Nguy hiểm khôn lường từ việc quấn khăn cho trẻ sai cách
Việc quấn khăn cho trẻ sau sinh giúp bé ngủ ngon, ít quấy khóc và bảo vệ thiên thần nhỏ khỏi móng tay sắc nhọn của chính bé được các bà mẹ trên thế giới tin dùng. Điều này đúng nếu như mẹ biết quấn khăn đúng cách. Ngược lại, nếu làm sai, bé sẽ lãnh đủ hậu quả.
Quấn khăn cho trẻ sơ sinh sai cách, bé sẽ lãnh đủ hậu quả
Ảnh hưởng đến sự phát triển xương hông
Theo các chuyên gia chỉnh hình tại Bắc Mỹ, Anh và Australia, việc quấn khăn chặt có thể khiến trẻ em mắc bệnh loạn sản xương hông. Nhiều nhiên cứu tại 3 nước trên cho biết số lượng bệnh nhân mắc chứng bệnh về xương hông đã tăng rất nhiều trong những năm gần đây và số lượng trẻ em quấn khăn chặt có nguy cơ mắc bệnh xương hông cao gấp 10 lần.
Các chuyên gia đề nghị, dù quấn khăn cho trẻ sơ sinh nhưng cần để chân tay bé tự do cử động. Nếu chân trẻ uốn cong giống ếch cũng là điều rất bình thường và tốt cho xương hông của trẻ sau này. Trường hợp bị quấn chặt, sau này trẻ có thể bị mắc bệnh xương hông và phải đeo nẹp ở chân hoặc phẫu thuật để chữa dứt điểm.
Nguy cơ đột tử khi quấn khăn quá chặt
Một nghiên cứu của Đại học Bristol (Anh) chỉ ra nguy cơ trẻ đột tử cao hơn nếu trẻ bị quấn khăn ngủ trong tư thế nghiêng hoặc ngửa. Nguồn gốc của việc quấn khăn cho bé khi ngủ là do bắt chước tư thế thai nhi nằm trong bụng mẹ để giúp trẻ làm quen với môi trường mới.
Tiến sĩ Anna Pease, tác giả chính của nghiên cứu chia sẻ thêm: “Trọng tâm của đánh giá này không phải là nghiên cứu về quấn trẻ trong khăn mà là nghiên cứu hội chứng trẻ sơ sinh chết đột ngột (SIDS). Rủi ro SIDS cao hơn khi đặt trẻ ngủ nghiêng hay ngửa trong khăn”.
Theo tiến sĩ Pease, đồng nghiên cứ, bằng chứng cho thấy trẻ ở lứa tuổi từ 4-6 tháng tuổi có thể tự do di chuyển trong lúc ngủ, vì vậy, nếu ở lứa tuổi này mà quấn trẻ trong chiếc khăn khi ngủ thì rủi ro đột tử sẽ cao hơn.
Tăng khả năng viêm phổi
Một nghiên cứu khác của các chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc cũng cho thấy, quấn khăn là một trong những nguyên nhân làm tăng tỷ lệ viêm phổi ở trẻ em. Theo nghiên cứu, những bé 3 tháng tuổi được quấn khăn thường xuyên có nguy cơ bị viêm phổi tăng gấp 4 lần so với các bé khác.
Tuy chưa đưa ra nguyên nhân chính thức, nhưng các chuyên gia cho rằng, quấn khăn có thể gây ảnh hưởng đến khả năng hô hấp, làm tăng nguy cơ phát triển bệnh viêm phổi. Một số ý kiến khác cũng cho rằng, do được “úm” quá kỹ nên sức đề kháng không có cơ hội phát triển và bé khó lòng chống lại được sự tấn công của các loại vi-rút.
Ngoài ra, việc quấn khăn sẽ khiến thân nhiệt bé tăng cao làm đổ mồ hôi. Nếu không lau kịp, mồ hôi sẽ thấm ngược vào cơ thể khiến bé bị cảm lạnh.
Quấn khăn đúng cách
- Thả rông phần thân dưới, để chân và hông của bé có thể thoải mái cử động
- Quấn khăn vừa phải, không quá lỏng hoặc quá chật. Quá chật sẽ khiến bé khó chịu, nhưng quá lỏng sẽ dễ làm khăn bung ra, làm tăng nguy cơ đột tử.
- Không để khăn quấn cao quá đầu hoặc quá cổ của bé
Khi nào thì ngưng quấn khăn cho bé?
Quấn khăn là một phương thức được áp dụng trên toàn thế giới để giúp bé ngủ ngon hơn và giúp bé cảm thấy an tâm. Tuy vậy, bé cũng không bị phụ thuộc quá lâu vào chiếc khăn để có được giấc ngủ ngon. Thời điểm bé được 2 tháng tuổi, mẹ đã có thể giúp con cởi bỏ lớp bảo vệ này.
Bật mí 26 tuyệt chiêu giúp con ngon giấc
Sợ con không ngủ đủ giấc là một trong những lo lắng thường thấy của những người lần đầu làm mẹ, đặc biệt là những khi con quấy khóc nhưng vẫn không chịu đi ngủ. Đừng bỏ qua 26 tuyệt chiêu giúp bé ngon giấc sau đây nhé!
Quấn khăn cho trẻ hay không là tùy thuộc vào sự lựa chọn của mỗi bà mẹ. Nếu lựa chọn khăn là bạn đồng hành giấc ngủ của bé trong tháng đầu đời mẹ cần học các quấn khăn đúng cách trước đã nhé!
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.