Tập cho bé ngủ 6 tháng đầu đời

Giấc ngủ là điều không thể thiếu giúp trẻ phát triển tốt, trong đó ngủ yên giấc và ngủ đủ là 2 yếu tố quan trọng. Thế nhưng nhịp thức ngủ, mức độ ngủ của trẻ vào từng giai đoạn sơ sinh rất khác nhau. Làm thế nào các bố mẹ có thể giúp trẻ sơ sinh ngủ đúng và đủ?

Share this Post:
Nuôi dạy con

Tập cho bé ngủ 6 tháng đầu đời

1. Trẻ sơ sinh (0 – 6 tuần tuổi)
Trẻ lúc này bú rất ít, hơi tụt cân. Trẻ chưa có nhịp ngày đêm, hay đồng hồ sinh học. Trong tuần đầu, trẻ ngủ nhiều, từ 16-18 giờ nhưng thường ngủ từng giấc ngắn từ 15 phút – 4 giờ/lần. Thời gian này, giấc ngủ của bé chưa vào theo nhịp ngày đêm. Vì thế người mẹ nên tranh thủ nghỉ ngơi hồi phục sức khỏe sau sinh.

Phần lớn trẻ không ngủ một giấc dài ban đêm. Nghiên cứu về trẻ nhỏ ở giai đoạn này của Richard Ferber – bác sĩ nhi khoa tại Mỹ (tác giả quyển sách Solve your child’s sleep problems) đã cho biết rằng: Trẻ chỉ có một giấc ngủ đơn dài nhất khoảng 4 giờ, và ngủ vào bất cứ khi nào. Trẻ sinh non có thể có giấc ngủ dài hơn. Thực tế, ánh sáng và các tác động lúc này như thay đổi cách vuốt ve, cách cho bú, đều không ảnh hưởng nhiều đến kiểu ngủ. Bé có thể có một vài thay đổi như: lúc sắp ngủ hay vừa ngủ dậy thì bỗng giật mình, mắt lơ mơ nhìn ngược lên khi chuyển từ ngủ nông sang ngủ sâu. Đó là hành vi bình thường trong nhịp thức – ngủ.

Trẻ sẽ ngủ sâu hơn khi được cho bú đủ. Dạ dày trẻ sơ sinh rất nhỏ, nên mỗi lần các mẹ chỉ nên cho bé bú một lượng nhất định và cứ sau vài giờ thì lại cho bé bú. Đa số cữ bú của bé cách nhau 3-4 tiếng. Bé sẽ tự tỉnh giấc và đòi bú mẹ khi bé có nhu cầu cần sữa mẹ. Sau khi no nê bé sẽ ngủ tiếp. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cần nhớ là không để trẻ sơ sinh ngủ liên tục hơn 5 tiếng mà không dậy bú. Trong trường hợp này, người mẹ có thể đánh thức bé dậy, cho bé bú sau đó một lúc đặt bé ngủ lại. Khi bé ngủ, mẹ nên quấn bé trong một chiếc khăn mỏng, giúp bé có cảm giác an toàn và được che chở như khi nằm trong bụng mẹ. Cách này tuy đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cho bé ngủ sâu hơn và không còn giật mình khi ngủ.

Với trẻ từ 0-6 tuần tuổi, số lần ngủ ban ngày nên là 4 – 8 lần, số giờ ngủ là 15 phút – 1 giờ, khoảng cách giữa các lần ngủ là 45 phút – 1 giờ còn thời gian bắt đầu ngủ đêm thông thường là 9:00 – 11:00 giờ tối, số giờ ngủ ban đêm là 8 – 14 giờ. Như vậy, tổng số giờ ngủ trong ngày là 14 – 18 giờ.

Với trẻ từ 6-12 tuần tuổi, số lần ngủ ban ngày nên là 3 – 4 lần, số giờ ngủ là 30 phút – 2 giờ, khoảng cách giữa các lần ngủ là 1 giờ – 1 giờ 45 phút còn thời gian bắt đầu ngủ đêm thông thường là 8:00 – 11:00 giờ tối, số giờ ngủ ban đêm là 8 – 13 giờ. Như vậy, tổng số giờ ngủ trong ngày là 11 – 15 giờ.

