Bé ngã từ trên giường xuống đất, mẹ phải làm gì?
Nhiều bậc phụ huynh hiện nay thường có thói quen cho trẻ sơ sinh ngủ chung mà không hề nghĩ đến vấn đề bé có thể rơi ra khỏi giường gây nguy hiểm. Bởi lẽ, họ cho rằng vấn đề này chỉ xảy ra với các bé đã biết lẫy, biết bò.
Điều này hết sức sai lầm, vì với trẻ sơ sinh vài tháng tuổi chỉ cần bé đạp chân, ngọ nguậy liên tục cũng đã có thể khiến bé ngã từ trên giường xuống đất. Nếu chẳng may tình huống này xảy ra, ngoài việc xoa dịu con, bố mẹ cũng nên có những biện pháp an toàn để đảm bảo sức khỏe của bé.
Những điều cần làm khi bé ngã từ trên giường xuống đất
Mặc dù con còn khá nhỏ nhưng bố mẹ không nên xem thường những cái đạp chân hay ngọ nguậy của bé. Những động tác này sẽ khiến bé dễ dàng di chuyển ra gần mép giường hoặc thậm chí ngã nhào xuống đất. Bạn cần hiểu rằng, dù mẹ cẩn thận đến mấy các bé mới sinh vẫn có nguy cơ gặp phải tình trạng này và bạn không nên quá tự trách bản thân một khi sự việc xảy ra.
Thay vì chỉ chăm chăm vào việc dỗ bé nín khóc, bạn cần bình tĩnh kiểm tra xem liệu trẻ có bị thương chỗ nào hay không. Lưu ý, cấu trúc xương sọ của trẻ sơ sinh vẫn chưa được hoàn thiện nên khi bị rơi khỏi giường, bé có thể không bị gãy xương nhưng vẫn có nguy cơ gặp những tổn thương nghiêm trọng ở đầu. Vì thế, cần theo dõi trẻ đều đặn để phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường. Nếu cảm thấy chưa an tâm, hãy đưa bé đến bệnh viện ngay để kiểm tra.
Bỏ túi cho mẹ các bước kiểm tra ban đầu khi con vừa mới bị ngã
Trường hợp bất thình lình bạn giật mình tỉnh giấc vào ban đêm sau khi nghe tiếng đập mạnh và phát hiện ra bé nhà mình vừa bị ngã văng khỏi giường, hãy theo dõi con suốt 24 – 48 giờ tới.
Trong 15 giây đầu tiên, bạn cần kiểm tra bé còn tỉnh táo hay không. Đồng thời, bạn quan sát hoạt động thể chất của bé xem tay chân hoặc cơ thể có cử động bình thường không. Nếu bé khóc, tỉnh táo thì đây là dấu hiệu đáng mừng vì bé chỉ đang sợ hãi mà thôi. Vì vậy, hãy ôm lấy trẻ thật nhẹ nhàng để vỗ về, trấn tĩnh, đồng thời kết hợp với việc kiểm tra các tổn thương thực thể, nhất là phần đầu. Sau khi bé ổn, bố hoặc mẹ nên đặt bé trở lại chỗ ngủ và tiếp tục kiểm tra những tổn thuơng có thể xuất hiện trên cơ thể con.
Riêng với cú ngã quá mạnh sẽ khiến bé bị mất ý thức ban đầu và trẻ có thể đi loạng choạng hoặc lơ mơ, buồn ngủ. Bạn nên nhớ, đây là tình trạng nguy hiểm cần phải cấp cứu y tế. Bên cạnh đó, bạn buộc phải đưa trẻ nhập viện sớm một khi phát hiện máu chảy hoặc tổn thương nghiêm trọng. Tuyệt đối không nên tự ý di chuyển trẻ, trừ khi vị trí đó khiến bé có nguy cơ gặp nhiều chấn thương khác. Nếu thấy trẻ nôn mửa hoặc co giật, bạn nên đặt bé nằm nghiêng và giữ thẳng cổ để đàm nhớt dễ dàng tống xuất ra ngoài, không bây bít tắc đường thở.
Bé ngã từ trên giường xuống đất bị u đầu, bố mẹ phải làm sao?
