Phong trào anti vaccine là vấn nạn của sức khỏe cộng đồng
Ở nhiều nơi trên thế giới trong đó có Việt Nam, nhiều ông bố bà mẹ vẫn giữ quan điểm không cho con tiêm vaccine để thuận theo tự nhiên với những lo sợ không có căn cứ. Suy nghĩ này liệu có đúng? Bởi vaccine được xem là thành tựu 200 ngàn năm của nền y học nhân loại.
Trào lưu anti-vaccine và những thông tin phản khoa học
Xuất phát từ các nước Âu Mỹ, phong trào anti-vaccine (chống tiêm vaccine) gần đây đã xuất hiện tại Việt Nam.
Sau một vài sự việc trẻ bị phản ứng sau tiêm cũng như Bộ Y Tế thông báo thay đổi vaccine 5 trong 1 mới Combe Five, các hội nhóm anti-vaccine càng lan rộng và gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng.
Trên nhiều trang mạng, hội các bà mẹ “anti-vaccine” đã chia sẻ nhiều lo ngại, rằng tiêm vaccine có những biến chứng nguy hiểm như tử vong, sốt, tiêu chảy, vaccine chứa thủy ngân…
Một số quan điểm thì cho rằng bú mẹ hoàn toàn là vaccine rồi, không cần tiêm nữa. Số khác cho rằng chỉ cần sống lành mạnh, ăn uống “healthy”, thuận tự nhiên là cơ thể mặc nhiên đã tự phòng và chữa được bệnh.
Phong trào anti vaccine không chỉ xuất hiện tại Việt Nam mà cả quốc tế cũng phổ biến
Tất cả những quan niệm này đã thành trào lưu trên diễn đàn mạng và được một số phụ huynh hưởng ứng. Họ nhất quyết nói “Không” với việc tiêm vaccine phòng bệnh cho con.
Nhiều người nghe đến tiêm vaccine bị biến chứng tử vong thì ngay lập tức sợ hãi không cho con tiêm. Có người lo sợ tiêm chủng không an toàn đã đợi tiêm dịch vụ và trong lúc đợi thì con mắc bệnh.
Bạn Vũ Phương Vy (32 tuổi, cư ngụ tại đường Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) không khỏi phẫn nộ khi đọc những bài báo nói về anti-vaccine, phong trào nguy hiểm này. Chị Vy nói: “Hội Anti-vaccine, nghe thật điên rồ nhưng lại là chuyện có thật. Tôi đọc mà thấy nhói lòng! Các mẹ ai không tiêm vaccine cho con thì mình thấy quá ngớ ngẩn luôn.
Vaccine là 1 trong những phát minh ý nghĩa nhất của y khoa trong việc phòng ngừa các dịch bệnh nguy hiểm, đó là cả 1 thành tựu đấy.
Trung tâm vaccinen ở Việt Nam có nhiều nơi chất lượng. Nếu mẹ nào lo lắng tiêm chủng mở rộng không đủ vaccine thì có thể đến các trung tâm để tiêm chủng dịch vụ”.
Rất nhiều bố mẹ đã hối hận vì không tiêm vaccine để bảo vệ sức khỏe của bé
Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung Ương, vaccine có thể sốc phản vệ nhưng tỷ lệ này cực kỳ nhỏ. Vậy nên tiêm xong phải ở lại phòng tiêm theo dõi 30 phút vì sốc phản vệ chỉ diễn ra trong 30 phút sau tiêm.
Tôi đã chứng kiến nhiều bà mẹ vô cùng ân hận khi không tiêm vaccine cho con, đến khi con mắc bệnh, biến chứng nặng phải giành giật sự sống từng giây, từng phút. Có người mất con trong chớp mắt chỉ vì không tiêm phòng cho con, GS Kính cho biết.
Những bài học trước mắt chỉ vì anti-vaccine
PGS.TS Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, hậu quả của việc không tiêm vaccin đã xảy ra, điển hình là dịch sởi năm 2014 ở nước ta đã cướp đi hơn 100 tính mạng của trẻ nhỏ.
Các nước đã công bố loại trừ bệnh sởi như Uraina, Đức, Nga, Hoa Kỳ hiện đang chịu dịch bệnh sởi gia tăng với diễn biến phức tạp. Tại Philippines đã có hơn 200 trường hợp tử vong vì bệnh sởi từ đầu năm 2019 đến nay.
Ngày 8-3 vừa qua, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (viết tắt là CDC) đã công bố về một trường hợp đặc biệt, cậu bé 6 tuổi sống ở tiểu bang Oregon đã suýt mất mạng vì bệnh uốn ván.
15 sự thật thú vị về sự phát triển của trẻ sơ sinh không phải mẹ nào cũng biết
Trẻ sơ sinh phản ứng nhanh với các tiếp xúc ngoài da, có nhịp tim nhanh gấp 2 lần người lớn. Còn gì nữa mẹ nhỉ? Cập nhật ngay 15 sự thật thú vị khác về sự phát triển của trẻ sơ sinh để biết cách chăm sóc con tốt hơn, mẹ nhé!
