Bật mí 2 cách nấu cháo cá chép cho bà bầu
Theo quan niệm dân gian, cá chép bổ tỳ vị, lợi tiểu, mát sữa, chữa ho, chữa các bệnh ngoài da do nóng trong, làm giảm chứng sưng phù ở bà bầu. Ngoài ra, còn có quan niệm cho rằng, bà bầu ăn cháo cá chép nhiều trong thời gian thai nghén sẽ giúp em bé sinh ra sẽ thông minh, da trắng, môi đỏ.
Tuy chưa có bằng chứng cụ thể chứng minh bà bầu ăn cháo cá chép có thể sinh con trắng hồng nhưng theo các chuyên gia, không thể phủ nhận những lợi ích của cháo cá chép đối với sức khỏe bà bầu. Cá chép ngọt thịt, giàu protein và nhiều dưỡng chất dinh dưỡng như a-xít lutamic, glycine, chất béo, arginine.
Hơn nữa, cá chép thuộc loài cá nước ngọt nên rất lành, dễ tìm mua ở các chợ hoặc siêu thị. Cá chép cũng được chế biến thành nhiều món ăn phong phú, đa dạng trong thực đơn hàng ngày. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách nấu cháo cá chép ngon cho bà bầu, nhất là làm sao để cháo không tanh nhưng vẫn giữ được vị thanh ngọt của cá. MarryBaby gợi ý 2 cách nấu cháo cá chép cho bà bầu, mẹ tham khảo nhé!
Cháo cá chép cho bà bầu tuy không phức tạp, nhưng không phải ai cũng biết cách khử mùi tanh của cá
1. Cách nấu cháo cá chép ngon cho bà bầu với đậu xanh
Nguyên liệu
500gr cá chép.
50gr đậu xanh
150gr gạo tẻ hoặc 1/2 chén ăn cơm
1 nắm gạo nếp
Nước mắm, muối, hành khô, hành lá, thì là, tiêu, gừng
Cách nấu
- Cá chép làm sạch sẽ, để ráo nước. Chú ý cạo sạch lớp màng đen trong bụng cá. Có thể khử tanh bằng cách rửa với rượu trắng hoặc rửa với muối và gừng.
- Bắc nồi nước lên bếp, thả ít gừng đập dập vào đun sôi. Nước sôi, thả cá vào luộc chín. Thịt cá sau khi được gỡ xong thì ướp với nước mắm ngon, một ít tiêu để cho thấm. Phần xương cá bỏ vào cối giã nát rồi lọc lấy nước cốt.
- Bắc chảo lên bếp phi hành thơm, bỏ phần thịt cá chép đã ướp vào xào cho săn thịt. Lưu ý đảo nhẹ tay để giữ miếng thịt cá khỏi bị nát. Xào khoảng 3 phút, sau đó tắt bếp.
- Gạo sau khi ngâm vo sạch cho vào nồi cơm điện. Đậu xanh rang lên cho vàng thơm rồi nấu chung cùng với gạo. Tùy theo sở thích ăn cháo đặc hay loãng mà bạn có thể cho lượng nước phù hợp. Bạn có thể lấy chính nước cốt xương cá để nấu.
- Cháo chín múc ra tô, đổ phần thịt đã xào vào chung. Nêm gia vị cho vừa ăn. Thêm chút hành, thì là vào. Như thế là đã có tô cháo cá chép tuyệt ngon, bổ dưỡng giúp bà bầu bồi bổ sức khỏe rồi.
Lưu ý: Để nấu cháo cá chép ngon, mẹ nên chọn cá chép còn sống. Tốt nhất, có thể tìm mua chép sông mới được đánh bắt. Chọn cá chép to thịt nhiều, ít xương vừa dễ làm ăn lại ngon.
Bật mí 2 cách nấu cháo cá chép cho bà bầu
Cách nấu cháo cá chép cho bà bầu không quá phức tạp, nhưng để khử sạch mùi tanh của cá mà vẫn giữ độ ngọt mới là điều quan trọng, không phải ai cũng biết.
Cách nấu cháo cá chép cho bà bầu với nấm
Nguyên liệu
500gr cá chép sống
100gr nấm rơm
50gr đậu xanh
½ chén gạo
1 củ cà rốt
1 củ nhỏ nghệ
Rau thì là, tiêu, dầu ăn, nước mắm…
Cách nấu
- Cá chép làm sạch sẽ. Khử mùi tanh bằng muối và nước gừng, hoặc rửa cá ở nước vo gạo sẽ giảm mùi tanh.
- Cà rốt và nghệ thái chỉ. Nấm rơm khô ngâm nước cho nở ra, sau đó xé sợi. Nếu mua được nấm rơm tươi nấu cháo ăn ngon hơn. Cá chép luộc chín, sau đó gỡ phần thịt cá để riêng.
- Gạo trắng và đậu xanh vo thật sạch sau đó cho vào nồi nước luộc cá nấu nhừ.
- Cho dầu ăn vào chảo, phi thơm hành rồi đổ nghệ, nấm, cà rốt vào xào. Khoảng 2 phút thì đổ phần thịt cá chép vào xào chung. Nêm gia vị cho vừa miệng ăn.
- Đợi cháo nhừ rồi cho toàn bộ phần hỗn hợp thịt cá chép, cà rốt, nghệ, nấm vào đun sôi khoảng 10 phút bắc ra cho thì là và tiêu vào.
Với 2 cách nấu cháo cá chép cho bà bầu đơn giản, dễ làm trên đây, mẹ bầu có thể tự nấu hoặc nhờ anh xã trổ tài. Lưu ý, cháo cá chép tuy bổ dưỡng, nhưng mẹ cũng không nên ăn quá nhiều, khoảng 2-3 lần/ tuần là được. Cố gắng đa dạng hóa thực đơn dinh dưỡng khi mang thai, bởi mỗi loại thực phẩm đều có giá trị dinh dưỡng riêng. Ăn đa dạng sẽ giúp mẹ bầu bổ sung đầy đủ dưỡng chất quan trọng.
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.