Bật mí trình tự phát triển giác quan của thai nhi
Trong các giai đoạn phát triển của thai nhi, không thể không quan tâm đến trình tự phát triển của giác quan. Những giác quan của bé không được hình thành và hoàn thiện cùng lúc mà trải qua một trật tự phát triển nhất định
Nội dung bài viết
- Khi nào các giác quan của bé bắt đầu hình thành?
- Bé có thể ngửi được mùi từ khi còn trong bụng mẹ
- Vị giác là giác quan hoàn thiện nhanh nhất
- Bé có thể nghe từ rất sớm
- Thị giác là giác quan được hoàn thiện sau cùng
Từ bao giờ bé có thể nghe, ngửi, nếm, nhìn và cảm nhận những gì mình tiếp xúc? Câu trả lời là “rất sớm”. Từ khi bé còn nằm trong bụng mẹ thì những giác quan đã hình thành và phát triển đến một mức độ nhất định!
Khi nào các giác quan của bé bắt đầu hình thành?
Ngay từ giai đoạn đầu tiên trong các giai đoạn phát triển của thai nhi, một trong các giác quan quan trọng nhất đã được hình thành, đó chính là xúc giác. Ngay ở tuần thứ 3 sau khi thụ thai, xúc giác đã bắt đầu được tạo lập. Làn da, cơ quan chịu trách nhiệm cho các cảm giác thu được từ sự tiếp xúc với môi trường và các sự vật khác, chứa hàng triệu tế bào cảm giác. Ngay ở tuần thai thứ 8, thai nhi đã có sự nhạy cảm nhất định ở làn da mặt, tiếp theo đó là ở lòng bàn tay vào tuần thứ 11, lòng bàn chân vào tuần thứ 12, bụng và mông vào tuần thứ 17 và toàn bộ cơ thể, ngoại trừ phần đỉnh đầu, vào tuần thứ 32.
Xúc giác được hình thành vào thời kỳ đầu của các giai đoạn phát triển của thai nhi
Bé yêu sử dụng cơ quan xúc giác theo rất nhiều cách khác nhau để khám phá chính bản thân và môi trường trong bụng mẹ. Qua siêu âm, mẹ có thể thấy bé mút tay, chạm vào trán hay sờ vào má, chạm vào thành tử cung hay chạm vào dây rốn. Xúc giác là giác quan sống còn đối với thai nhi và bé sơ sinh chính là cơ quan hoàn thiện nhất khi bé ra đời. Sự hình thành và phát triển của xúc giác là một điểm nhấn quan trọng trong các giai đoạn phát triển của thai nhi, mở đường cho quá trình học hỏi và khám phá của bé yêu trong giai đoạn đầu đời.
Bé có thể ngửi được mùi từ khi còn trong bụng mẹ
Trước đây, các nhà nghiên cứu cho rằng mùi hương cần phụ thuộc vào không khí và hơi thở nên một thai nhi không thể ngửi thấy trong bụng mẹ. Nhưng gần đây, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khứu giác của bé đã rất nhạy cảm và mạnh mẽ ngay từ khi mới sinh ra, và điều này có thể đến từ việc bé đã cảm nhận được mùi khi còn ở trong bụng mẹ.
Khoang mũi của bé được hình thành đầy đủ và các tế bào cảm nhận mùi đã sẵn sàng từ tuần thai thứ 9, nhưng cảm giác về mùi đầu tiên chỉ được mở ra khi các tế bào thần kinh khứu giác kết nối với bộ não. Và mặc dù có sự khởi đầu này, khứu giác của bé cũng chưa thể sẵn sàng vì một “chiếc khóa” của các mô chặn hai lỗ mũi cho đến tận tuần thai thứ 28. Tất cả khả năng cảm nhận về mùi của bé được chính thức bắt đầu sau tuần thai thứ 28, thông qua nước ối di chuyển trong khoang mũi và miệng bé.
10 cách "đánh thức" khứu giác của bé
Khứu giác là giác quan phát triển sớm nhất của trẻ. Trong thực tế, khứu giác của bé từ khi sinh ra đã rất nhạy cảm, nên lần đầu tiên tiếp xúc với mẹ, bé đã nhanh chóng cảm nhận và nhớ được mùi. Cùng với thời gian và sự phát triển của các giác quan khác, độ nhạy bén của khứu giác cũng theo đó mà...
