Mang thai tuổi 35: Nhận diện những nguy cơ

Share this Post:
Thai giáo

Theo thống kê, hơn 10% trẻ sinh ra mỗi năm có mẹ từ 35 tuổi trở lên. Tuy nhiên, theo những nghiên cứu gần đây, phụ nữ có tuổi khi mang thai phải đối mặt với một số rủi ro đặc biệt. Những thông tin và lưu ý sau về những rủi ro khi mang thai ở độ tuổi từ 35 trở lên sẽ giúp bạn có một thai kỳ khỏe mạnh và “mẹ tròn con vuông”.

Những rủi ro có thể xảy ra đối với thai phụ

Mất nhiều thời gian hơn để có thai. Phụ nữ khi sinh ra chỉ có một số lượng trứng giới hạn. Từ độ tuổi 30, phụ nữ có thể suy giảm chất lượng và ít rụng trứng hơn dù vẫn có nguyệt san đều đặn. Chưa kể, khi đã có tuổi, trứng cũng không dễ thụ tinh như khi bạn còn trẻ. Tuy vậy, điều này không có nghĩa là bạn không thể có thai, chỉ đơn giản là sẽ mất nhiều thời gian hơn mà thôi. Nếu bạn trên 35 tuổi mà vẫn chưa thấy “tin vui” trong vòng sáu tháng, bạn nên đi khám để kiểm tra và được tư vấn.

Dễ có đa thai. Cơ hội sinh đôi tăng tỷ lệ thuận với độ tuổi. Việc sử dụng các công nghệ hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm cũng là một nguyên nhân. Các thủ thuật này thường tăng cường sự rụng trứng nên dễ dẫn đến kết quả sinh đôi, thậm chí sinh ba hay sinh tư.

Dễ bị bệnh tiểu đường. Đây là loại bệnh tiểu đường chỉ xảy ra trong quá trình mang thai và nó phổ biến hơn khi phụ nữ có tuổi. Bạn cần phải kiểm soát chặt chẽ đường máu thông qua khẩu phần ăn, hoạt động thể chất và điều chỉnh lối sống. Tất cả đều đóng vai trò quan trọng. Đôi lúc bạn cũng sẽ cần điều trị bằng thuốc. Nếu không điều trị, bệnh tiểu đường có thể khiến bé phát triển quá lớn, làm tăng nguy cơ chấn thương khi sinh.

Mang thai tuổi 35: Nhận diện những nguy cơ

Mang thai ngoài tuổi 35 dễ kéo theo những nguy cơ cho thai nhi

Dễ bị cao huyết áp khi mang thai. Một số nghiên cứu cho thấy phụ nữ có tuổi dễ bị tình trạng cao huyết áp trong thời kỳ mang thai: trước 20 tuần (tăng huyết áp mãn tính), sau 20 tuần (tăng huyết áp thai kỳ) hoặc sau 20 tuần và đi kèm với protein trong nước tiểu (tiền sản giật). Bác sĩ của bạn sẽ theo dõi huyết áp của bạn cũng như sự tăng trưởng và phát triển của bé. Bạn có thể cần phải dùng thuốc hoặc sinh non để tránh các biến chứng.

Có thể phải sinh mổ. Các bà mẹ lớn tuổi có nguy cơ cao gặp biến chứng liên quan đến thai kỳ dẫn đến phải sinh mổ. Một trong những biến chứng đó là nhau tiền đạo – một điều kiện mà nhau thai chặn cổ tử cung. Các vấn đề về sinh sản có xu hướng phổ biến hơn ở những bà mẹ sinh con đầu lòng ở tuổi 35 trở lên.

Nguy cơ bất thường nhiễm sắc thể cao hơn. Trẻ sinh ra từ những bà mẹ lớn tuổi có nguy cơ cao hơn các vấn đề về nhiễm sắc thể nhất định, như hội chứng Down (trẻ sinh ra bị thiểu năng).

Nguy cơ sẩy thai cao hơn. Nguy cơ sẩy thai cũng tăng lên khi bạn lớn tuổi hơn, có lẽ là do bất thường nhiễm sắc thể cao hơn.

Hướng tới tương lai

Mặc dù việc mang thai trễ có thể khiến bạn gặp rủi ro cao hơn về sức khỏe sinh sản, bù lại ở độ tuổi từ 35 trở lên bạn đã trưởng thành hơn, thực tế và toàn tâm toàn ý cho việc mang thai hơn so với người mẹ trẻ. Như thế, nhiều khả năng bạn đã cân nhắc kỹ lưỡng những thay đổi mà bé yêu sẽ mang lại cho cuộc sống của bạn. Nhờ đó, bạn sẽ chuẩn bị tốt hơn để đối mặt với những thử thách và thay đổi phía trước.

Những gì bạn làm lúc này, ngay cả trước khi thụ thai, có thể gây ảnh hưởng đến bé. Hãy nghĩ mang thai như một cơ hội để bạn nuôi dưỡng bé con và chuẩn bị cho những thay đổi thú vị sắp tới.

Linh Lan

Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé

Posted by
  Image
Xin lưu ý:
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.
[comment][/comment]

Related Posts: