Top 10 thực phẩm tốt nhất cho mẹ bầu
Ăn cho cả hai luôn là nguyên tắc đơn giản nhất mà mẹ bầu nào cũng thực hiện để đảm bảo sự khỏe mạnh của thai nhi. Tuy nhiên, bà bầu có biết trong tam cá nguyệt đầu tiên bạn có thể ăn như bình thường mà không cần tăng số lượng calorie? Thay vào đó, bà bầu nên nạp thêm 340 calorie/ngày vào 3 tháng giữa và 450 calorie/ngày ở tam cá nguyệt thứ 3.
Lựa chọn nên và không nên ăn gì luôn làm bà bầu băn khoăn, lo lắng
Dinh dưỡng khi mang thai không thể thiếu sự hiện diện của các chất như sắt, canxi, protein, vitamin A, B, C và folate, magie, selen, kẽm. Tất cả các dưỡng chất này tìm thấy chủ yếu trong các thực phẩm tươi sống. Vì vậy, bà bầu không nên chỉ ỷ y vào vitamin và thuốc bổ thai kỳ.
Theo một cuộc khảo sát của MarryBaby, 40% mẹ bầu thèm ăn đồ ngọt, trong khi đó 33% khác lại thích ăn mặn khi mang thai. 17% mẹ khác lại không thể kiềm chế trước món ăn nhiều gia vị, 10% còn lại thèm ăn chua nhất là xoài, cam, quýt…
Sushi, các loại thịt sống, trứng sống là những thực phẩm không tốt cho bà bầu, đặc biệt nên kiêng kỵ trong suốt cả 40 tuần thai. Nguy cơ ngộ độc thực phẩm dẫn đến sảy thai, sinh non hay khuyết tật bẩm sinh cho thai nhi là rất cao nếu mẹ bầu sơ sót trong vấn đề ăn uống.
Trên đây chỉ là những điều rất chung chung về dinh dưỡng khi mang thai, vậy cụ thể đâu là những thực phẩm tốt cho bà bầu, hay nói cách khác bà bầu nên ăn gì trong 3 tháng đầu, , 3 tháng giữa và 3 tháng cuối? Dưới đây là 10 thực phẩm bà bầu nên ăn trong suốt thai kỳ để bổ sung dưỡng chất cần thiết cho thai nhi phát triển toàn diện.
1/ Bà bầu nên ăn gì trong 3 tháng đầu?
-Chuối: Ăn chuối trong những tuần đầu của thai kỳ có thể giúp mẹ bầu giảm bớt sự khó chịu của những cơn ốm nghén, buồn nôn gây ra bởi hormone nội tiết tố. Chuối còn là một nguồn tuyệt vời của vitamin B6, chất xơ, vitamin C và potassium.
-Rau bina: Các loại rau lá xanh đậm cực kỳ giàu folate, rất cần thiết trong tam cá nguyệt đầu tiên để ngăn ngừa khuyết tận ống thần kinh, dị tật bẩm sinh của não và tủy sống ở thai nhi. Rau bina còn là nguồn chất xơ dồi dào, chứa nhiều mangan, sắt, vitamin A, C và K.
-Các loại đậu: Đậu là nguồn tuyệt vời của chất xơ và protein. Ăn đậu giúp bà bầu tránh nguy cơ bị táo bón khi mang thai. Gần 40% phụ nữ đều phải đối diện với chứng táo bón trong thai kỳ ở bất cứ tam cá nguyệt nào. Hormone progesterone làm chậm quá trình tiêu hóa, gây áp lực lên tử cung và là nguyên nhân dẫn đến chứng táo bón cho bà bầu. Đậu còn chứa rất nhiều folate và sắt.
