Có nên uống cà phê khi mang thai?
Những lo ngại về việc dùng caffeine khi mang thai
Theo một nghiên cứu được công bố rộng rãi vào năm 2008, phụ nữ dùng hơn 200 mg caffeine mỗi ngày có nguy cơ sẩy thai gấp 2 lần phụ nữ không dùng caffeine. Tuy nhiên, không phải tất cả các nghiên cứu đều chỉ ra mối liên hệ giữa việc dùng caffeine và nguy cơ sẩy thai.
Một nghiên cứu ở Đan Mạch chỉ ra rằng phụ nữ uống hơn 8 cốc cà phê mỗi ngày trong khi mang thai sẽ có nguy cơ bị phôi thai chết cao gấp 2 lần phụ nữ không dùng cà phê.
Nghiên cứu khác cũng cho thấy những trẻ sơ sinh có mẹ dùng hơn 500 mg caffeine mỗi ngày khi mang thai sẽ có nhịp tim, nhịp thở nhanh hơn và thường hay bị giật mình trong những ngày đầu tiên sau khi chào đời.
Một số nghiên cứu cũng cho thấy mối liên hệ giữa lượng tiêu thụ caffeine của mẹ khi mang thai với tỉ lệ nhẹ cân của trẻ sơ sinh, nhưng một số nghiên cứu khác thì không, cũng như chưa có mối liên hệ nào từ việc tiêu thụ một lượng caffeine nhất định khi mang thai sẽ dẫn đến khả năng sinh non.
Và cũng chưa có chỉ dẫn nào cho thấy việc dùng caffeine khi mang thai sẽ dẫn đến nguy cơ tăng huyết áp trong thời kỳ thai nghén và chứng tiền sản giật.
Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng: Bạn sẽ cảm thấy khỏe hơn khi mang thai nếu không dùng quá nhiều lượng caffeine!
Hạn chế uống cà phê khi mang thai vì chất caffeine trong cà phê không tốt cho thai nhi
Vì caffeine là chất kích thích nên sẽ làm tăng nhịp tim, ngoài ra còn gây cảm giác bồn chồn và chứng mất ngủ. Caffeine cũng là nguyên nhân dẫn đến chứng ợ nóng khi kích thích sự bài tiết axít của dạ dày.
Những ảnh hưởng này có thể dễ dàng gặp phải hơn trong quá trình mang thai. Đó là vì sự suy giảm khả năng của cơ thể trong việc giảm lưu lượng caffeine khiến cho lượng caffeine trong mạch máu tăng lên. Trong suốt quý hai của thai kỳ, lượng thời gian tiêu biến caffeine trong cơ thể mất gấp 2 lần so với khi không mang thai và nhiều gấp 3 lần trong quý ba của thai kỳ.
Tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến lượng caffeine xâm nhập qua dạ con và tiếp xúc với thai nhi trong khi bé chưa thể xử lý chất kích thích này. Điều này cũng đúng với trẻ em mới sinh vì vậy bạn cần hạn chế lượng caffeine khi cho con bú, nhất là trong vài tháng đầu.
Và cuối cùng, thêm một lý do để bạn không dùng cà phê và trà khi mang thai cho dù có chúng có chứa caffeine hay không vì những loại thức uống này đều chứa chất phenol, hoạt chất ngăn cản cơ thể bạn hấp thụ chất sắt. Đây là một lý do khá quan trọng vì đa số phụ nữ đều bị thiếu máu do thiếu sắt khi mang thai. Nếu bạn có dùng cà phê và trà, hãy uống giữa các bữa ăn để giảm khả năng gây ảnh hưởng việc hấp thụ chất sắt.
Những loại thực phẩm và đồ uống nào chứa chất caffeine?
Dĩ nhiên cà phê là một trong số đó. Lượng caffeine ở mỗi loại cà phê tùy thuộc vào loại hạt, cách rang, pha và cả dung tích của tách cà phê.
Và để kiểm soát lượng caffeine đưa vào cơ thể, bạn cũng cần chú ý đến các nguồn khác như trà, nước uống không cồn, nước uống tăng lực, chocolate và kem cà phê.
Chất caffeine cũng có trong các sản phẩm làm từ thảo mộc hoặc một số loại thuốc không cần kê đơn như thuốc trị nhức đầu, cảm, dị ứng. Bạn hãy đọc nhãn thuốc cẩn thận trước khi dùng nhé.
Mẹo từ bỏ thói quen dùng caffeine khi mang thai
Có thể nụ vị giác sẽ giúp bạn khá nhiều khi từ bỏ thói quen này. Rất nhiều phụ nữ không còn cảm giác thèm cà phê trong quý đầu của thai kỳ khi bị những con nghén hành hạ mỗi sáng.
Nếu bạn là một người nghiện cà phê nặng, việc từ bỏ caffeine sẽ không dễ dàng. Dần dần cai cà phê để giảm nhẹ một vài triệu chứng như nhức đầu, chứng cáu kỉnh, lừ đừ.
Bạn có thể bắt đầu bằng việc pha nhiều sữa và ít cà phê. Ngâm túi trà trong 1 phút thay vì 5 phút cũng giảm được phân nửa lượng caffeine.
Điều cuối cùng: tuy lá thảo mộc thường ít khi chứa chất caffeine, hãy chắc chắn đọc kỹ danh sách các thành phần và tham khảo người bán thảo dược trước khi thử. Một vài loại thảo mộc, phụ gia có thể không an toàn cho thai phụ và một vài loại khác sẽ gây nguy hiểm trong quá trình mang thai.
Lượng caffeine trong một số loại thực phẩm và đồ uống thông thường
Cà phê | Liều lượng | Caffeine |
Cà phê pha nguyên hạt | 227 g | 95-200 mg |
Cà phê pha của Starbuck | 453 g | 330 mg |
Latte, Misto hoặc Cappuccino của Starbuck | 453 g | 150 mg |
Latte, Misto hoặc Cappuccino của Starbuck | 340 g | 75 mg |
Espresso của Starbuck | 28,4 g | 75 mg |
Espresso | 28,4 g | 64 mg |
Cà phê pha sẵn (đóng gói) | 1 muỗng café | 31 mg |
Cà phê pha sẵn (tách bỏ caffeine) | 227 g | 2 mg |
Trà | Liều lượng | Caffeine |
Trà đen nóng | 227 g | 47 mg |
Trà xanh nóng | 227 g | 25 mg |
Trà đen tách caffeine | 227 g | 2 mg |
Trà pha sẵn không đường (đóng gói) | 1 muỗng bột trà | 26 mg |
Nước uống không cồn | Liều lượng | Caffeine |
Coca cola | 340 g | 35 mg |
Coca cola dành cho người ăn kiêng | 340 g | 47 mg |
Pepsi | 340 g | 38 mg |
Pepsi dành cho người ăn kiêng | 340 g | 36 mg |
7-Up | 340 g | 0 mg |
Sprite | 340 g | 0 mg |
Nước uống tăng lực | Liều lượng | Caffeine |
Red Bull | 235 g | 77 mg |
Món tráng miệng | Liều lượng | Caffeine |
Chocolate đắng (70 – 85% ca cao) | 28.4 g | 23 mg |
Chocolate sữa | 44 g | 9 mg |
Kem cà phê hoặc yogurt cà phê đông lạnh | 227 g | 2 mg |
Ca cao nóng | 227 g | 8-12 mg |
Sữa chocolate | 227 g | 5-8 mg |
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.