Cách để hạn chế nguy cơ sảy thai

shape

01 Th10

Martin NguyenTh10 01, 2019

Cách để hạn chế nguy cơ sảy thai

Trong những tháng đầu mang thai, thai nhi rất dễ bị tác động bởi nhiều yếu tố bên ngoài. Do đó, nếu không giữ gìn cẩn thận việc sảy thai là khó tránh khỏi.

Tuy nhiên, bạn có thể hạn chế tối đa nguy cơ này nếu hiểu hơn về các nguyên nhân phổ biến gây sảy thai.

1. Nhiễm sắc thể bất thường
Đây là nguyên nhân phổ biến nhất dễ dẫn đến sảy thai. Khi trứng gặp tinh trùng, có thể do trứng hoặc tinh trùng bị lỗi khiến nhiễm sắc thể không thể khớp với nhau theo đúng quy cách. Trong trường hơp này, phôi thai được thụ tinh sẽ có bất thường về nhiễm sắc thể và thai kỳ thường sẽ chấm dứt sớm, tức sảy thai.

>>> Điều nên làm
Bạn vẫn có cơ hội mang thai an toàn và sinh em bé khỏe mạnh nếu mới sảy thai lần đầu. Tuy nhiên, nếu bạn lại sảy thai lần nữa hãy nghĩ đến việc xét nghiệm nhiễm sắc thể để xác định liệu nguyên nhân sảy thai có phải do bất thường nhiễm sắc thể hay không. Nếu nhiễm sắc thể của bạn bình thường, bác sĩ có thể sẽ tư vấn và tìm hiểu các nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng sảy thai liên tiếp của bạn.

Cách để hạn chế nguy cơ sảy thai

Luôn bảo vệ sức khỏe trong thời kỳ mang thai để hạn chế nguy cơ sảy thai

2. Vấn đề tử cung hoặc cổ tử cung
Một số dị tật bẩm sinh ở tử cung, tử cung có vách ngăn, dính tử cung nghiêm trọng. Lúc này phôi thai không thể làm tổ trên thành tử cung hoặc nếu đã làm tổ thì phôi không nhận được dinh dưỡng đủ để tồn tại, và gây sảy thai.

Cổ tử cung yếu hoặc ngắn một cách bất thường (gọi là suy cổ tử cung), vào cuối tam cá nguyệt thứ nhất, thai nhi đã đủ lớn để tác động lên cổ tử cung, và nếu cổ tử cung yếu, nó có thể không giữ được thai nhi bên trong tử cung.

>>> Điều nên làm
Bạn nên gặp bác sĩ để kiểm tra tử cung và cổ tử cung. Nếu bị vách ngăn tử cung có thể chữa trị bằng phẫu thuật, và cổ tử cung yếu có thể được gia cố bằng cách khâu cố định cổ tử cung tạm thời.

3. Tiền sử sảy thai
Những phụ nữ đã bị sảy thai hai lần liên tiếp hoặc hơn có nguy cơ tiếp tục sảy thai cao hơn so với những phụ nữ khác.

>>> Điều nên làm
Tránh lao động nặng, tranh thủ tối đa thời gian nghỉ ngơi nhưng vẫn phải đảm bảo một sự vận động để cơ thể được thoải mái.

Bổ sung vi khoáng đầy đủ dinh dưỡng qua thức ăn hàng ngày, cần nhất là sắt, canxi, magie, B6…

Giữ tâm lý thoải mái, tránh lo lắng là một việc rất cần thiết

Sau mỗi lần sảy thai, nên dành thời gian nghỉ ngơi (từ 6 tháng đến 1 năm) để cơ quan sinh sản hồi phục rồi mới nên có thai lại.

4. Tuổi tác
Sảy thai có xu hướng tăng cao theo độ tuổi mang thai. Trên thực tế, nguy cơ sảy thai lên tới 15% đối với người trên 35 tuổi, từ 35-45 tuổi, nguy cơ này là 20-35 %. Và nguy cơ sảy thai cao nhất đối với những người mang thai trên 45 tuổi.

Bên cạnh nguy cơ sảy thai, thai nhi của những phụ nữ trên 35 tuổi còn dễ mắc những dị tật bẩm sinh, nguy cơ mắc bệnh down và rất nhiều khuyết tật khác nữa.

>>> Điều nên làm
Tốt nhất bạn nên có con ở độ tuổi từ 22 – 29 tuổi. Lúc này cơ thể bạn đã phát triển toàn diện, chất lượng trứng cũng ở thời kỳ tốt nhất, hạn chế được tình trạng sảy thai sớm sảy ra. Mặt khác, người phụ nữ cũng đã phát triển đầy đủ về cả tâm – sinh lý cho việc mang thai và làm mẹ.

