Sơn móng tay cho trẻ: làm điệu hay làm hại con?
Nhiều người mẹ thích dùng nước sơn móng tay để giúp trẻ trang trí cho 10 ngón bé xinh. Một số gia đình có cặp sinh đôi, sinh ba còn dùng cách này để nhận biết các con. Tuy nhiên, liệu điều này có thực sự tốt cho bé?
Cô công chúa nhỏ thường thích vòi vĩnh, muốn làm điệu như mẹ hoặc các chị. Bé mê mẩn những lọ nước sơn móng tay đầy màu sắc và luôn muốn tô vẽ chúng lên bộ móng của mình.
Và bạn đang rất muốn sơn móng tay cho trẻ? Hãy cân nhắc nhé vì việc này có không ít nguy hại cho sức khỏe của bé đấy!
Giải đáp thắc mắc: Có an toàn khi dùng nước sơn móng tay cho trẻ mới biết đi?
Với trẻ mới biết đi, các bé có thói quen cho ngón tay hoặc ngón chân vào miệng và bạn không thể nào kiểm soát hoàn toàn hành động này. Bạn có biết nước sơn móng thường chứa hóa chất? Điều này có thể gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe khi bé ngậm những ngón tay xinh.
Dù chưa có bất kỳ bằng chứng nào về mối liên hệ giữa việc dùng nước sơn móng tay với bệnh ung thư, bệnh hô hấp hay các vấn đề sức khỏe khác. Song chúng ta cũng không chắc chắn loại sơn làm đẹp này hoàn toàn vô hại với con trẻ.
Do đó, tốt nhất mẹ không nên cho bé sử dụng nhé!
Nước sơn móng tay có thể chứa chất độc gây hại cho trẻ
Trên mạng xã hội, nhiều người đang rao bán nước sơn móng tay dành riêng cho trẻ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia hóa chất, bất cứ loại sơn nào cũng có thể tiềm ẩn một số hóa chất nguy hiểm như:
1. Toluen
Toluen là chất thường có mặt trong các sản phẩm như nước hoa nhân tạo, dung dịch làm sạch và các sản phẩm gia dụng khác. Trong sơn móng tay, toluen vừa là dung môi, vừa là chất ổn định.
Việc tiếp xúc nhiều với toluen, nhất là việc hít vào, có thể dẫn đến một số vấn đề về thần kinh hoặc hô hấp. Chưa kể nếu cơ thể dị ứng với chất này, trẻ sẽ bị kích ứng da hoặc đau đầu, chóng mặt.
Ngoài ra, toluen còn có thể gây hại cho trẻ sơ sinh và liên quan đến một số dị tật bẩm sinh.
2. Dibutyl Phthalate (DBP)
DBP là hợp chất trong suốt, gần như không mùi. Chúng có mặt trong nước sơn móng tay để làm chất nhũ hóa. DBP giúp sản phẩm không bị vón cục cũng như biến dạng.
Chất này còn mệnh danh là “độc tố sinh sản”. Chúng liên quan đến dị tật bẩm sinh và các vấn đề về tăng trưởng khác trên động vật.
Cũng vì nguyên nhân này mà DBP bị cấm ở châu Âu và nhiều quốc gia khác. Đồ chơi cho trẻ cũng không được phép chứa hóa chất DBP. Trong khi nhiều thương hiệu nổi tiếng và uy tín đưa ra cam kết không sử dụng DBP trong sản phẩm thì người tiêu dùng vẫn nghi ngờ một số thương hiệu mỹ phẩm giá rẻ có thể dùng chất này.
3. Formaldehyd
Formaldehyd là chất bảo quản, có mặt nhiều trong sản xuất công nghiệp. Hiện diện ở nước sơn móng tay, chất này giúp làm cứng để móng không bị xước.
Cũng như hai chất trên, formaldehyd được liệt vào chất có khả năng gây ung thư ở người. Hơn nữa, chất này có thể gây kích ứng mắt và đường hô hấp nếu hít phải.
Khi sơn móng tay, bé có thể hít formaldehyd trong suốt quá trình từ lúc sơn cho đến khi nước sơn khô.
Đó là 3 độc tố chính thường có mặt trong một số loại sơn móng tay. Ngoài ra còn hai chất khác mà bạn cũng cần quan tâm đó là:
4. Nhựa formaldehyd
Cũng giống như formaldehyd, nhựa formaldehyd giữ vai trò làm khô và cứng móng tay. Chúng còn có nguy cơ gây ung thư rất cao cho người tiếp xúc nhiều.
5. Long não
Hóa chất long não giữ cho sơn móng tay bám lâu hơn, không bị bong tróc. Nếu sử dụng không khéo, long não có thể ảnh hưởng đến thần kinh, gây mất phương hướng và co giật.
Nếu bạn không cẩn thận, một vết xước nhỏ trên tay cũng là “cửa ngõ” khiến hóa chất trong sơn đi vào máu, dễ dẫn đến nhiễm trùng, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của bé.
Tác hại tâm lý nếu bé dùng nước sơn móng tay
Không chỉ có hại thể chất, việc dùng nước sơn móng tay cho bé cũng gây ra những tác hại tâm lý khó kiểm soát.
Theo các chuyên gia tâm lý, việc cho con tiếp cận sớm với chuyện làm đẹp như sơn móng, cho các bé đi spa sẽ khiến trẻ có xu hướng học đòi. Đến lúc trưởng thành, trẻ sẽ bộc lộ tính cách thích chưng diện, hưởng thụ.
Mặt khác, việc cho con làm đẹp quá sớm cũng khiến trẻ hình thành suy nghĩ “bản thân mình sinh ra vốn không đủ tốt”. Từ đó, trẻ tự ti, mặc cảm hơn nếu không trang điểm, chưng diện.
Những điều nên và không nên làm khi sơn móng tay cho trẻ
Không ai cấm việc bạn sơn móng tay cho con, nếu bạn vẫn muốn làm đẹp cho trẻ theo cách này thì nên chú ý những điểm sau:
1. Những điều nên làm
- Hãy thử sơn giả bằng cách chọn các loại màu nước hữu cơ trong trường hợp trẻ cứ khăng khăng muốn mẹ sơn cho bằng được.
- Chọn nước sơn móng tay có màu nhạt hoặc trong suốt.
- Nếu có thể, chỉ nên sơn móng chân vì sơn móng tay trẻ có thể cho tay vào miệng của mình, như thế không an toàn.
- Nên chọn địa điểm sơn móng là ở ngoài trời. Không gian thoáng đãng khiến các hóa chất dễ phát tán mùi vào không khí, không tồn tại đủ lâu.
- Mặc quần áo tối màu khi sơn để tránh việc trẻ có thể làm dây nước sơn ra trang phục của mình.
- Trong quá trình sơn, bạn giữ cho trẻ ngồi yên một vị trí.
2. Những điều không nên làm
- Không nên để nước sơn móng tay trong tầm với của bé.
- Không để trẻ biết vị trí mà bạn cất giữ nước sơn.
- Tuyệt đối không sơn toàn bộ móng, sơn thật khéo để nước sơn móng tay không bám vào da tay của trẻ.
Đôi khi làm đẹp hay dùng nước sơn móng tay cho con không hẳn là việc xấu. Song điều quan trọng là bạn nên hiểu được những nguy hại tiềm ẩn để có cách nuôi dạy con tốt hơn.
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.