Bà bầu bị tiêu chảy: Cẩn thận kẻo ảnh hưởng con!
Rối loạn tiêu hóa là vấn đề chung của rất nhiều phụ nữ mang thai. Trong khi nhiều mẹ phàn nàn về tình trạng táo bón, một số mẹ khác lại đang gặp phiền toái vì tiêu chảy. Lo lắng vì sức khỏe một, bầu sợ ảnh hưởng sự phát triển của thai nhi gấp đôi. Bà bầu bị tiêu chảy có phải vấn đề nghiêm trọng? Khi nào đau bụng tiêu chảy trở thành “báo động đỏ”? Tham khảo ngay thông tin sau đây để biết cách bảo vệ bản thân và bé cưng tốt nhất nhé!
Không phải tất cả những trường hợp bà bầu bị tiêu chảy đều gây ảnh hưởng đến thai nhi
Bà bầu bị tiêu chảy: Lỗi lớn do hoóc-môn?
Do sự thay đổi nội tiết tố cũng như sự chèn ép ngày càng lớn của thai nhi, rất nhiều mẹ bầu bị táo bón. Sự thay đổi nội tiết tố cũng là “thủ phạm” gây nên nhiều triệu chứng mang thai khó ưa làm mẹ khó chịu. Tuy nhiên, bà bầu bị tiêu chảy thường lại không do hoóc-môn gây nên mà do những tác động từ bên ngoài. Chẳng hạn do ngộ độc thực phẩm, ký sinh trùng đường ruột, hoặc bà bầu bị cảm cúm cũng có thể dẫn đến đau bụng tiêu chảy.
Không chịu trách nhiệm chính nhưng sự thay đổi hoóc-môn cũng là nguyên nhân làm bà bầu dễ bị tiêu chảy hơn bình thường. Cùng ăn ở một quán ăn, nhưng nguy cơ đau bụng tiêu chảy ở bà bầu cao hơn, do hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch suy yếu nên dễ bị vi khuẩn tấn công, dẫn đến tình trạng “tào tháo rượt”.
Một số nguyên nhân phổ biến gây tiêu chảy:
– Do ăn uống không hợp vệ sinh, ăn phải thực phẩm ôi thiu, nhiễm khuẩn
– Do trong thực phẩm có thành phần không phù hợp với thể trạng và khả năng hấp thu của cơ thể. Chẳng hạn nhiều trường hợp bà bầu bị tiêu chảy do dị ứng thành phần lactose trong sữa tươi, hoặc bữa ăn có nhiều đồ lạ nhiều đạm, dầu mỡ nên khó hấp thu gây rối loạn tiêu hóa…
– Do uống quá nhiều nước
– Do nhiễm virut Rota, Cyptomegalo hoặc ký sinh trùng đường ruột như Giardia, Cryptosporidium và Entamoeba histolytica…
– Một số loại vitamin bổ sung cũng có thể gây tiêu chảy
Bầu đã biết bổ sung vitamin đúng cách?
Có rất nhiều loại vitamin và khoáng chất bị mất đi trong quá trình bảo quản và chế biến. Vì vậy, nếu chỉ trông chờ vào lượng vitamin có trong thực phẩm hàng ngày, bầu rất dễ lâm vào tình trạng không đủ dưỡng chất. Bổ sung vitamin theo đường uống là cách đơn giản nhất để khắc phục tình trạng này....
Tiêu chảy khi mang thai: Khi nào nguy hiểm?
Hầu hết những trường hợp “tào tháo rượt” nhẹ đều có thể tự khỏi sau vài ngày, và không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Trong một vài trường hợp tiêu chảy kéo dài nếu không điều trị kịp thời có thể gây tác động xấu cho sức khỏe mẹ và bé. Bà bầu bị tiêu chảy do vi khuẩn tả, Rota virut thường nôn mửa, đi tiêu rất nhiều lần dẫn đến tình trạng mất sức, mệt mỏi. Hơn nữa, những cơn đau liên tục ở bụng có thể kích thích tử cung co bóp, dẫn đến sinh non, sảy thai.
Khi bị tiêu chảy, mẹ bầu không nên chủ quan, coi thường. Tốt nhất nên đi khám để được thăm khám và điều trị. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc, bởi nhiều loại thuốc trị tiêu chảy có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi. Đặc biệt, khi gặp những trường hợp sau, bà bầu nên đến bệnh viện ngay:
– Tiêu chảy kéo dài liên tục trong 2 ngày.
– Tiêu chảy kèm nôn mửa, sốt.
– Bụng đau dữ dội trong nhiều giờ.
– Ra máu.
Ra máu khi mang thai: Kẻ buồn, người vui
Dù không nói ra, nỗi sợ về biến chứng hay tai nạn thai kỳ luôn “luẩn quẩn” trong đầu các mẹ bầu. Trong đó, dấu hiệu nguy hiểm nhất phải kể đến là tình trạng ra máu bất thường. Hiện tượng này có thể không mấy khó đoán và xử lý khi bạn đang ở giai đoạn đầu của thai kỳ. Tuy nhiên, nếu đã bước vào...
Bà bầu bị tiêu chảy: Xử sao mới đúng?
Khi bị tiêu chảy, cơ thể sẽ hao hụt một lượng nước đáng kể. Vì vậy, bổ sung thêm nước để bù lại lượng nước đã mất là điều đầu tiên và quan trọng nhất mẹ bầu cần lưu ý. Chỉ uống nước đun sôi để nguội hoặc uống oresol. Tránh các loại nước ép, sinh tố, nước ngọt…
Nếu tiêu chảy do không dung nạp thực phẩm, bầu cũng nên tránh các thực phẩm có thể làm tình trạng thêm tồi tệ, chẳng hạn như sữa, thực phẩm nhiều gia vị, chất béo… Đồng thời, ưu tiên những thực phẩm giàu tinh bột như: ngũ cốc, bánh quy, bánh mì, bột yến mạch, cháo… vào thực đơn dinh dưỡng trong giai đoạn này.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Tốt nhất trong thời gian mang thai, mẹ nên tạm “né” những hàng quán không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Chỉ nên ăn chín, uống sôi, không ăn đồ tái, sống. Ngoài ra, bà bầu cũng nên tăng cường thực phẩm giàu sắt, vừa ngăn ngừa nguy cơ thiếu máu, vừa có tác dụng phòng ngừa tiêu chảy.
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.