Trình tự phát triển của bé trong năm đầu đời

Chăm sóc trẻ sơ sinh quả thật rất mệt mỏi, nhưng bù lại có rất nhiều điều cho bạn mong đợi. Hãy cùng MarryBaby làm một chuyến du lịch điểm lại những “cái đầu tiên” trong năm đầu đời của con bạn nhé.

Share this Post:
Nuôi dạy con

1. Mỉm cười
Sau những đêm mất ngủ trong hai tháng đầu, hẳn là bạn đã thấy rất nhiều nước mắt của bé. Có thể bạn cũng bắt gặp một nụ cười thoáng qua nhưng đó có khi chỉ là bé ợ hơi chứ không phải là nụ cười mà bạn hằng mong đợi. Thế nên, đây là thời điểm để bạn “nhận thưởng” thật sự đấy. Vì vào khoảng 2 tháng tuổi, bé sẽ bắt đầu biết mỉm cười phản hồi lại với bạn! Tiếng nói của bạn hoặc nhìn thấy khuôn mặt của bạn lúc này thường sẽ là “chất xúc tác” cho nụ cười không thể cưỡng lại từ thiên thần nhỏ của bạn đấy.

Trình tự phát triển của bé trong năm đầu đời

Cười cũng là một cách bé giao tiếp với mẹ

2. Cười thành tiếng
Nếu tiếng khóc thường xuyên của bé luôn khiến lòng bạn “sôi sùng sục” thì hãy ghi khắc điều đó vào lòng. Vì khi bé được 4 tháng tuổi, bạn có thể mong đợi một âm thanh khác. Trên thực tế, đây có thể là điều ngọt ngào nhất mà bạn từng nghe đấy nhé! Đó chính là tiếng cười vui từ thiên thần nhỏ của bạn. Lúc này, thường những khuôn mặt ngớ ngẩn, một cái cù nhẹ và trò ú òa sẽ là chất xúc tác khiến bé ré lên hoặc cười khúc khích.

3. Ngủ nguyên đêm
Không như các cột mốc khác, một giấc ngủ nguyên đêm có lẽ là “cục vàng” mà các bậc cha mẹ trẻ hay những người lần đầu “lên chức” mong chờ nhất. Mặc dù điều này không thực tế và có hại cho sức khỏe khi mong đợi thiên thần mới sinh ngủ ngon nguyên đêm, nhưng các bậc cha mẹ có thể yên tâm vì thời khắc đó rồi cũng sẽ sớm đến. Vào khoảng 4-6 tháng tuổi, hầu hết các bé đều có thể ngủ suốt đêm.

Trình tự phát triển của bé trong năm đầu đời

Thời gian đầu bé sẽ thường xuyên thức giấc khiến mẹ rất “mệt mỏi”

4. Ngồi dậy
Vào khoảng 5 hay 6 tháng tuổi, hầu hết các bé đều có thể ngồi dậy bằng cách bé chống hay tay phía trước hoặc dựa vào gối hay đồ đạc. Thường thì từ 7-9 tháng tuổi, các bé sẽ có thể ngồi vững một mình

5. Bò
Nếu con bạn được 8 tháng tuổi, có thể bạn phải hoãn tập gym ở câu lạc bộ lại đấy. Bạn có biết vì sao không? Vì đây là thời điểm bạn sẽ phải chạy đuổi theo cục cưng của bạn khắp nhà đến mệt xỉu! Khi được 9 tháng tuổi, hầu hết các bé đều bò bằng cả hai tay và chân. Mặc dù vậy, một số bé lại chẳng bao giờ thèm bò mà chỉ thích trốn hoặc leo hơn. Nhưng bạn đừng lo, vì bò không phải là cột mốc quan trọng, và những bé nào thích trốn hoặc leo thì vẫn phát triển đến những cột mốc khác theo “tiến độ”.

6. Vẫy tay
Vẫy “bái bai” không chỉ là một cử chỉ dễ thương mà còn là sự diễn đạt ngôn ngữ. Vào 9 tháng tuổi, hầu hết các bé bắt đầu tạo kết nối giữa các âm thanh, cử chỉ và ý nghĩa. Và vì thế nên khi đó bé cũng hiểu được vẫy tay được gắn kết với ý nghĩa “bái bai”.

7. Ăn… ngón tay
Khi việc đút bé ăn bằng muỗng bắt đầu “nguội” đi theo từng ngày thì cũng là lúc bé đã sẵn sàng để tự ăn. Giữa 9-12 tháng tuổi, các bé phát triển kỹ năng điều khiển tay và các ngón tốt hơn, dễ dàng cầm các vật nhỏ, chẳng hạn như ăn bốc. Đáng tiếc là ở độ tuổi này, các bé rất thích khám phá mùi vị và kết cấu, vì thế thức ăn không phải là thứ duy nhất mà các bé sẽ bỏ tọt vào miệng. Chính vì thế mà ở thời điểm này, MarryBaby nhắc các mẹ hãy nhớ quan tâm và chú ý cẩn thận đến môi trường an toàn cho bé đấy nhé.

8. Đứng
Khi được 12 tháng tuổi, hầu hết các bé bắt đầu biết đứng mà không cần hỗ trợ. Các bé cũng có thể dò dẫm những bước nhỏ khi nắm lấy đồ đạc hoặc những vật dụng khác làm điểm tựa. Đây là giai đoạn mà chúng ta vẫn gọi là bé chập chững đi. Vào các tuần hoặc tháng trước khi có thể tự bước đi, các bé thường tiêu tốn nhiều giờ đồng hồ bước chập chững để tập đi thật.

9. Bước đi
Bạn có thể gọi đây là cột mốc quan trọng trong cuộc đời bé. Có lẽ không có khoảnh khắc nào có sự quan sát của rất nhiều đôi mắt (kể cả “đôi mắt” của máy ảnh và máy quay phim nữa) trước những bước đi đầu tiên của bé như thế. Mặc dù vậy, không phải mọi trẻ đều biết đi vào dịp thôi nôi đâu nhé các mẹ. Con số bình thường là từ 9 đến 17 tháng tuổi, và phần lớn các bé bắt đầu đi được vài bước ở khoảng 13 tháng tuổi.

10. Nói từ đơn âm
Có lẽ không có gì hạnh phúc hơn khi nghe cục cưng lần đầu cất tiếng gọi mẹ, gọi ba các mẹ nhỉ? Thường thì thời điểm này là trong khoảng 1 năm tuổi của bé. Khi này, hầu hết các bé có thể nói được ít nhất một từ và còn tích cực bắt chước nói các từ khác. Đặc biệt nhất là từ thời khắc này, bạn sẽ không phải đợi lâu trước khi bắt đầu được nghe những gì bé muốn.

Linh Lan

Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé

Posted by Martin Nguyen
Martin Nguyen Image
Xin lưu ý:
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.

Related Posts: