Tập nết ăn uống cho bé từ nhỏ
Trẻ nhỏ và việc ăn uống đúng phép tắc dường như khó đi liền với nhau. Cái cảnh ném đồ ăn vung vãi, mải mê xem ti vi, chê món này đổi món kia, ngậm cơm, bốc ăn, phun đồ ăn thức uống… không còn lạ lẫm gì đối với những gia đình có trẻ nhỏ. Để khắc phục tình trạng này, MarryBaby xin được gửi tới các mẹ một số lời khuyên dưới đây.
Kiên trì hướng dẫn trẻ sử dụng dụng cụ ăn
Từ 2 tuổi có thể tập cho trẻ một tay cầm chén, tay cầm muỗng tự xúc cơm ăn. Khi 3 tuổi có thể cho trẻ tập ăn cơm bằng đũa. Cha mẹ nên kiên trì hướng dẫn quy cách cầm chén, đũa, muỗng, gắp đồ ăn, xúc cơm như thế nào để không làm rơi vãi. Thời gian đầu, trẻ còn vụng về nhưng sau một thời gian, chắc chắn công sức của mẹ sẽ không vô ích đâu nhé – bé sẽ thuần thục sử dụng dụng cụ ăn và ăn uống rất gọn gàng.
Luôn nhắc nhở
Mẹ nhắc trước con quên sau, đó là chuyện thường tình. Trẻ cần có thời gian thích nghi với những nguyên tắc, vì vậy rất cần mẹ dõi theo nhắc nhỏ thường xuyên. Chẳng hạn con có thói quen bốc đồ ăn. Mẹ nên nhẹ nhàng giải thích cho bé hiểu vì sao chúng ta không nên dùng tay để bốc đồ ăn. Sẽ mất vệ sinh như thế nào? Lần đầu nhắc, hôm sau con vẫn tái phạm, mẹ vẫn kiên trì với lần thứ 2, thứ 3… Phải kiên quyết giúp con đoạn tuyệt với những thói quen xấu trong ăn uống.
Khi cả gia đình đến nhà ông bà ăn tối hay bạn đưa con đi ăn cùng bạn bè trong nhà hàng, hãy nhắc nhở con nhớ quy tắc ăn uống. Hãy để bé hiểu, khi đến ăn nhà hàng, nói nhẹ nhàng, không la hét, tự ăn phần của mình. Đó là biểu hiện của một đứa trẻ ngoan.
Thực hiện thói quen ăn uống tốt
Đối với những trẻ biếng ăn, đa số chúng ta dẫn trẻ đi lòng vòng hoặc mở ti vi, bày đồ chơi thu hút sự chú ý của trẻ, dễ dàng dụ cho bé ăn hơn. Tuy nhiên, đây là những thói quen không tốt. Khi bé không tập trung vào việc ăn, bao tử rất khó khăn trong quá trình tiêu hóa. Đó là chưa kể tới vi khuẩn từ đồ chơi có thể “ghé thăm” bé rất dễ dàng.
Hãy sắm cho bé bộ dụng cụ ăn thật ngộ nghĩnh, đáng yêu để con thích thú mỗi khi ngồi vào bàn ăn, được cầm chiếc muỗng, đôi đũa, cái chén… mà mình yêu thích. Chắc chắn những nguyên tắc mẹ đề ra, bé sẽ chẳng khó khăn mà thực hiện đâu mẹ!
Giờ giấc ăn uống nên quy định cụ thể, khoa học. Đúng giờ, mọi người gác lại công việc còn dở dang, bé cũng thu dọn đồ chơi, tắt ti vi và ngồi vào bàn ăn.
Trên bàn ăn, nên đặt thức ăn gần tầm tay bé. Đừng quên nhắc: “Nếu con không với tới nơi hãy nhờ bố mẹ giúp nhé. Bằng việc này, mẹ đã khắc phục được nết chồm dậy gắp đồ ăn ở bé”.
Học cách không phàn nàn
Điều mà trẻ ở độ tuổi đi học hay mắc phải là phàn nàn về thức ăn. Món này dở quá! Con không thích uống nước cam! Sao mẹ toàn nấu những món mà con không thích vậy?… trẻ có phản ứng như vậy dễ làm làm mẹ bực mình.
Các chuyên gia khuyên, bố mẹ có thể nói “Được thôi, vậy con hãy bắt đầu tự nấu. Nhưng cần đảm bảo là đồ ăn của con phải tốt cho sức khỏe và nấu xong phải dọn sạch bếp”. Với cách này trẻ hiểu rằng, hoặc bé sẽ thưởng thức món ăn mẹ nấu mà không phàn nàn hoặc con sẽ chăm chỉ nấu nướng dọn dẹp và trở thành đầu bếp của gia đình (Tất nhiên, mẹ cũng nên nâng cấp tay nghề bếp núc của mình).
Cha mẹ làm gương
Ai cũng biết trẻ rất hay bắt chước người lớn. Cha mẹ hãy tận dụng lợi thế này tập nết ăn uống cho bé. Nếu cha mẹ luôn thể hiện sự lịch sự khi ăn uống, trẻ cũng sẽ học được điều đó.
Mặt khác, người lớn hãy khen ngợi khi con ăn ngoan. Từ sự khích lệ đó, bé sẽ nỗ lực ăn ngoan hơn nữa để chứng tỏ bản thân và làm vui lòng bố mẹ. Như vậy bé dần hình thành nết ăn uống tốt mà cha mẹ không cần phải dùng tới sự la mắng, những biện pháp mạnh.
Nguyễn Dinh
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.