Phát hiện và điều trị thiếu máu khi mang thai
Dấu hiệu nhận biết thiếu máu khi mang thai?
Trong lần khám thai đầu tiên, bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm máu xem bạn có bị thiếu máu khi mang thai hay không. Một trong các xét nghiệm này là đo dung tích hồng cầu (hematocrit) với mục đích xác định phần trăm hồng cầu trong huyết tương. Xét nghiệm còn lại (hemoglobin) xác định số gram hemoglobin trong máu.
Dù không bị thiếu máu khi mới mang thai, bạn cũng có thể bị thiếu máu ở các giai đoạn sau của thai kỳ. Vì vậy, bạn sẽ được xét nghiệm máu lần nữa vào khoảng tháng thứ sáu hoặc thứ bảy. Hematocrit và hemoglobin hạ thấp một chút trong nửa sau của thai kỳ là điều bình thường vì khi đó lượng máu trong cơ thể tăng cao và lượng huyết tương, thành phần chất lỏng của máu, tăng nhanh hơn so với số lượng và kích thước hồng cầu. Tuy nhiên, đừng để hai chỉ số này hạ xuống quá thấp.
Dấu hiệu của thiếu máu khi mang thai thường khó nhận biết nên bạn sẽ cần thực hiện xét nghiệm máu để xác định
Tình trạng thiếu máu khi mang thai có thể không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào, đặc biệt nếu chỉ thiếu máu nhẹ. Một số triệu chứng có thể nhận thấy là thường mệt mỏi, cảm giác yếu trong người và chóng mặt. Đây cũng là những triệu chứng nhiều phụ nữ gặp phải khi mang thai dù có thiếu máu hay không nên rất khó xác định.
Bạn cũng có thể thấy mình xanh xao hơn, đặc biệt là ở đầu ngón tay, dưới mi mắt và vùng môi. Các triệu chứng khác bao gồm tim đập nhanh, mạnh, thở gấp, đau đầu, chóng mặt, khó chịu và khó tập trung.
Ngoài ra, các thai phụ bị tình trạng thiếu máu do thiếu sắt trầm trọng có thể thấy thèm ăn các vật thể phi thực phẩm như nước đá, giấy hoặc đất sét, còn gọi là hội chứng Pica. Nếu bạn cũng có những cơn thèm khác lạ như vậy, hãy mau chóng đến gặp bác sĩ.
Điều trị thiếu máu khi mang thai như thế nào?
Nếu xét nghiệm cho thấy bạn bị thiếu máu do thiếu sắt, bác sĩ sẽ kê các loại dược phẩm bổ sung sắt cho bạn. Liều lượng phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng thiếu máu khi mang thai nhưng thường sẽ nằm trong khoảng 60 đến 120mg sắt nguyên tố mỗi ngày, chưa kể lượng sắt bổ sung trong các loại thuốc bổ cho thai phụ. Bạn nên tuân thủ chỉ định của bác sĩ và đừng bao giờ bổ sung nhiều sắt hơn so với lượng sắt được kê đơn.
Lưu ý rằng các liều lượng này dùng để chỉ lượng sắt nguyên tố hay sắt nguyên chất được bổ sung, một số nhãn hiệu chỉ thể hiện lượng sắt sunfat, một loại muối sắt, thay cho lượng sắt nguyên tố. Một liều bổ sung với 325mg sắt sunfat, liều lượng thường được kê để bổ sung sắt, sẽ cung cấp cho bạn 60mg sắt nguyên tố.
Một số loại thuốc khác chứa sắt gluconat với hàm lượng 34mg sắt nguyên tố trong 300mg sắt gluconat hoặc sắt fumarat chứa 106mg sắt nguyên tố trong 1 viên nén 325mg.
Để hấp thu nhiều sắt nhất có thể, nên uống viên sắt khi đang đói, uống thuốc bằng nước lọc hoặc nước cam, vitamin C giúp hấp thu sắt tốt hơn, nhưng đừng uống với sữa vì canxi cản trở quá trình hấp thu sắt. Cà phê và trà cũng ảnh hưởng đến sự hấp thu sắt.
Trong khoảng một tuần kể từ khi bắt đầu điều trị, bạn sẽ tạo ra nhiều hồng cầu mới và lượng hemoglobin cũng tăng cao. Thường chỉ sau một tháng điều trị là có thể hoàn toàn thoát khỏi tình trạng thiếu máu khi mang thai, nhưng bạn nên tiếp tục bổ sung sắt trong vài tháng tiếp theo để tăng cường nguồn sắt dự trữ.
Một lưu ý quan trọng nữa là luôn để các loại thuốc có chứa sắt xa tầm tay trẻ em. Trong số các loại hình ngộ độc dược phẩm ở trẻ em, uống viên sắt quá liều gây tử vong cao nhất. Thực tế, chỉ cần một liều cho người lớn cũng có thể gây ngộ độc cho trẻ nhỏ.
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.