Nguyên tắc vàng khi cho bé ăn hải sản
Chứa đạm, chất béo và nhiều chất dinh dưỡng, hải sản rất cần thiết cho chế độ dinh dưỡng của trẻ. Không chỉ vậy, theo nghiên cứu được công bố trên Dailymail, cho bé ăn cá ngay từ giai đoạn ăn dặm (6 -12 tháng tuổi) có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh hen suyễn. Nhiều nghiên cứu khác cũng chứng minh thêm nhiều lợi ích từ việc ăn cá và hải sản. Tuy nhiên, cho bé ăn hải sản như thế nào để vừa đảm bảo dinh dưỡng, vừa an toàn cho sức khỏe?
Mẹ có thể cho bé ăn cá ngay từ giai đoạn bắt đầu ăn dặm
1/ Loại hải sản nào an toàn cho bé?
Hầu hết các loại hải sản đều chứa một lượng lớn can-xi và omega-3, dưỡng chất đặc biệt cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Trong đó, cá hồi có hàm lượng omega-3 gần như cao nhất. Tránh các loại cá có hàm lượng thủy ngân cao như cá mập, cá kình, cá lưỡi kiếm (cá cờ), cá thu lớn, cá ngừ lớn…
Từ tháng thứ 7 trở đi, mẹ cũng có thể cho bé ăn thêm tôm biển để bổ sung đạm và canxi. Với các loại hải sản có vỏ như hàu, ngao, hến…, mẹ nên đợi đến khi bé được 1 tuổi. Đây là những loại thực phẩm chứa nhiều kẽm, thành phần cấu tạo nên các enzyme trong cơ thể, rất cần thiết cho sự tăng trưởng của bé.
Lưu ý dành cho mẹ: Chọn hải sản tươi sống. Tuyệt đối không ăn hải sản đã chết vì dễ gây ngộ độc thức ăn.
2/ Bé bao nhiêu tuổi, cho ăn bấy nhiêu
– Từ 7- 12 tháng tuổi: Mỗi bữa bé có thể ăn từ 20 gram cá, tôm nấu với cháo, bột. Trung bình 1 tuần có thể ăn từ 3-4 lần.
– Bé từ 1-3 tuổi: Bé có thể ăn từ 180-210 gram hải sản mỗi tuần, tương đương với khoảng 30-40 gram mỗi bữa.
– Từ 4 tuổi trở lên: Mỗi bữa có thể ăn 50-60 g thịt của hải sản. Lúc này, mẹ có thể cho bé ăn luôn cả vỏ tôm.
3/ Cách chế biến hải sản an toàn cho bé
– Ăn hải sản chín kỹ: Hải sản sống, chưa chín kỹ có thể chứa ký sinh trùng, vi trùng gây nhiễm trùng đường ruột. Với hệ tiêu hóa còn non nớt của bé, nguy cơ này đặc biệt cao hơn.
– Bé dưới 3 tuổi ăn hải sản nên xay, nghiền nhỏ tôm, cá để nấu cháo. Với các loại cá nhiều xương, mẹ nên luộc chín và gỡ xương trước khi cho bé ăn. Cua có thể giã, lọc lấy nước nấu cháo. Với tôm, mẹ có thể bóc vỏ, sau đó xay hoặc băm nhỏ.
– Bé trên 3 tuổi có thể ăn hải sản luộc, hấp như cua hấp, tôm hấp…
Ăn cá như thế nào để không gây nguy hiểm cho bé?
Hầu hết cá chuyên gia đều đồng ý rằng trẻ em nên ăn cá nhưng quan trọng ở đây là ăn loại cá nào thì ăn toàn và ăn bao nhiêu là tốt
4/ Mách mẹ cách tập cho bé quen dần với hải sản
Tập cho bé ăn từ sớm để hải sản có thể trở thành món yêu thích của bé. Lúc mới bắt đầu, mẹ có thể trộn xay nhỏ cá, tôm và nấu cháo cho bé. Với những bé lớn hơn, mẹ có thể làm phi lê cá hồi tẩm trứng, áo qua một hỗn hợp của bột mì, vụn bánh mì, pho mát Parmesan và muối rồi nướng trong khoảng tám phút. Một món ăn vặt hấp dẫn nhưng giàu dinh dưỡng cho con yêu.
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.