Nếu phải đối mặt với bất kỳ cú ngã nào thì nguy cơ cao trán bé sẽ nổi một cục u to tướng. Trông có vẻ đáng lo lắng nhưng mẹ yên tâm vì nó sẽ xẹp dần theo thời gian. Mặt khác, biểu hiện này cũng chỉ là tổn thương bên ngoài, không có bất kỳ ảnh hưởng nghiêm trọng nào đến hộp sọ.
Để đối phó với khối u “đáng ghét” này, mẹ có thể chườm ngay đá lạnh cho bé. Lời khuyên là nên thực hiện liên tục mỗi giờ một lần, mỗi lần khoảng 5 phút. Cách thực hiện tuy đơn giản, nhưng điều khó khăn là phải làm thế nào phân tán sự tập trung của trẻ khỏi cái lạnh của nước đá. Mẹo riêng cho bạn là với trẻ sơ sinh nên chườm lạnh lúc bé bú mẹ và với trẻ mới biết đi thì hãy làm khi bạn cho bé xem một món đồ chơi thú vị hay đọc sách cho bé nhé!
Nhờ biện pháp này mà khối u sẽ bớt sưng sau vài giờ. Nếu nhận thấy vết sưng không có dấu hiệu thuyên giảm hãy đưa bé đến bác sĩ ngay.
Khi nào bạn nên đưa bé đến bệnh viện?
“Cẩn tắc vô ưu”, bạn hãy đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra ngay khi có những biểu hiện sau:
- Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu gãy xương, đặc biệt là với bé ở lứa tuổi mới biết đi. Hãy đưa con đến bệnh viện để được sơ cấp cứu ngay lập tức.
- Xuất hiện bất kỳ vết cắt hoặc vết bầm tím nào. Bạn nên bình tĩnh và tìm cách cầm máu bằng băng gạc hoặc khăn sạch cho đến khi nhân viên y tế đến.
- Trẻ bị chảy máu mũi (chảy máu cam), mắt hoặc tai. Đây có thể là dấu hiệu quan trọng cho thấy bé gặp vấn đề với việc đông máu.
- Tình trạng xuất huyết não cũng có những triệu chứng tương tự như các tình huống chảy máu ở trên. Vì vậy, bạn nên đưa bé đi kiểm tra càng sớm càng tốt.
- Việc chấn thương đầu cũng là điều bạn nên quan tâm. Các biểu hiện theo đó thường là nôn mửa, chóng mặt, nhức đầu hoặc các dấu hiệu khác cho thấy đầu bé đã bị tổn thương nghiêm trọng.
- Trẻ khóc, kêu the thé khác với bình thường. Đồng tử hai mắt không cùng kích thước. Không phản ứng lại khi bạn cưng nựng, nói chuyện…
- Trẻ khóc mãi không ngừng hoặc liên tục dùng tay cọ xát đầu, mặt.
Các biện pháp phòng ngừa bé ngã từ trên giường xuống đất
Có nhiều cách khác nhau để ngăn bé ngã từ trên giường xuống đất hoặc chí ít làm giảm ảnh hưởng của cú ngã.
- Đầu tiên và quan trọng nhất, bạn nên dẹp bỏ giường và nên đặt nệm trên sàn, để rút ngắn khoảng cách nơi bé nằm so với mặt đất.
- Đẩy nệm vào sát tường và đảm bảo đặt bàn, ghế, tủ… hay những vật cứng ở xa để trẻ không va đập vào chúng trong trường hợp bị ngã.
- Dạy con bạn rời khỏi giường một cách an toàn, bằng cách trườn trên bụng khi bé đủ lớn.
- Lót các lớp đệm dày trên sàn nhà để giảm thiểu nguy cơ chấn thương.
- Hãy cho bé nằm ngửa, đặt chăn, gối và các vật mềm khác tránh xa bé để tránh nguy cơ bị đột tử ở trẻ sơ sinh.
- Cho bé ngủ trong cũi riêng.
Bạn cần nhớ rằng, giường của người lớn không đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn đối với giấc ngủ cho trẻ. Mặt khác, bên cạnh việc bé ngã từ trên giường xuống đất, còn một số vấn đề khác như nguy cơ trẻ bị mắc kẹt giữa tường và giường hoặc giường với những đồ vật khác nếu bố mẹ không chú ý.
Tổng hợp bởi: Cha Mẹ Tốt.
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.