Trẻ mẫu giáo: Những kỹ năng cơ bản cần có (p.1)
Vì chưa đến tuổi đi học chính thức nên hầu hết trẻ được học hỏi dần dần qua các hoạt động chơi đùa, nghệ thuật và kể chuyện. Trẻ có thể vừa học vừa chơi ở nhà, tại trường mẫu giáo hoặc nhà trẻ với những bé khác.
Vai trò của bạn sẽ thay đổi đáng kể khi trẻ bước vào tuổi mẫu giáo. Lúc này con bạn đang háo hức khám phá thế giới và bạn chính là người “hướng đạo” tin cậy của bé.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của bạn trong giai đoạn này là giúp trẻ nắm bắt cảm xúc và phát triển các kỹ năng xã hội. Những kỹ năng này giúp trẻ đối mặt với các thay đổi về cảm xúc, kiên trì trước thất bại, luôn hy vọng, chế ngự cơn bốc đồng, biết trắc ẩn và thông cảm. Đây là những nguyên liệu rất quan trọng cho thành công trong cuộc sống.
Nuôi dưỡng lòng tự trọng
Sự tự trọng giúp trẻ có cái nhìn chủ động về bản thân và những khả năng của mình. Trẻ có lòng tự trọng tốt sẽ cảm thấy được cha mẹ thấu hiểu và có thể tự điều chỉnh cuộc sống ở một mức độ nào đó.
Lòng tự trọng ảnh hưởng đến cách tiến hành công việc, học tập và đối mặt trước những thất vọng cũng như những vấn đề khác trong cuộc sống, giúp trẻ hiểu và chấp nhận thất bại mà không để lại những cảm xúc tiêu cực lâu dài.
Một số cách giúp trẻ phát triển lòng tự trọng
– Dạy trẻ nhận biết chúng là ai bằng cách giải thích mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và kể cho trẻ nghe bạn đã làm gì khi còn nhỏ. Bạn cũng nên khuyến khích trẻ tham gia vào các sự kiện chung của gia đình.
– Cho trẻ xem album ảnh và những kỷ vật của gia đình giúp trẻ có khái niệm về nguồn gốc của bản thân.
– Giúp trẻ lưu giữ những bức vẽ, bài viết và hình ảnh mang đậm cá tính của trẻ.
Bạn có thể tận dụng những bức ảnh của con như đồ trang trí trong nhà.
– Khuyến khích trẻ chơi đùa với bạn cùng tuổi, tránh để trẻ bị những bé lớn hơn lấn lướt.
Ngay cả khi có thể giúp đỡ, bạn vẫn nên khuyến khích trẻ tự xử lý vấn đề và đưa ra quyết định của bản thân mình.
>>> Xem thêm: Dạy con ngoan: Bạn chọn khen ngợi hay động viên?
– Khi trẻ học một kỹ năng mới, bạn nên cho trẻ thực hành nhiều lần trước khi bắt đầu tập thứ khác khó hơn. Sự lặp lại một cách thuần thục giúp trẻ tự tin và hiểu ra việc gì cũng chỉ khó khăn vào lúc ban đầu mà thôi.
– Bạn nên khen ngợi những khi mà trẻ làm một việc gì khiến bạn hài lòng. Trẻ sẽ có động lực để tiến bộ hơn khi bạn nói “Cảm ơn con”, “Con làm tốt lắm” hay “Việc làm của con thật có ích”… Khen bé một cách chân thành, đừng giả vờ vì bé có thể nhận ra qua thái độ của bạn đấy.
– Hành động có giá trị hơn lời nói. Lắng nghe và dành thời gian cho trẻ ngay cả khi bạn bận rộn. Bạn có thể để bé giúp bạn làm những công việc nhà, cùng con tham gia những sự kiện trong trường mẫu giáo hoặc trưng bày các bức vẽ của con trong nhà.
– Lòng tự trọng của trẻ rất dễ bị phá hủy bởi những lời chê bai. Bạn nên tránh bằng mọi giá những câu nói khiến trẻ cảm thấy xấu hổ và bị chế nhạo như “Con chỉ làm mẹ mệt mỏi thôi”, “Con thật ngớ ngẩn, ngốc nghếch” hay tệ hơn là “Nếu không có con, mẹ đã không phải làm việc nhiều thế này và có thể đi nghỉ dưỡng rồi”.
>>> Xem thêm: 10 điều ba mẹ không nên nói với con
– Giúp trẻ hiểu rằng mọi người đều có sai sót, những lỗi lầm đó giúp chúng ta học hỏi và tiến bộ hơn. Quan trọng là khi mắc một lỗi nào đó, trẻ không tự ti vì nghĩ mình là người kém năng lực.
– Khuyến khích trẻ suy nghĩ lạc quan về bản thân và tương lai. Các nhà tâm lý học đã chỉ ra rằng sự bi quan sẽ dẫn đến những vấn đề về lo âu và trầm cảm. Bạn cần động viên trẻ với những câu nói như “Hôm nay nhóm mình không thắng cũng không sao cả đâu con”, “Con sẽ xử lý được chuyện này thôi, chỉ cần cố gắng thêm chút nữa” hay “Giúp đỡ người khác sẽ khiến con cảm thấy dễ chịu, ngay cả khi họ không cảm ơn con”…
MarryBaby
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.