Tháng thứ 3 rồi mẹ bầu ơi!
"Mẹ và con, tuy hai mà một", thời điểm mang thai tháng thứ 3, bà bầu đã quen với lý thuyết quan trọng này. Từ ăn, uống đến ngủ, nghỉ, tất cả đều hướng về một mục tiêu chung: Duy trì thai kỳ khỏe mạnh để an tâm đón bé yêu chào đời. Dù chỉ chút lơ là thôi, sẽ ảnh hưởng không tốt cho cả mẹ lẫn bé. Cẩn thận nhé mẹ bầu!
1/ Sự phát triển của thai kỳ tháng thứ 3
Tuần 9: Mặc dù chỉ lớn bằng một trái quất , khoảng hơn 2,5cm một chút từ chóp đầu đến mông và nặng chưa đến 7g, bé hiện đã hoàn thành phần quan trọng nhất trong sự phát triển của mình. Đây là khởi đầu của giai đoạn bào thai, khi các mô và cơ quan trong cơ thể của bé phát triển và trưởng thành nhanh chóng.
Tuần 10: Vào tuần thai thứ 10, bé dài khoảng 4cm và đã phát triển gần đầy đủ. Tay bé sẽ sớm xòe ra và nắm lại thành nắm đấm, những chồi răng nhỏ đang bắt đầu xuất hiện dưới nướu và một số xương của bé đang bắt đầu cứng lại.
Tuần 11: Trong tuần thai thứ 11 này, bé bắt đầu phát triển khả năng phản xạ. Những ngón tay của bé có thể xòe ra và nắm lại, ngón chân co lại, cơ mắt nhắm chặt, miệng của bé sẽ làm những động tác như đang mút. Nếu bạn chèn ép bụng mình, bé sẽ vặn mình để phản ứng lại dù bạn không cảm nhận được. Ruột của bé phát triển rất nhanh, lồi ra ở phần rốn, bây giờ sẽ bắt đầu được sắp xếp vào trong khoang bụng của bé. Thận cũng bắt đầu bài tiết nước tiểu vào bàng quang của bé.
Tuần 12: Ngón tay nhỏ xíu của bé đã hình thành các dấu vân tay, tĩnh mạch và các cơ quan nội tạng hiện rõ qua làn da mỏng manh, cơ thể bắt đầu phát triển kích thước tương ứng so với phần đầu, hiện tại đầu chỉ chiếm một phần ba kích thước cơ thể của bé. Nếu là một bé gái, bây giờ đã có hơn 2 triệu quả trứng trong buồng trứng của bé. Bé dài khoảng 7,6cm và nặng gần 28g.
2/ Dinh dưỡng khi mang thai tháng thứ 3
Tiếp tục bổ sung thêm các dưỡng chất cho cơ thể, đặc biệt là axit folic, chất không thể thiếu trong suốt 3 tháng đầu thai kỳ của bạn. Mỗi ngày bổ sung khoảng 400 microgram axit folic (vitamin B9) để giúp ngăn ngừa các nguy cơ dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Tùy tình trạng sức khỏe của bạn, bác sĩ có thể kê toa uống viên thuốc bổ sung hoặc bổ sung trực tiếp thông qua các thực phẩm hàng ngày. Sắt, đạm, canxi, vitamin D, C cũng là những dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển bình thường của bé cưng. Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý bổ sung thêm các thực phẩm giàu chất xơ và ít nhất 2 lít nước mỗi ngày nhé!
Bổ sung axit folic cho bà bầu: Bao nhiêu là đủ?
Bác sĩ thường khuyên các mẹ bầu bổ sung axit folic trong quá trình mang thai vì axit folic giúp giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh liên quan đến não và tủy sống của thai nhi. Thế nhưng mẹ đã biết nên bổ sung lượng axit folic bao nhiêu thì đủ cho sự phát triển của bé?
3/ Luyện tập khi mang thai tháng thứ 3
Các bài tập Zumba là một gợi ý tốt. Giai điệu sôi nổi và nhịp điệu của các môn thể dục kết hợp âm nhạc là một cách giúp giải tỏa stress. Ở giai đoạn này, bạn nên chú ý đến sự cân bằng của mình.
Thể dục kết hợp âm nhạc rất thích hợp cho mẹ bầu ở tháng thứ 3
Lưu ý chung khi luyện tập thể dục trong tam cá nguyệt thứ nhất là đừng để cơ thể bạn bị đốt nóng quá mức. Chú ý này cần được duy trì trong suốt 3 tháng đầu tiên, khi bé phát triển các cấu trúc chính của cơ thể. Nếu trời quá nóng, bạn nên di chuyển vị trí tập thể dục vào trong nhà.
4/ Làm đẹp khi mang thai tháng thứ 3
Bạn không thể nhích vừa đống quần áo cũ, nhưng lại thấy mình quá nhỏ bé với đồ bầu? Nếu chưa sở hữu quần legging cho mẹ bầu hay những chiếc áo free size, bạn nên sắm ngay. Còn nếu không, bạn vẫn có thể dùng quần áo cũ của mình thêm vài tuần nữa với mẹo sau: Nới lỏng kéo khóa khi mặc váy; khóa quần bằng dây chun hoặc sợi vải mảnh. Đừng quên mặc áo đủ dài để che đi những mẹo cứu cánh tạm thời này nhé.
Ngoài ra, vào thời điểm này, bà bầu nên bắt đầu quan tâm đến sản phẩm chống rạn da. 90% mẹ bầu đều bị rạn da không ít thì nhiều trong thời gian mang thai. Vì vậy, không cần biết bạn có may mắn nằm trong 10% còn lại hay không, cứ phòng ngừa trước đã. Mẹo: Chọn sản phẩm chống rạn da chứa bơ ca cao, dầu dừa và giàu ẩm; ăn thực phẩm nhiều vitamin C; kiểm soát cân nặng.
5/ Lưu ý khi mang thai tháng thứ 3
– Lời khuyên của mẹ có kinh nghiệm: “Nếu đi khám bác sĩ, bạn nên đặt lịch hẹn trước và đến phòng khám lấy số trước từ sáng. Làm như thế bạn sẽ không phải mất thời gian chờ đợi lâu”.
– Chia sẻ quan điểm làm cha mẹ với bạn đời. Thử bắt đầu cuộc trò chuyện bằng cách cả hai viết ra danh sách những điều mẹ của bạn luôn làm hoặc không bao giờ làm. Tương tự với bố. Sau đó cả hai có thể cùng xem và quyết định sẽ giữ lại hành động nào và thay đổi gì trong cách nuôi dạy con trẻ.
>>> Các thảo luận có cùng chủ đề
- Có cần uống thêm viên sắt axit folic?
- Làm cách nào để ngừa rạn da
MarryBaby
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.