Quá trình sinh con: Vai trò của anh xã trong từng giai đoạn
Thông thường, quá trình sinh con thường trải qua 3 giai đoạn: co thắt chuyển dạ, rặn đẻ và sổ nhau. Tất nhiên, anh xã của bạn sẽ không thay bạn chịu cơn đau đẻ, cũng như không thể thay thế vai trò của bác sĩ nhưng sự có mặt cũng như những hành động, dù nhỏ cũng sẽ giúp bạn yên tâm vượt qua hành trình sinh con gian nan. Cùng MarryBaby tìm hiểu nhiệm vụ không thể thiếu của anh xã trong giai đoạn co thắt chuyển dạ, giai đoạn gian nan nhất nhé!
Giai đoạn này tính từ lúc cơn co thắt chuyển dạ đầu tiên xuất hiện đến khi cổ tử cung mở được 10 cm. Đây là giai đoạn kéo dài nhất và cũng gian nan nhất, được chia thành 3 giai đoạn nhỏ: chuyển dạ sớm, chuyển dạ tích cực, chuyển dạ chuyển tiếp.
Trong quá trình sinh con gian nan kéo dài hàng tiếng đồng hồ, vai trò của người chồng cũng rất quan trọng
1/ Quá trình sinh con: Giai đoạn chuyển dạ sớm
Đây là giai đoạn bạn cần sự ủng hộ tinh thần từ anh xã nhất. Từ khi có dấu hiệu chuyển dạ đến lúc cổ tử cung mở được 3 cm, bạn sẽ liên tục chịu đựng những con co thắt kéo dài từ 30 – 60 giây, xảy ra cứ mỗi 5-20 phút. Những cơn đau chuyển dạ này có thể sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của bạn, làm bạn mất bình tĩnh cũng như dễ nổi giận. Vì vậy, vai trò lúc này của các anh xã rất quan trọng: Nói chuyện để giúp bạn quên bớt cơn đau cũng như phải thật bình tĩnh, chuẩn bị đồ dùng để đưa vợ đến bệnh viện kịp lúc.
Bên cạnh việc “làm trò” giúp vợ thư giãn, các anh chồng cũng nên cố gắng lưu ý đến những điều sau:
– Cường độ của những cơn co thắt có tăng hay không?
– Khoảng cách giữa những cơn co thắt có rút ngắn?
– Thời gian vỡ ối
– Nước ối có màu gì? Có mùi hay màu bất thường?
Những điều cần biết về quá trình sinh con – giai đoạn chuyển dạ sớm:
– Tùy theo thể trạng của mẹ và bé, giai đoạn chuyển dạ sớm có thể kéo dài từ 8-12 giờ.
– Khi các cơn co thắt xuất hiện, mẹ bầu có thể cảm thấy đau bụng dưới như đau bụng kinh. và cảm giác nặng nề, căng tức ở vùng xương chậu.
– Vỡ ối có thể xảy ra ở bất cứ lúc nào trong giai đoạn đầu chuyển dạ.
Phân biệt dấu hiệu chuyển dạ thật - giả
Cho dù là những bác sĩ có danh tiếng nhất cũng không thể dự đoán chính xác 100% thời điểm chuyển dạ của bạn. Mẹ bầu nên có biết cách nhận biết những dấu hiệu chuyển dạ cơ bản nhất, để có thể đến bệnh viện kịp lúc.
2/ Quá trình sinh con: Giai đoạn chuyển dạ tích cực
So với giai đoạn chuyển dạ sớm, các cơn co thắt trong giai đoạn chuyển dạ tích cực sẽ mạnh hơn, kéo dài hơn, đồng thời, khoảng cách giữa các cơ co cũng gần nhau hơn. Những lưu ý anh xã cần biết trong giai đoạn này, bao gồm:
– Giai đoạn này có thể kéo dài từ 3-5 giờ.
– Các cơn co thắt sẽ xuất hiện cứ mỗi 45-60 giây, và sẽ lặp lại cứ mỗi 3-5 phút/lần.
Trong giai đoạn này, sự động viên, khuyến khích của gia đình rất quan trọng. Chồng có thể cùng vợ áp dụng các kỹ thuật thở đúng đã học ở các lớp tiền sản, hoặc thực hành một vài bài tập thư giãn giữa các cơn co thắt. Khuyến khích vợ đi lại thường xuyên, và uống thêm nhiều nước.
Ngoài ra, chồng cũng có thể áp dụng những động tác massage bụng và lưng cho vợ để làm dịu những cơn đau cũng như cùng theo dõi tần suất của các cơn co thắt. Lưu ý, thư giãn tinh thần lúc này rất quan trọng. Chồng nên tiếp tục trò chuyện, đọc sách hoặc cùng vợ nghe nhạc để đánh lạc hướng, giúp vợ quên những cơn đau. Thỉnh thoảng, nếu có bị “bơ”, các ông chồng cũng đừng quá thất vọng nhé! Chẳng qua là vợ bạn đang quá mệt và đau mà thôi..
Liều thuốc giảm đau hoàn hảo khi vượt cạn
Thở đúng giúp giảm đau cho mẹ bầu khi vượt cạn, đồng thời cũng giúp tăng lượng oxy cần thiết cho cả mẹ lẫn bé. Khi bị stress hoặc hoảng sợ lúc lâm bồn, hơi thở trở nên nhanh và nông, làm bạn mất kiểm soát và dần kiệt sức. Vì vậy, nắm rõ cách thở khi sinh sẽ hỗ trợ mẹ bầu sinh con dễ dàng hơn.
3/ Quá trình sinh con: Giai đoạn chuyển dạ chuyển tiếp
Đây là giai đoạn khó khắn nhất, nhưng cũng diễn ra nhanh nhất. Các cơn co thắt xuất hiện càng lúc càng nhanh, mạnh hơn có thể làm mẹ bầu kiệt sức nhanh chóng nên vai trò của người chồng lúc này rất quan trọng.
Chồng nên tiếp tục giữ bình tĩnh, động viên và khen ngợi vợ. Tuy nhiên, tránh nói chuyện riêng lúc này, bởi vợ bạn cần tập trung hết sức cũng như sự chú ý của mình cho quá trình bé chào đời sắp tới. Giữa những cơn co thắt, hãy khuyến khích vợ giữ sức, đồng thời chuẩn bị tâm lý sẵn sàng. Khi những cơn đau xuất hiện liên tục và nhiều hơn, vợ bạn có thể sẽ trở nên hung dữ hơn, thậm chí còn la lối om sòm. Đừng suy nghĩ về những khoảnh khắc này, hãy nghĩ chỉ vì vợ bạn đang quá đau mà thôi.
Lưu ý quan trọng cần nhớ
Tới giai đoạn này, hầu như vợ bạn sẽ chẳng còn chút sức lực nào để lên tiếng. Vì vậy, chồng sẽ là người đại diện trong mọi tình huống. Bạn cần phải thật tỉnh táo và khôn ngoan. Bất cứ một quyết định nào của bạn lúc này đều sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến 2 mẹ con. Trao đổi với bác sĩ nếu cảm thấy có điều gì bất thường đang xảy ra.
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.