Vị giác là giác quan hoàn thiện nhanh nhất
Sự phát triển của vị giác thật là ấn tượng so với các giai đoạn phát triển của thai nhi khác. Chỉ 8 tuần sau khi thụ thai, em bé của bạn đang bắt đầu phát triển vị giác và khi ở tuần thai thứ 13-15, bé đã có vị giác tương tự một người lớn.
Thông qua nước ối, bé có thể cảm nhận được các hương vị khác nhau trong chế độ ăn của người mẹ như tỏi, tiêu, hành, cà phê, bạc hà. Từ tháng thứ 5, bé bắt đầu nuốt nước ối và cảm nhận được các hương vị từ những gì mẹ đã ăn trong vòng vài giờ trước.
Thú vị hơn, các nghiên cứu còn chỉ ra rằng, ngay từ lúc còn là một bào thai, bé đã có cách phản ứng khác nhau trước hương vị của các món ăn. Đa số các bé thích vị ngọt và không thích các vị chua hay đắng.
Kích thích vị giác cho bé trong 10 bước
Vị giác của bé bắt đầu phát triển rất sớm, ngay cả khi bé vẫn còn trong bụng mẹ. Sau khi được sinh ra, vị giác dần dần phát triển cùng sự tò mò thiên bẩm sẽ giúp bé khám phá thế giới rộng lớn xung quanh, đồng thời giúp phân biệt được món ăn hay hương vị nào thích hay không thích.
Bé có thể nghe từ rất sớm
Các cơ quan thính giác bắt đầu hình thành khi phôi thai nhỏ bé chỉ mới 3 tuần tuổi, bắt đầu từ tai trong và từ từ hình thành đến ống tai, cuối cùng, mẹ sẽ có thể nhìn thấy tai ngoài trên ảnh siêu âm. Hệ thống thần kinh thính giác của bé bắt đầu hình thành vào khoảng tuần thứ 20. Ban đầu, bé chỉ nghe được những âm thanh trầm, thấp như tiếng máu chảy trong các mạch, tiếng bao tử mẹ reo, tiếng tim mẹ đập. Sau đó, bé cũng sẽ nghe được những âm thanh có cao độ lớn hơn.
Từ tuần thứ 23/24 của thai kỳ, mẹ có thể thấy bé đã bắt đầu có phản ứng với những âm thanh xung quanh. Thậm chí, mẹ sẽ cảm thấy bé giật mình hoặc nấc cụt sau khi nghe thấy một tiếng động lớn. Bé thậm chí có thể phân biệt và ghi nhớ một số âm thanh quen thuộc như giọng nói của ba mẹ hay một bản nhạc bé thường được nghe.
Thị giác là giác quan được hoàn thiện sau cùng
Không giống các giác quan khác được hình thành và hoàn thiện từ khá sớm trong các giai đoạn phát triển của thai nhi, thị giác có thể được đánh giá là “sinh sau đẻ muộn”. Cho đến tận tuần thứ 26 của thai kỳ, mắt bé vẫn khép chặt để võng mạc phát triển đầy đủ. Từ sau thời điểm này, mí mắt mở ra và bé thậm chí còn có thể chớp mắt.
Ở tuần thứ 33, đồng tử mắt có thể co giãn tùy theo cường độ ánh sáng mà bé thu thập được. Bé cũng có thể nhìn thấy, nhưng hình ảnh còn khá mờ. Thậm chí, ngay cả khi đã ra đời, bé cũng chỉ mới nhìn được trong phạm vi khoảng 20cm mà thôi.
Mẹ có thể dựa vào các giai đoạn phát triển của thai nhi và trình tự phát triển của các giác quan để giúp các giác quan của bé phát triển một cách tinh nhạy hơn, giúp bé kết nối với mẹ sớm hơn. Đồng thời, để hỗ trợ tốt nhất cho sự phát triển các giác quan của bé, mẹ đừng quên ăn uống đủ chất và giữ gìn sức khỏe của mình thật tốt trong suốt thai kỳ.
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.