi nhiều cố gắng về mặt thể lực trong thời kỳ mang thai như khuân vác, đứng quá lâu trong nhiều tiếng liên tục…, có nhiều khả năng sinh non, trẻ bị nhẹ cân và tăng huyết áp trong lúc mang thai.
Bạn có thể trao đổi với bác sĩ về những đòi hỏi trong công việc để họ có thể giúp vạch ra kế hoạch phù hợp với hoàn cảnh của bạn. Nếu công việc căng thẳng, bạn cũng cần có định hướng để điều tiết cho phù hợp với tình trạng mang thai của mình.
Bạn nên nghỉ ngơi nhiều hết mức có thể. Nếu phải ngồi lâu, đặt một chân lên thanh gác hoặc một cái hộp nhỏ, luân phiên đổi bên chân trong cả ngày.
Tốt nhất bạn nên chuyển sang công việc ít đòi hỏi về thể chất khi mang thai hoặc có thể thỏa thuận với cấp trên để đổi việc tạm thời với một đồng nghiệp khác.
Nếu việc đó không thể thực hiện tại nơi làm việc, bạn có thể thử xin nghỉ bệnh hoặc nghỉ phép để bớt căng thẳng, rút ngắn số giờ làm việc hoặc thời gian bạn vận động đôi chân của mình, đặc biệt là vào cuối tam cá nguyệt thứ 2 và tam cá nguyệt thứ 3.
Nhiều phụ nữ cố gắng để dành ngày nghỉ bệnh và ngày phép để dùng trong đợt nghỉ thai sản, nhưng bạn cần phải cân bằng để phù hợp với nhu cầu cơ thể. Nên nhắc nhở bản thân và chồng mình rằng thỉnh thoảng bạn cần phải có ngày nghỉ để đảm bảo việc sinh nở và em bé khỏe mạnh. Điều đó cũng rất quan trọng.
Nếu bạn đang làm việc trong môi trường chứa chất độc hại?
Nếu bạn làm việc trong lĩnh vực tiếp xúc với những rủi ro nguy hại cho sức khỏe sinh sản như kim loại nặng, chì và thủy ngân, các chất hóa học, dung môi hữu cơ, tác nhân sinh học, phóng xạ…. chắc chắn bạn nên thuyên chuyển sang việc khác, tốt nhất là khi bạn đang dự định có thai.
Đây là các tác nhân gây quái thai, sẩy thai, sinh non và dị tật bẩm sinh. Thai nhi và trẻ sơ sinh sẽ phát triển không bình thường khi người mẹ nhiễm phải các chất này lúc mang thai hoặc thậm chí trước khi mang thai.
Bạn có khả năng gặp phải các rủi ro này khi làm việc tại các nơi như nhà máy sản xuất con chip, linh kiện máy tính, nhà máy giặt ủi, nhà máy cao su, phòng mổ, buồng làm ảnh, nhà tù, xưởng gốm, nhà máy đóng tàu, nhà máy in…
Chỉ một số ít phụ nữ cần thay đổi môi trường làm việc khi mang thai để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé
Bạn nên đề nghị người quản lý cung cấp cho bạn thông tin về những chất độc hại có thể gặp phải tại chỗ làm và Bảng chỉ dẫn an toàn về các loại hóa chất mà bạn phải tiếp xúc.
Nếu bạn bị chấn thương tại nơi làm việc, có thể yêu cầu một cuộc đánh giá quy trình lao động để tìm hiểu nguồn gốc vấn đề ở đâu. Đừng do dự khi yêu cầu trang thiết bị bảo hộ lao động mới nếu cần thiết như găng tay bảo hộ hay thanh nẹp… để phòng tránh những chấn thương do vận động lặp đi lặp lại quá mức.
Nếu lo lắng về những rủi ro sức khỏe tại nơi làm việc, nên nói chuyện với bác sĩ hay chuyên viên chăm sóc sức khỏe của mình. Nhớ mang theo bảng chỉ dẫn an toàn hóa chất để bác sĩ xem xét.
Bên cạnh đó, cũng cần để bác sĩ biết liệu chồng bạn có dễ bị nhiễm các chất độc hại không.
Những biến chứng trong thai kỳ có thể khiến bạn không thể tiếp tục làm việc
Các trường hợp phổ biến nhất, các yếu tố rủi ro khiến bạn không thể tiếp tục làm việc hoặc giảm bớt thời gian làm việc của bạn trong lúc mang thai như sau:
- Nếu bạn có nguy cơ sinh non. Trường hợp này bao gồm cả phụ nữ đang mang thai đôi hay nhiều hơn
- Nếu bạn bị huyết áp cao hay có nguy cơ tiền sản giật
- Nếu bạn bị bất túc cổ tử cung (cổ tử cung khiếm khuyết) hay tiền sử bị sẩy thai
- Nếu con bạn phát triển không đúng cách
- Nếu gặp phải các trường hợp trên, bạn nên thường xuyên gặp bác sĩ để có được những lời khuyên kịp thời
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.