Nếu có thai ở độ tuổi 35 trở lên bạn nên thường xuyên theo dõi sự phát triển của thai nhi bằng việc khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ, chế độ dinh dưỡng cũng như luyện tập cũng phải đặc biệt lưu ý.

5. Bệnh lây nhiễm
Nguy cơ sảy thai sẽ cao hơn nếu bà bầu bị nhiễm listeria, bệnh quai bị, rubella, bệnh sởi, nhiễm cytomegalovirus, nhiễm parvovirus, bệnh lậu, bệnh AIDS, và một số bệnh lây nhiễm khác.

>>> Điều nên làm
Trước khi có thai cần phải khám sức khoẻ tổng quát để biết rõ tình trạng cơ thể và chuẩn bị sức khỏe tốt nhất cho thời kỳ mang thai.
Nên chích ngừa cúm, sởi, rubella… trước khi mang thai 3 tháng.

6. Thói quen uống rượu, hút thuốc
Hút thuốc hoặc ngay cả hút thuốc lá thụ động rất có hại cho thai nhi. Trong khói thuốc lá có chứa hàng ngàn loại hóa chất, trong đó có những chất có hại cho sức khỏe sinh sản, như chì, benzene và cadmium.

>>> Điều nên làm
Để thai kỳ phát triển khỏe mạnh và an toàn bạn nên từ bỏ thói quen uống rượu, hút thuốc và tránh xa môi trường có khói thuốc

7. Bệnh mãn tính hoặc rối loạn
Bệnh tiểu đường không được kiểm soát tốt và những rối loạn đông máu di truyền, rối loạn miễn dịch (như hội chứng antiphospholipid – tình trạng hệ tự miễn dịch bị rối loạn trầm trọng, còn gọi là hội chứng Hughes – hoặc bệnh lupus ban đỏ), và các rối loạn nội tiết tố (như hội chứng buồng trứng đa nang) là một số trong những bệnh có thể làm tăng nguy cơ sảy thai.

>>> Điều nên làm
Thực hiện chế độ ăn hạn chế calorie, ít carbonhydrate (chất bột và đường) và tập thể dục đều đặn.
Thường xuyên thăm khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ

8. Chế độ dinh dưỡng
Khi mang thai, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng cho sự phát triển của thai nhi. Việc thiếu máu và thiếu axit folic là một trong những nguyên nhân dẫn đến suy dinh dưỡng và gây sẩy thai. Mặt khác, ăn quá nhiều một số thực phẩm như: nha đam, lá ngải cứu, đu đủ xanh, gan động vật… cũng làm tăng nguy cơ sảy thai.

>>> Điều nên làm
Khi mang thai, cần có chế độ dinh dưỡng cân đối, uống bổ sung viên sắt và axit folic để tránh thiếu máu và thiếu axit folic. Việc bổ sung dinh dưỡng nên được thực hiện ngay từ trước khi mang thai vì vậy chị em nên lập kế hoạch cho việc bầu bí trước từ 3-6 tháng.

9. Tự ý dùng thuốc
Trong thành phần một số thuốc có những dược liệu có liên quan làm tăng nguy cơ gây sảy thai. Vì vậy bà bầu không nên tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ

>>> Điều nên làm
Khi biết mình có thai, trong trường hợp bạn đang phải uống thuốc điều trị bệnh nào đó thì việc đầu tiên là cần thông báo cho bác sĩ biết để xem xét và điều chỉnh.

Trong giai đoạn mang thai, tuyệt đối không tự ý mua và sử dụng bất cứ loại thuốc nào nếu không có chỉ định của bác sĩ, điều này áp dụng với cả các loại thuốc bổ, các viên bổ sung vitamin vì trong khi khám thai, bác sĩ đã căn cứ vào tình hình sức khoẻ cũng như các kết quả xét nghiệm để chỉ định loại thuốc bổ/vitamin bổ sung cho bạn, nếu tự ý sử dụng thêm thì có thể lại gây tác dụng ngược.

10. Bị những sang chấn
Nguyên nhân sảy thai còn có thể do những sang chấn như tai nạn, mang vác nặng, vận động mạnh, leo cầu thang nhiều, đi xa…

>>> Điều nên làm
Bạn nên vận động nhẹ nhàng, tránh những chấn thương, va chạm mạnh
Không mang vác đồ nặng.
Phương tiện đi lại nên dùng taxi, xe buýt để bảo đảm sự an toàn cho cả hai mẹ con
Khi có những dấu hiệu bất thường, như đau bụng, chảy máu âm đạo, chuột rút, áp lực vùng chậu,…bạn nên nhanh chóng gặp bác sĩ để kịp thời can thiệp.

Nguyễn Dinh

Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé

FAQs

Martin Nguyen

  • Martin Nguyen Image

    Xin quý đọc giả lưu ý

    – Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
    – Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.

Gửi bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật và không chia sẻ công khai. Các ô đánh dấu * là bắt buộc