Bầu ăn gì để thai nhi tăng cân 3 tháng cuối?
Mẹ tăng cân lành mạnh, con phát triển đúng chuẩn
Nếu trong suốt 2 tam cá nguyệt đầu, bé chỉ mới đạt đến cân nặng khoảng 1,1 kg thì chỉ trong khoảng thời gian 10 tuần, từ tuần thứ 30 đến tuần thứ 40, bé tăng vọt từ 1,7 kg lên đến 3,2 kg. Càng về cuối cuộc hành trình 40 tuần thai bé càng tăng cân nhanh để kịp chuẩn bị cho cuộc sống bên ngoài cơ thể mẹ. Mỗi tuần, bé tăng khoảng 230 g.
Sự gia tăng cân nặng của thai nhi có mối liên hệ không nhỏ với quá trình tăng cân của mẹ trong suốt quá trình mang thai. Thông thường, người mẹ tăng cân một cách vừa phải, lành mạnh thì bé cũng sẽ tăng đủ cân, không quá to hoặc bị thiếu cân khi sinh ra đời. Bằng cách đảm bảo một nguồn dinh dưỡng cân bằng, ưu tiên chọn những loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, mẹ đã bắt đầu đặt một nền móng chắc chắn cho sức khỏe của con trong tương lai. Đó cũng là lý do hầu hết mẹ bầu đều quan tâm đến việc ăn gì để thai nhi tăng cân 3 tháng cuối.
Lên kế hoạch để tăng cân đúng mức cần thiết trong 3 tháng cuối
Thông thường, cân nặng lý tưởng mà mẹ nên tăng trong suốt thai kỳ là từ 8 đến 12 kg. Trong 3 tháng cuối, mỗi tuần mẹ có thể tăng đến 500 g và một nửa cân nặng này là số cân tăng của bé. Tuy nhiên, số cân nặng đó sẽ dao động tùy theo thể chất của mẹ. Đặc biệt, nếu đã từng mang thai và bé bị nhẹ cân, bạn sẽ cần được bác sỹ tư vấn cặn kẽ các bước để có được đúng cân nặng cần thiết và đảm bảo bé tránh được nguy cơ nhẹ cân trong lần mang thai này. Trong đó, hãy lưu ý nhiều hơn đến vấn đề ăn gì để thai nhi tăng cân 3 tháng cuối.
Chuyên gia chia sẻ: Mang thai 3 tháng cuối cần tăng bao nhiêu kg?
Cùng với sự phát triển "thần tốc" của thai nhi trong 3 tháng cuối, cân nặng của mẹ bầu cũng tăng theo cấp số nhân. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo mẹ bầu nên cố gắng giữ cân nặng ở mức vừa phải, không tăng quá mức, bởi những vấn đề sức khỏe có thể gặp phải trong giai đoạn này
Dinh dưỡng khi mang thai đóng vai trò quyết định đối với sự tăng cân của mẹ và bé. Các chuyên gia đều khuyên mẹ bầu nên bổ sung nhiều loại trái cây, rau củ, các thực phẩm giàu protein và thức ăn cung cấp carbohydrate như gạo, bánh mì từ ngũ cốc nguyên hạt…
Bên cạnh dinh dưỡng, việc duy trì một lối sống lành mạnh cũng rất cần thiết để cả mẹ và thai nhi đều ở tình trạng tốt nhất. Hãy thường xuyên tập thể dục, tập hít thở, ngủ đủ giấc và giữ tinh thần bình thản, ít stress.
Những dưỡng chất không thể thiếu trong 3 tháng cuối
Để trả lời cho câu hỏi ăn gì để thai nhi tăng cân 3 tháng cuối, hãy tập trung vào những dưỡng chất sau:
- Protein: Rất cần thiết cho sự phát triển cơ thể của bé, đặc biệt là cơ bắp và não bộ. Mỗi ngày bạn nên bổ sung 90 đến 100 g protein lành mạnh từ những nguồn như thịt bò nạc, thịt heo nạc, thịt gia cầm ít béo, các loại cá ít thủy ngân, sữa, phô mai, các loại đậu và hạnh nhân…
- Carbohydrate: Nguồn carbohydrate lành mạnh đến từ ngũ cốc nguyên hạt, gạo lứt, trái cây sấy khô, các loại hạt, rau, trái cây sẽ rất có ích cho mẹ trong việc cung cấp năng lượng cho cơ thể và cho bé. HNuãy chọn những loại thức ăn giàu năng lượng, nhưng cần tránh xa các thức ăn cung cấp năng lượng mà không có chất dinh dưỡng gì đáng kể như nước ngọt, đường hay các loại mỡ từ động vật.
- Những nguồn chất béo có lợi: Đó là chất béo không bão hòa từ những loại dầu thực vật như dầu gạo, dầu hướng dương, dầu đậu nành, chất béo từ quả bơ, đậu phộng, hay từ các loại cá béo như cá hồi.
Một số nguồn chất béo tự nhiên có ích cho sức khỏe của mẹ bầu
- Vitamin và khoáng chất: Ở giai đoạn cuối của thai kỳ, hai dưỡng chất quan trọng nhất là sắt và canxi cần được bổ sung hàng ngày. Có thể bác sỹ sẽ kê cho mẹ các viên uống để đảm bảo đủ lượng vi chất cần thiết. Bên cạnh đó, hãy bổ sung các loại thịt nạc để gia tăng lượng sắt tự nhiên. Sữa và các sản phẩm từ sữa sẽ giúp bạn bổ sung thêm canxi. Một lưu ý khác là đừng bổ sung sắt và canxi cùng lúc vì sẽ làm giảm khả năng hấp thụ của cơ thể.
Nhìn chung, chế độ dinh dưỡng trong 3 tháng cuối cũng không khác nhiều với chế độ dinh dưỡng bạn đã duy trì trong suốt cả thai kỳ. Tuy nhiên, bạn cần chú ý chọn những món ăn vừa giàu chất dinh dưỡng, vừa cung cấp nhiều năng lượng. Lúc này, bé lớn rất nhanh và đòi hỏi một nguồn năng lượng cũng như dinh dưỡng dồi dào hơn so với những giai đoạn trước.
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.