Theo CDC, đây là trường hợp trẻ em mắc bệnh uốn ván đầu tiên ở Oregon trong suốt 30 năm qua. Điều đáng nói là cậu bé đã được các bác sĩ tiêm một liều vaccine phòng uốn ván khẩn cấp sau khi được đưa vào bệnh viện nhưng cha mẹ của cậu bé nhất quyết không cho tiêm liều thứ 2 sau khi cậu bé hồi phục chỉ vì phong trào anti-vaccine.
Tại TP.HCM, cháu Nguyễn Phát Đạt, ngụ quận Tân Phú, 28 tháng tuổi sốt cao 3 ngày rồi nổi ban, mẹ bé cho nhập Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã hai ngày qua.
Chị Trần Tú Linh, mẹ bé kể, từ khi bé được 4 tháng tuổi đến nay, nghe theo trào lưu “anti-vaccine” trên mạng, chị đã không cho bé tiêm phòng, sợ con về ốm nhiều hơn.
Vì vậy chị ở nhà chăm sóc con, đồng thời ít cho bé tiếp xúc với người lạ để khỏi bị lây nhiễm bệnh, nhưng bé Đạt vẫn mắc sởi.
Đừng để phong trào anti-vaccine hủy hoại sức khỏe thế hệ tương lai
PGS.TS Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, vaccine là một trong những thành tựu y học vĩ đại nhất của loài người để cứu sống nhân loại trong phòng chống các bệnh truyền nhiễm.
Hơn 100 năm kể từ khi ra đời, vaccine đã chứng minh được hiệu quả cực kỳ to lớn trong việc phòng, chống bệnh truyền nhiễm, cứu sống hàng triệu người mỗi năm. Nếu không tiêm vaccine dịch bệnh chắc chắn sẽ bùng phát trở lại, gây hậu quả khôn lường cho tính mạng trẻ em, cho cộng đồng và toàn xã hội.
Người không tiêm vaccine bị mắc bệnh sẽ trở thành nguồn lây nhiễm cho người khác, đe dọa sự an toàn của tất cả mọi người.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 khẳng định: “Cả cộng đồng bỏ tiêm phòng sẽ gây hậu quả rất lớn. Bệnh quay lại không phải trả giá bình thường mà bằng sinh mạng của hàng loạt trẻ em”.
Rất nhiều bác sĩ đầu nghành đã lên tiếng về vấn nạn anti vaccine
PGS.TS Trần Như Dương nhấn mạnh, đã có những bài học nhãn tiền trong quá khứ và hiện tại.
Chính vì vậy các bậc cha mẹ, vì sức khỏe của con em mình hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ các vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) và cả những vaccine chưa có trong chương trình TCMR.
Hãy coi việc tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng và toàn xã hội.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang, Đại học Y dược TP.HCM, người được mệnh danh là “bác sĩ yêu con nít” đã có những chia sẻ rất thẳng thắn về vấn đề này:
CDC đã đưa ra một khái niệm “Herd Immunity” tạm dịch là “Miễn dịch cộng đồng” là một khái niệm mà các nhà Dịch tễ quan tâm. Nghĩa là khi dân số đạt tỉ lệ tiêm chủng nhất định thì mầm bệnh đó khó có khả năng gây ra dịch.
Tổ chức Y tế Thế giới WHO cũng đưa ra khái niệm “Immunization coverage” hiểu nôm na là khi con bạn sống trong một cộng đồng mà >85% dân số tiêm chủng đầy đủ với một loại bệnh nào đó, con bạn được cộng đồng “che chở” khỏi mầm bệnh đó.
Một số bố mẹ nghĩ rằng ai anti-vaccine thì mặc kệ còn mình thì tiêm cho con là đủ. Nhưng thực sự bạn đã sai. Khi không đủ 85% dân số tiêm chủng, dịch bệnh sẽ quay lại.
Và số phận của những bé có bố mẹ không anti nhưng chưa đủ tuổi thì sao? 6 tháng tuổi bị sởi, biến chứng suy hô hấp, tử vong và chưa đủ 9 tháng để chích mũi sởi đơn. Lỗi tại ai? Tại hệ quả gián tiếp của nhóm anti-vaccine đó.
Không tiêm vắcxin để 'thuận theo tự nhiên' là tội ác với trẻ nhỏ
Tiến sĩ Trần Minh Điển khuyên các bậc phụ huynh hãy nhìn những em bé bị ho gà, sởi tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Khi đó họ sẽ hiểu không tiêm vắc xin cho trẻ sẽ nguy hiểm như thế nào.
Trước thông tin tiêm vaccine khiến trẻ bị tự kỷ, vaccine chứa thủy ngân ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của trẻ, PGS.TS Trần Như Dương cũng cho biết, đây đều là những thông tin thất thiệt, trôi nổi, bịa đặt, gây hoang mang cho xã hội. “Vaccine không gây ra những chuyện đó”.
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.