7 nguyên tắc tập thể dục cho bà bầu
Đối với những phụ nữ thích tập luyện, thời điểm nào cũng là tốt nhất để có thể mang thai. Tập thể dục là một phần thiết yếu của cuộc sống khoẻ mạnh và những thai phụ bình thường cần dành ra ít nhất 30 phút vận động nhẹ nhàng mỗi ngày.
Bạn nên tập luyện nhẹ nhàng và đều đặn mỗi ngày để khỏe mạnh trong suốt thai kỳ
1/ Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu tập luyện
Bạn cần được bác sĩ duyệt qua bài tập chạy bộ. Thông thuờng sẽ không có vấn đề gì. Tuy nhiên, nếu bạn gặp vấn đề về bệnh lý hoặc biến chứng thai kỳ, bác sĩ có thể sẽ hạn chế chương trình tập luyện của bạn, thậm chí không cho phép bạn tập. Ngược lại trong một số trường hợp như thai phụ bị tiểu đường thai kỳ, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn tập luyện nhiều hơn.
Bạn cũng cần giải thích với bác sĩ mức độ tập luyện như thế nào là bình thường và vừa phải đối với bạn. Bởi vì một bài tập đối với người này có thể là dễ dàng nhưng với người khác lại quá sức và ngược lại. Nếu tình trạng sức khoẻ của bạn tốt, bác sĩ thường sẽ khuyến khích bạn tập luyện đều đặn như lúc chưa mang thai, miễn là bạn không cảm thấy triệu chứng khó chịu nào. Tuy nhiên, mẹ bầu nên tránh xa những môn thể thao mạnh và nguy hiểm cao như bóng đá, bầu dục…
2/ Chọn bài luyện tập yêu thích
Hầu như mọi bài tập thư giãn đều an toàn và hiệu quả đối với bà bầu. Điều quan trọng là bạn chọn được bài tập yêu thích để có thể kiên trì theo đuổi, nhất là trong những ngày bạn cảm thấy nặng nề hay không còn chút năng lượng nào. Nhiều người thích đến các lớp yoga dành cho bà bầu để được giáo viên hướng dẫn thực hành và giao lưu học hỏi với các mẹ khác hoặc đơn giản chỉ là đi bộ sau bữa tối lãng mạn. Nếu thấy dễ chịu, bạn sẽ duy trì việc tập luyện tốt hơn.
3/ Tránh những bài tập nặng
Vì bụng ngày càng to sẽ gây ảnh hưởng đến cảm giác thăng bằng, bạn nên cẩn thận với những môn thể thao dễ gây trượt ngã hoặc tổn thương vùng bụng như cưỡi ngựa, bóng đá, bóng rổ hoặc đạp xe…
Tập luyện giúp kiểm soát tiểu đường thai kỳ
Những hoạt động thể dục, thể thao như bơi lội, đi bộ, khiêu vũ đều đặn có thể giúp bạn kiểm soát tốt chứng tiểu đường trong thai kỳ
4/ Tránh các môn thể thao về độ cao
Trừ khi đang sống trên vùng cao, bạn nên tránh bất cứ hoạt động nào đưa bạn lên cao hơn 1.800m so với mực nước biển. Ngược lại, môn lặn biển cũng không phù hợp vì có thể dẫn đến chứng giảm áp ở thai nhi. Nếu muốn, mẹ bầu nên chờ sau khi sinh xong để thử những môn này nhé!
5/ Theo dõi những thay đổi của cơ thể
Cơ thể thay đổi theo từng ngày, vì vậy bạn cần theo dõi để điều chỉnh sự tập luyện cho phù hợp. Nếu không muốn bị “chụp ếch”, bạn nên tập với nhịp độ chậm lại để bảo đảm thăng bằng. Bạn cũng có thể thay đổi lịch trình tập luyện của mình. Chẳng hạn, đối với người tập chạy bộ, khi mang thai họ sẽ cảm thấy phần hông và đầu gối phải chịu nhiều áp lực hơn. Ngoài việc tăng trọng lượng, các khớp và dây chằng cũng giãn nở khiến cảm giác vận động của cơ thể thay đổi nhiều. Sau 3 tháng đầu thai kỳ, bạn cũng sẽ phải tránh các động tác yoga và thái cực quyền như nằm ngửa hoặc đứng yên bất động vì nó cản trở sự lưu thông máu vốn không có lợi cho bào thai.
6/ Bắt đầu chậm và tập trung duy trì tập luyện
Nếu mới tập lần đầu, bạn nên bắt đầu chậm thôi. Còn nếu đã tập quen, bạn chỉ nên duy trì chứ đừng tăng mức độ tập luyện trong thời gian mang thai. Ví dụ, nếu muốn chạy bộ 30 phút mỗi ngày, bạn có thể chia nhỏ cuộc chạy bộ ra thành 3 lần trong ngày, mỗi lần 10 phút. Hiệu quả mang lại cũng như nhau. Ngay cả những hoạt động như 15 phút hút bụi với 15 phút quét sân cũng được tính là bạn đã hoàn thành mục tiêu 30 phút tập luyện mỗi ngày đấy!
Bạn hoàn toàn có thể kéo dài buổi tập lên đến 1 giờ, miễn là bạn không cảm thấy bị mệt. Việc tập luyện quá sức dễ dẫn đến tình trạng mất nước và thiếu dưỡng khí cho thai nhi khi bạn thở gấp.
Alô, bác sĩ ơi!
Mỗi giai đoạn mang thai sẽ có những thời điểm bạn phải đến “thăm hỏi” bác sĩ. Đa số các xét nghiệm để bảo đảm tình trạng phát triển của bé và mẹ hoàn toàn bình thuờng. Đối với những mẹ bầu lần đầu mang thai, MarryBaby sẽ mách bạn một vài thời điểm quan trọng nhé!
7/ Tập luyện thông minh
Sau đây là một số điều bạn cần nhớ khi luyện tập cho cả mẹ và bé:
– Trước khi khởi động, mẹ bầu nên uống 1 ly nước lọc hoặc nước ép để tránh bị mất nước. Sau khi tập xong, bạn cũng nên uống bổ sung nước ngay.
– Ăn nhẹ trước buổi tập để duy trì năng lượng.
– Không bao giờ luyện tập ngoài trời khi thời tiết quá nóng, nên tập trong nhà bạn nhé.
– Chọn trang phục thoải mái để dễ tập luyện, không quá nóng hay quá chật. Nên đầu tư một chiếc áo ngực thể thao tốt giúp nâng đỡ bầu ngực ngày càng lớn của bạn.
– Chọn đúng loại giày dành riêng cho môn thể thao bạn đang tập luyện.
MarryBaby
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.