Rạn da – Nỗi ám ảnh của bà bầu
Bạn không phải người duy nhất
Vâng, chắc chắn như vậy rồi. Rạn da xảy ra ở 90% phụ nữ mang thai sau tháng thứ 6 hoặc thứ 7 của thai kỳ. Nếu mẹ bạn bị rạn da khi mang thai, bạn có nhiều khả năng cũng sẽ bị rạn, vì yếu tố di truyền cũng góp phần gây ra hiện tượng này.
“Bụng tôi rất ngứa và rồi tôi nhận thấy những vết rạn bắt đầu hình thành. Mọi thứ càng tồi tệ hơn khi tôi có bầu đứa con thứ hai” – chị Thùy Linh, 32 tuổi, Q.3, TP.HCM chia sẻ. Theo ghi nhận, những phụ nữ có làn da trắng sẽ có những vết rạn màu hồng và phụ nữ da ngăm có vết rạn màu sáng hơn màu da của họ.
Ngay từ khi mới mang thai, nhiều mẹ bầu đã lo lắng về vấn đề rạn da
Tất cả là do cân nặng?
Rạn da xảy ra khi cơ thể tăng kích thước quá nhanh và làn da không theo kịp tốc độ này. Các sợi đàn hồi dưới bề mặt da bị phá vỡ, gây rạn da. Những khu vực như bụng, ngực, đùi và mông là vùng dễ bị rạn da nhất.
Số cân nặng cần tăng trong suốt thai kỳ nằm trong khoảng 8 đến 12kg. Nhưng đó là điều kiện lý tưởng, trong thực tế, với tâm lý phải ăn cho 2 người, nhiều mẹ bầu đã “xuất sắc” tăng vọt đến 20 – 30kg. Việc tăng cân quá nhiều và quá nhanh đã tạo sức ép không nhỏ cho làn da của bạn. Như vậy, không chỉ có cân nặng mà cả tốc độ tăng cân cũng chịu trách nhiệm cho những vết rạn da của mẹ bầu.
Gìn giữ làn da
Thật không may, chưa có biện pháp trị rạn da nào thực sự phát huy hiệu quả, kể cả những loại kem đặc trị, dưỡng ẩm. Nhưng dù sao, để không cảm thấy quá bi quan trong lúc mang thai và sau khi sinh, bạn nên giữ mức tăng cân hợp lý. Đồng thời, việc đảm bảo uống đủ nước cũng giúp cho làn da được tăng cường độ ẩm, săn chắc và mạnh khỏe hơn.
Trong lúc này, bạn cũng có thể tìm hiểu thêm về những kinh nghiệm phòng và giảm rạn da. Các chất dưỡng ẩm thiên nhiên như dầu dừa, dầu hạnh nhân, bơ cocoa, kem mỡ cừu cũng giúp da không bị khô và trở nên mịn màng. Nếu bạn bắt đầu nhận thấy dấu hiệu ngứa, đã đến lúc tăng cường việc dưỡng ẩm cho da. Chế độ dinh dưỡng với nhiều rau quả, các chất béo có lợi cũng giúp củng cố vẻ đẹp cho làn da.
Một lưu ý khác giúp hạn chế tình trạng này: nếu muốn giảm cân sau khi sinh, tốt nhất bạn nên thực hiện việc này một cách từ từ thôi. Giảm cân quá nhanh cũng khiến tình trạng rạn da trở nên nghiêm trọng hơn.
Rạn da tồn tại lâu dài nhưng không gây nguy hiểm cho sức khỏe. Tất cả chỉ trở thành vấn đề lớn khi bạn quá chú tâm đến nó. Liệu những vết rạn này có quan trọng bằng những niềm vui và cuộc sống đầy ý nghĩa mà con cái mang lại cho bạn không?
MarryBaby
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.