-Ớt chuông đỏ: Vitamin C chịu trách nhiệm cho sự tăng trưởng và phát triển các mô trong cơ thể, đặc biệt rất cần thiết cho phụ nữ trong thời gian mang thai. Ớt chuông đỏ chứa gấp đôi lượng vitamin C so với ớt xanh. Một trái ớt chuông đỏ lớn chứa khoảng 209mg vitamin C. Vitamin này giúp mẹ bầu hấp thụ chất sắt nhanh hơn, vì vậy đừng quên thêm ớt chuông đổ vào salad hay các món xào mẹ nhé!
2/ Bà bầu nên ăn gì trong 3 tháng giữa?
-Trứng: Lòng đỏ trứng chứa choline, dưỡng chất thiết yếu trong việc hình thành và phát triển trí não trẻ, đương nhiên cũng hỗ trợ rất lớn cho não bộ của mẹ bầu trong thai kỳ. Bà bầu nên nạp khoảng 450mg choline mỗi ngày. Nếu bạn ăn chay hoặc bị nghén trứng, có thể bổ sung thay thể từ thịt bò, sữa đậu nành và các loại đậu.
-Bơ: Loại trái cây này là sự bùng nổ tuyệt vời của rất nhiều các chất dinh dưỡng, từ chất xơ, vitamin K, folate, vitamin C, kali và vitamin B6. Ngoài ra, bơ còn chứa nhiều chất béo omgega-3, chất béo lành mạnh cực tốt cho hệ tim mạch. Trái bơ còn được biết đến là loại trái cây giúp giảm nghén và đặc biệt cần thiết cho não bộ của thai nhi.
-Sữa chua Hy Lạp: Vì cung cấp nhiều protein hơn các loại sữa chua thường, vì vậy sữa chua Hy Lạp hẳn nhiên được liệt vào danh sách top thực phẩm tốt cho bà bầu. Sữa chua không béo có khoảng 6-8gr protein/khẩu phần, trong khi sữa chua Hy Lạp là 15-18gr. Đây cũng nguồn canxi rất dồi dào cho mẹ bầu. Không khó để bạn tìm thấy công thức làm sữa chua Hy Lạp trên internet đâu, rất đơn giản và dễ làm đấy!
3/ Bà bầu nên ăn gì vào 3 tháng cuối
-Đu đủ: Loại trái cây nhiệt đới này có đầy đủ vitamin C, folate, chất xơ và kali. Đu đủ còn là thực phẩm giúp giảm chứng ợ nóng khi mang thai hiệu quả, đặc biệt trong tam cá nguyệt thứ 3. Tuy nhiên, bà bầu chỉ nên ăn đu đủ chín, vì đu đủ xanh chứa pepsin trong mủ có thể gây ra những cơn co thắt và dẫn đến sảy thai hoặc sinh non.
-Các loại hạt: Nhiều sự khó chịu đổ dồn lên bà bầu trong tam cá nguyệt thứ 3. Lúc này, các loại hạt chính là nguồn thực phẩm lý tưởng giúp mẹ bầu giảm bớt những cơn đau nhức, mệt mỏi này. Giàu protein và các chất béo lành mạnh, hạt hạnh nhân, óc chó, hạt điều là lựa chọn tuyệt vời cho các bữa ăn nhẹ trong ngày.
Các loại hạt tốt cho bà bầu và thai nhi
Mẹ bầu cẩn thận thường ngại ăn các loại hạt, đơn cử là đậu phộng, vì sợ cơ thể khi mang thai có thể bị dị ứng gây ảnh hưởng đến thai nhi. Tuy nhiên, thực tế, các nhà nghiên cứu khẳng định rằng ăn các loại hạt khi mang thai còn giảm nguy cơ bị dị ứng sau này cho bé cưng.
-Cá béo: Bạn có thể ăn khoảng 300gr cá/tuần để đảm bảo không bị ảnh hưởng tiêu cực từ thủy ngân có trong cá. Cá da trơn, cá béo như cá hồi giàu omega-3 rất tốt cho hệ tim mạch và sự phát triển của não bộ cho lẫn mẹ bầu và thai nhi.
MarryBaby
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.