Mối nguy hiểm mang tên “sinh non”
Hiện nay có khá nhiều trường hợp các bé sinh non trước 36 tuần. Một số có chủ ý, được bác sĩ chỉ định sinh sớm hoặc thực hiện sinh mổ trước thời hạn do tình trạng sức khỏe nghiêm trọng của thai phụ như tiền sản giật nặng hoặc diễn biến xấu, hoặc do thai nhi ngừng phát triển. Còn lại, đa số là sinh non tự phát khi người mẹ bị vỡ ối trước 36 tuần thai hoặc cổ tử cung giãn mà không co thắt.
Có một số yếu tố dẫn đến nguy cơ sinh non như bệnh nhiễm trùng đường sinh dục, các vấn đề về nhau thai, hoặc suy cổ tử cung. Cũng có nhiều trường hợp sinh non không rõ nguyên nhân.
Những dấu hiệu sinh non thường gặp là gì?
Gọi cho bác sĩ ngay nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nào dưới đây trước 36 tuần thai:
• Tăng tiết dịch âm đạo.
• Dịch âm đạo có thay đổi bất thường như chảy nước, dịch nhầy hoặc có máu, cả khi chỉ có màu hồng hoặc lẫn một chút máu.
• Chảy máu hoặc rỉ máu âm đạo.
• Đau bụng, đau rút như khi có kinh, hoặc co thắt nhiều hơn 4 lần/giờ, ngay cả khi không gây đau.
• Tăng áp lực vùng khung xương chậu, cảm giác như bé đang tụt xuống.
• Đau vùng lưng dưới, nhất là khi bạn không bị đau lưng trước đó.
Những triệu chứng sinh non này có thể dễ nhầm lẫn, chẳng hạn cảm giác áp lực vùng khung xương chậu hoặc đau vùng lưng dưới cũng xảy ra ở thai kỳ phát triển bình thường và co thắt sớm có thể chỉ là những co thắt vô hại. Tuy vậy, tốt hơn hết nên gọi bác sĩ nếu có điều gì bất thường hoặc những dấu hiệu khiến bạn lo lắng.
Nên làm gì nếu nghĩ rằng mình sắp sinh non?
Nếu bạn có những dấu hiệu sinh non kể trên hoặc nhận thấy mình đang bị rỉ nước ối, gọi cho bác sĩ và nhanh chóng đến bệnh viện để kiểm tra thêm. Tại đó, bác sĩ sẽ theo dõi sự co thắt cổ tử cung, kiểm tra nhịp tim của bé, kiểm tra nước tiểu của bạn để tìm dấu hiệu viêm nhiễm cũng như kiểm tra xem màng ối có bị vỡ chưa. Họ có thể lấy mẫu cổ tử cung và âm đạo của bạn để gửi đi xét nghiệm tìm bệnh nhiễm trùng và thử fibronectin của bào thai (fFN). Thử nghiệm này phân tích chất lỏng cổ tử cung và âm đạo của thai phụ để kiểm tra hàm lượng protein fibronectin, thành phần giúp túi ối gắn với niêm mạc tử cung. Trong giai đoạn 23 đến 33 tuần thai, mức fFN cao có nghĩa là “chất keo” này phân hủy trước thời hạn do co thắt hoặc tổn thương trong túi ối. Kết quả âm tính được hiểu là bạn ít có khả năng sẽ sinh trong một hoặc hai tuần tới. Như thế, bạn có thể yên tâm và bác sĩ không phải thực hiện các biện pháp điều trị không cần thiết.
Nếu bạn có cảm giác mình sắp sinh trong khi còn vài tuần mới đến ngày dự sinh, nên đến bệnh viện để các bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán.
Em bé sinh non có thể khỏe mạnh bình thường hay không?
Càng gần đến khi đủ tuổi thai, khả năng sống của bé càng cao và ít khả năng mắc bệnh hơn. Bé sinh non trong khoảng 33 đến 36 tuần thường không gặp những vấn đề nghiêm trọng mặc dù có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với bé đủ tháng. Với những bé sinh non trước 23 tuần tuổi, bé vẫn có khả năng sống nhờ vào những tiến bộ y học trong chăm sóc trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, những trường hợp này cần nhiều sự can thiệp y tế và phải nằm ở phòng chăm sóc đặc biệt trong thời gian dài. Ngay cả những bé sống được cũng thường mắc phải những vấn đề nghiêm trọng sau này.
Cách tốt nhất để giảm nguy cơ sinh non là tránh những yếu tố gây nguy hiểm đến bé như hút thuốc, uống rượu, dùng thuốc nhập lậu. Mẹ cũng cần có chế độ ăn đủ chất, khám thai đầy đủ và thông báo với bác sĩ bất cứ biểu hiện bất thường nào.
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.