Với trẻ từ 3-6 tháng tuổi, số lần ngủ ban ngày nên là 3 lần, số giờ ngủ là 1 – 2 giờ, khoảng cách giữa các lần ngủ là 2 giờ còn thời gian bắt đầu ngủ đêm thông thường là 8:00 – 10:00 giờ tối, số giờ ngủ ban đêm là 8 – 13 giờ. Như vậy, tổng số giờ ngủ trong ngày là 12 – 14 giờ.

Nguồn: Solve Your Child’s Sleep Problems, R. Ferber, M.D. & Healthy Sleep Habits, Happy Child, M. Weissbluth, M.D.

2. Tháng thứ 2 (6 – 12 tuần tuổi)
Khoảng 6 tuần là trẻ biết mỉm cười với cha mẹ, điều đó gọi là mỉm cười giao tiếp. Sự mỉm cười là biểu hiện của phát triển nhận thức xã hội. Song song với sự mỉm cười đó, giấc ngủ của bé được tổ chức lại để cho giấc ngủ dài nhất rơi vào buổi tối, thời lượng ngủ đêm cũng vào khoảng 8-13 giờ.

Lúc này trẻ hiếu động hơn, quan tâm nhiều hơn đến các đồ chơi di động như xe, máy bay, đồ treo nôi, các biểu hiện cảm xúc cũng gia tăng. Tuy nhiên, cha mẹ cũng sẽ cảm thấy nhiều khó hăn hơn vì trẻ ở đỉnh cao của sự cáu gắt, thức tỉnh. Bé thức, không chịu ngủ, thức và quấy khóc ngày càng tệ hơn. Đến cuối ngày, cha mẹ mệt lử vì bé, nhưng không sao cả. Chỉ cần hiểu nguyên nhân sự việc, đó là hệ thần kinh của trẻ chưa trưởng thành, thiếu sự ức chế. Não sẽ phát triển dần, đủ mạnh để ức chế hành động quá mức nhưng cần có thời gian.

Tập cho bé ngủ 6 tháng đầu đời

3. Từ 3-6 tháng tuổi
Ở giai đoạn này, trẻ bắt đầu có vài thay đổi: giữ đầu thẳng được, mỉm cười nhiều hơn, có thể cười to hoặc kêu the thé. Bé ngủ đêm tốt hơn, nhưng ngủ ngày vẫn ngắn và thất thường. Bé nhạy cảm với nhu cầu ngủ, dễ gắt ngủ. Bố mẹ cần phân biệt được khi nào bé khóc, cáu gắt là do mệt mỏi, đòi chơi hay đòi ngủ.

Trẻ đòi chơi

Bé thích chơi với bố mẹ hơn nằm một mình, nên có thể bé quên ngủ để chơi. Hơn nữa, khi chơi với nhiều đồ chơi kích thích, bé thấy như một thế giới mới đầy hấp dẫn mà quên ngủ. Lúc này, trẻ thích nhìn mọi vật xung quanh, nghe tiếng động hoặc lời hát ru nhịp nhàng.

Trẻ mệt mỏi cáu gắt

Phần lớn là do không được ngủ ngày tốt, vì quá nhiều kích thích bất thường ở bên ngoài mà trẻ phải đối phó. Ở lứa tuổi này, muốn ngủ tốt, trẻ phải được đặt ở một nơi tĩnh lặng, hoặc ở một nơi mà sau khi thức (khoảng từ 1giờ – 1 giờ 45 phút) thì trẻ chợp mắt lại được ngay. Giới hạn thức cho phép chỉ 2 giờ vì lúc này não chưa hoàn thiện, nhưng với 2 giờ là bé thấm mệt, vì quá mệt thì dễ rơi vào giấc ngủ. Nếu để quá lâu, bị kích thích nhiều thì bé lại quá tỉnh táo, dễ bị kích động khó ngủ. Muốn duy trì giấc ngủ phải để nhiệt độ phòng vừa đủ, không quá nóng hoặc quá lạnh. Vì vậy bạn hãy chủ động nắm rõ thời gian ngủ cho trẻ. Cứ thức sau gần 2 tiếng thì cho trẻ ngủ lại.

Trẻ đòi ngủ

Tháng thứ 3, trẻ tiếp xúc nhiều với môi trường bên ngoài, có nhiều kích thích ảnh hưởng tới giấc ngủ. Trẻ cũng nhạy cảm hơn với chất lượng giấc ngủ vì nhịp sinh học bắt đầu xuất hiện khi ngủ ngày nên nhiệm vụ của các bố mẹ là phải tạo thói quen trong việc chăm sóc với các nhu cầu sinh học của bé. Khi bé đòi ngủ, hãy đưa bé vào chỗ mát, yên tĩnh, và khi ăn cũng vậy.

Tập cho bé ngủ 6 tháng đầu đời

Hầu hết trẻ 3 tháng tuổi ngủ khoảng 14 giờ mỗi ngày, với hai phần ba số đó vào ban đêm. Nếu có thể, tốt nhất là cho trẻ hoàn toàn ngủ trong nôi. Tuy nhiên, làm như vậy bé của bạn có thể khóc hoặc từ chối ngủ khi đặt mình trong nôi. Các bố mẹ có thể biết giấc ngủ ngày của bé khi nào là tốt nhất dựa trên:
– Hành vi của trẻ
– Thời gian ngủ trong ngày
– Thời gian thức

Qua đó biết được giữa nhu cầu và đòi hỏi của trẻ, và sau khi trẻ ngủ được khoảng 5-10 phút, thậm chí 20 phút thì mẹ có thể rời bé được. Tuy nhiên, không nên có quy định cứng nhắc mà nên tùy tình trạng của bé mà quyết định, vì hệ thần kinh của trẻ lúc này chưa hoàn thiện. Và như vậy là tạo điều kiện để trẻ phát triển khả năng tự ru ngủ của mình. Khi buồn ngủ, mẹ nên giúp bé ngủ, không để bé khóc quá nhiều. Sau đây là phương pháp đơn giản giúp các mẹ cho bé ngủ dễ dàng hơn:

Thực hiện những động tác quen thuộc trước khi cho bé ngủ ngày và tối.
Nhiều bậc cha mẹ cho bé tắm, đọc những câu chuyện hoặc cho bé ăn trước khi đưa bé vào cũi trẻ em. Việc làm cùng một thói quen này mà không có bất kỳ thay đổi là vô cùng quan trọng khi đặt bé vào nôi, giúp bé biết rằng đó là thời gian để đi vào giấc ngủ.

Đặt bé vào nằm cũi khi bé có dấu hiệu buồn ngủ.
Đứng bên cạnh và nhẹ nhàng xoa đầu, vỗ về để bé ngủ thiếp đi. Bạn cũng có thể hát hay nói chuyện dịu dàng với bé. Nếu bé cố gắng cử động, hoặc lăn qua lại, bạn nhẹ nhàng đặt bé nằm ngửa như lúc đầu – đây là tư thế ngủ tốt nhất cho trẻ nhỏ nhằm hạn chế chứng đột tử ở trẻ sơ sinh. Bạn cũng có thể đặt một tấm mền mỏng lên bụng bé. Nếu bé khóc, tránh bế bé ra khỏi cũi trẻ em, vì như thế theo thói quen sẽ làm bé nhanh chóng quấy khóc để được ra khỏi nôi. Chỉ đơn giản là tiếp tục xoa đầu bé và nói chuyện với bé cho đến khi dừng khóc và ngủ thiếp đi.

Tập cho bé ngủ 6 tháng đầu đời

Thế giới nội thất trẻ em Nanakids (www.nanakids.vn)

Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé

Posted by
  Image
Xin lưu ý:
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.
[comment][/comment]

Related Posts: