Điểm khác nhau khi mang thai ở độ tuổi 20, 30 và 40 (P.2)
Tuổi 20 sớm qua đi, lứa tuổi 30 rồi thậm chí 40 đang đến, bạn sẽ cần phải tìm hiểu nhiều kiến thức, chuẩn bị sức khỏe tốt hơn nếu muốn mang thai và sinh con ở những lứa tuổi này. Có nhiều nguy cơ tiềm ẩn cho các thai phụ tuổi 30, 40, tuy nhiên, không phải là không có cơ hội chào đón một thiên thần nhỏ khỏe mạnh đến với đời bạn.
Mang thai ở độ tuổi 30
Nhiều phụ nữ tin rằng chờ đến giai đoạn này của cuộc sống để có con là lý tưởng, do ở tuổi này họ cảm thấy tự tin và khả năng tài chính cũng đảm bảo hơn. Và nếu bạn ở đầu độ tuổi 30, rủi ro khi mang thai của bạn có khác biệt một chút với phụ nữ ở độ tuổi 20. Tuy nhiên, mang thai ở độ tuổi này cũng có những khó khăn của nó. Một trong những điều đó là bạn mất thời gian lâu hơn để thụ thai vì bạn rụng trứng ít thường xuyên hơn. Khả năng sinh sản cũng có xu hướng giảm từ từ sau 30 tuổi và có nguy cơ sinh con bị hội chứng Down và dị tật nhiễm sắc thể bẩm sinh cũng cao hơn.
Có thể bạn đã nghe nói rằng 35 là độ tuổi “chuẩn” khi nói đến các vấn đề mang thai và khả năng sinh sản suy giảm. Mặc dù hầu hết phụ nữ từ 35 tuổi trở lên đều có con khỏe mạnh, nhưng các nghiên cứu cho rằng họ có thể gặp nhiều vấn đề hơn. Trước tiên, cơ quan sinh sản bắt đầu suy giảm mạnh sau 35 tuổi khiến việc thụ thai trở nên khó khăn hơn. Theo thống kê từ hiệp hội y học sinh sản Hoa Kỳ (American Society for Reproductive Medicine-ASRM), có khoảng 1/3 phụ nữ hơn 35 tuổi có vấn đề với khả năng sinh sản. Nếu bạn từ 35 tuổi trở lên mà vẫn không thể thụ thai sau 6 tháng “gắng sức”, bạn cần hỏi ý kiến của bác sĩ. Có rất nhiều vấn đề về khả năng sinh sản có thể chữa trị thành công.
Phụ nữ ở độ tuổi này cũng dễ bị sẩy thai hơn các phụ nữ trẻ hơn. Trên thực tế, một nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học Đan Mạch đã phát hiện rằng có hơn 20% phụ nữ mang thai từ 35 đến 39 tuổi bị sẩy thai.
Nếu từ 35 tuổi trở lên, có thể bạn sẽ được yêu cầu chọc dò nước ối, một xét nghiệm dùng để chẩn đoán hội chứng Down và những bất thường nhiễm sắc thể khác. Xét nghiệm này không được yêu cầu thực hiện với mọi người vì nó tiềm ẩn một rủi ro nhỏ gây sẩy thai. 35 là tuổi giới hạn chọc dò nước ối do rủi ro sinh con bị hội chứng Down (1 trên 378) tương đương với nguy cơ làm xét nghiệm gây sẩy thai. Một số phụ nữ chọn làm xét nghiệm chọc dò nước ối, một số khác sẽ làm xét nghiệm thử máu gọi là xét nghiệm bộ ba (triple screen), cùng với siêu âm để giúp họ tìm ra chỉ số rủi ro có con bị hội chứng Down trước khi thực hiện xét nghiệm chọc dò nước ối.
Phụ nữ trên 35 tuổi cũng dễ bị nhiều vấn đề khác như tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ, sinh non và sinh con nhẹ cân cũng như các vấn đề nhau thai trong suốt thai kỳ. Phổ biến nhất trong đó là nhau tiền đạo, trong đó bánh nhau gắn ở đoạn dưới của tử cung. Tình trạng này có thể gây chảy máu nhiều trong khi sinh, nhưng các biến chứng thường có thể tránh bằng cách sinh mổ. May mắn là hầu hết các nguy cơ tiềm ẩn khác đều có thể chữa trị với các phương pháp y khoa phù hợp và chăm sóc tiền thai sản tốt.
Dù độ tuổi nào, bạn vẫn có thể làm những việc để tăng cơ hội sinh con khỏe mạnh
Mang thai ở độ tuổi 40
Ngày nay, chuyện phụ nữ sinh con đầu lòng ở độ tuổi 40 cũng không có gì lạ. Tuy nhiên, vấn đề thụ thai có thể trở nên khó khăn, tỉ lệ đến hơn 50% gặp khó khăn trong việc thụ thai. Các rủi ro khi mang thai ở độ tuổi 40 cũng tương tự như phụ nữ ở cuối độ tuổi 30. Thế nhưng có hai rủi ro cao hơn đặc biệt ở độ tuổi 40 là các bất thường nhiễm sắc thể, chẳng hạn như Down (tỉ lệ 1/100 ở độ tuổi 40 và 1/30 ở độ tuổi 45) và sẩy thai. Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Đan Mạch, nguy cơ sẩy thai ở thai phụ 42 tuổi lên đến 50%.
Bên cạnh đó, phụ nữ ở độ tuổi này có nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ cao gần gấp 3 lần so với các bà mẹ ở độ tuổi 20. Bạn cũng có thể gặp nhiều vấn đề hơn trong khi sinh, chẳng hạn như thai không phát triển và suy thai, điều này lý giải được vì sao các bà mẹ hơn 40 tuổi lần đầu làm mẹ đều có nguy cơ phải sinh mổ cao nhất – lên đến 43% theo một nghiên cứu gần đây của đại học Y Harvard.
Linh Lan
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.