Những điều cần biết trước khi mang thai
1. Khi nào bạn dễ thụ thai nhất?
Lứa tuổi 20 đến 24 là thời điểm lý tưởng nhất để bạn làm mẹ. Tuy nhiên, ngày nay phụ nữ có xu hướng làm mẹ trễ hơn. Từ giữa thập nhiên 70, tỷ lệ phụ nữ lần đầu mang thai ở tuổi 30 trở lên đã tăng lên gấp 4 lần.
Bên cạnh việc canh ngày theo chu kỳ kinh nguyệt để thụ thai, bạn nên kiểm tra dịch nhầy âm đạo để chắc ăn hơn. Cổ tử cung sản sinh ra dịch nhầy này để bảo vệ bạn khỏi tinh trùng, vi khuẩn và các loại vi sinh vật khác.
>>> Xem thêm: 9 việc cần làm để tăng khả năng thụ thai
Một vài ngày khi đến tháng, dịch nhầy sẽ thay đổi để cho phép tinh trùng có thể “viếng thăm” tổ ấm của nó và việc bạn cần làm là xác định thời khắc “mở cửa” này. Bạn nên kiểm tra dịch nhầy trước khi tắm hay bơi vì những hoạt động này sẽ ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng của dịch nhầy của bạn.
2. Có mối liên quan nào giữa khả năng sinh sản và chế độ ăn uống không?
Điều đó là điều tất nhiên rồi! Một chế độ ăn uống đầy đủ sẽ giúp bạn cân bằng lượng chất bột, đường, đạm và chất xơ đưa vào cơ thể. Những loại thực phẩm chứa chất bột nguyên cám sẽ tốt hơn nhiều so với những loại đã được tẩy màu như gạo trắng, bánh mỳ trắng, nui mì… vì quá trình tẩy màu đã làm mất đi 15 loại dưỡng chất khác nhau. Bạn cũng nên bổ sung chất béo omega 3 trong bữa ăn hàng ngày và tránh các loại chất béo đã bão hòa.
>>> Xem thêm: Khó thụ thai do chế độ ăn giàu đạm?
Ngoài ra, nếu bạn thích uống trà còn ông xã là “con nghiện” cà phê thì hai vợ chồng bạn cần xem lại. Vì caffein đã được chứng minh là tác nhân làm suy giảm đến 50% khả năng có con ở đàn ông. Như vậy, để có con, chồng bạn sẽ phải nỗ lực gấp đôi so với những ông chồng khác. Còn trà xanh lại được cho là có tác dụng trong việc thúc đẩy khả năng thụ thai.
Kiểm tra sức khỏe toàn diện tổng quát trước khi quyết định có con
Lúc này, bạn cần nói KHÔNG với các thể loại ăn kiêng, các loại thực phẩm giảm cân vì nó sẽ ảnh hưởng đến việc trứng rụng và từ đó ảnh hưởng đến khả năng thụ thai của bạn.
3. Bạn cần bổ sung gì trước khi sinh?
Trước khi sinh, bác sĩ sẽ thường kê cho bạn một số loại thuốc bổ nhằm bổ sung thêm các loại chất khoáng và vitaminh cần thiết cho bạn và thai nhi. Nếu bác sĩ không đề cập đến việc này, bạn nên hỏi thăm bác sĩ về việc này.
>>> Xem thêm: Cần bổ sung bao nhiêu axit folic khi chuẩn bị có thai?
4. Vấn đề về cân nặng
Thừa cân hay thiếu cân đều sẽ gây ra những ảnh hưởng không tốt đến thai kỳ của bạn. Hiện nay, các bác sĩ đều quan tâm đến chỉ số khối cơ thể (BMI) và cân nặng của bạn để đưa ra các giải pháp kịp thời.
>>> Xem thêm: Bạn có quá gầy để mang thai?
Khi bạn quá cân, bạn cần điều chỉnh lại chế độ ăn uống hàng ngày và năng tập thể dục. Nếu bạn giảm cân quá nhanh, nó sẽ làm rối loạn chuyển hóa và phá hủy hệ thống dinh dưỡng trong cơ thể bạn. Vì vậy, bạn chỉ nên giảm khoảng 1kg/ tuần là được rồi.
Còn khi bạn bị thiếu cân, nguy cơ bạn bị sẩy thai, sinh con nhẹ cân sẽ cao hơn các bà mẹ khác. Do đó, bạn cần ăn uống nhiều hơn và theo một chế độ dinh dưỡng khoa học mà bác sĩ tư vấn và nên tránh các đồ ăn vặt cũng như socola.
5. Bạn nên làm những loại kiểm tra sức khỏe nào?
Việc đầu tiên bạn cần làm là chọn chọ mình một bác sĩ sản khoa đáng tin cậy và sau đó sẽ trao đổi với họ về việc bạn muốn mang thai, những vấn đề về sức khỏe mà bạn đã từng hay có thể mắc mà sẽ ảnh hưởng đến việc thụ thai hay mang thai của mình, nhất là khi gia đình bạn có tiền sử bệnh di truyền. Những lúc này, bạn nên đi cùng chồng để cả hai vợ chồng đều được tư vấn một cách cẩn thận.
Bạn nên đặt lịch hẹn khám trước khi mang thai vào cuối buổi khám để bác sĩ có thể có thời gian tư vấn cho bạn cặn kẽ hơn và tránh tình trạng bác sĩ muốn kết thúc nhanh việc khám để tiếp bệnh nhân tiếp theo.
Nếu bạn bị đau ở một bên xung quanh vùng bụng, cảm thấy nặng nề và khó nhọc, bạn nên làm siêu âm vùng khung xương chậu để kiểm tra xem mình có bị u nang buồng trứng hay u xơ tử cung không. Khi bạn bị u nang buồng trứng và không cần thiết phải phẫu thuật, bạn sẽ được điều trị bằng thuốc nội tiết tố. Còn u xơ tử cung thì thường phải phẫu thuật. Những việc này bạn cần trao đổi với bác sĩ của mình.
6. Và cuối cùng, bạn cần tránh những gì?
Tránh thuốc lá, bia rượu và các chất có hại. Đây là những điều bạn có thể đã được nghe hàng trăm, hàng nghìn lần trước đây nhưng bây giờ là lúc bạn cần chú tâm đến nó hơn. Sảy thai, thai phát triển chậm hay chảy máu nhau thai là một trong những biến chứng do thuốc lá gây ra.
Bạn cũng nên nhắc nhở chồng mình cần tránh xa các nguồn nhiệt. Theo nghiên cứu, các đầu bếp thường có lượng tinh trùng ít hơn mức trung bình của nam giới vì họ thường tiếp xúc gián tiếp hay trực tiếp với bếp, lò nướng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc đàn ông không nên mặc quần bó, ôm sát vì quá trình va chạm, cọ xát với quần sẽ vô tình sinh ra nhiệt và điều này sẽ ảnh hưởng không tốt đến các tinh binh của các chàng.
MarryBaby
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.