Dọa sảy thai - Những vấn đề mẹ bầu cần biết
Hiện tượng dọa sảy thai được xem là giai đoạn đầu của sảy thai. Mặc dù trong giai đoạn này thai nhi vẫn còn sống và phát triển nhưng có nguy cơ gặp nhiều vấn đề sức khỏe. Dọa sảy thai có nguy hiểm không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, mẹ không nên quá lo lắng bởi nếu được phát hiện và điều trị kịp thời vẫn có thể giữ được thai nhi trong bụng.
Thông thường, những trường hợp mang thai 3 tháng đầu bị ra máu, hoặc bà bầu 4-6 tháng bị đau bụng chuyển dạ, cổ tử cung chưa mở đều được gọi là dọa sảy thai. Bà bầu 7 tháng trở lên nếu đau bụng chuyển dạ nhưng cổ tử cung chưa mở được gọi là dọa đẻ non.
Hiện tượng này thường xảy ra trong 20 tuần đầu của thai kỳ với các biểu hiện như ra máu âm đạo, đau bụng hoặc đau lưng…
1. Dấu hiệu dọa sảy thai
Có khoảng 20-30% phụ nữ mang thai bị ra máu âm đạo trong những tuần đầu và vấn đề này thường không đáng lo ngại. Tuy nhiên, mẹ cần quan sát nếu gặp trường hợp bất thường như ra máu thường xuyên có màu đỏ tươi sau đó chuyển sang màu nâu hay đen thì đây có thể là dấu hiệu sảy thai.
Trường hợp đau căng tức nặng bụng dưới, đau lưng giống trong thời điểm hành kinh nguyệt cũng là dấu hiệu dọa sảy thai. Đây là triệu chứng không rõ ràng dễ gây nhầm lẫn khiến mẹ không phát hiện được đang trong giai đoạn dọa sảy thai. Vì vậy, mẹ không được lơ là bỏ qua.
Bong tách nhau thai cũng là một dấu hiệu của dọa sảy thai, tùy thuộc vào mức độ bong tách sẽ ảnh hưởng đến thai nhi nhiều hay ít. Với những mẹ bị bong tách kín, máu chưa ra ngoài nên gây chậm trễ trong việc chẩn đoán và chỉ phát hiện khi siêu âm.
Cảnh giác nhau bong non trong thai kỳ
Nhau bong non là một tình trạng nghiêm trọng, xảy ra khi một phần hoặc toàn bộ nhau thai tách ra khỏi thành tử cung. Nhau bong non làm gián đoạn quá trình truyền oxy và chất dinh dưỡng cho thai nhi và gây chảy máu nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mẹ bầu
2. Nguyên nhân gây dọa sảy thai
Mặc dù nguyên nhân chính xác vẫn chưa được xác dịnh rõ ràng nhưng lý do phổ biến cũng như các yếu tố làm tăng nguy cơ sảy thai gồm có:
- Thai nhi gặp bất thường về nhiễm sắc thể và khiếm khuyết này sẽ tăng theo độ tuổi mang thai của người mẹ
- Mẹ mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường thai kỳ, huyết áp cao, bệnh thận, tuyến giáp kém hoạt động…
- Người mẹ đã từng bị sảy thai trước đó
- Trong thời gian mang thai mẹ bị nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus
- Gặp chấn thương ở phần bụng
- Sức khỏe mẹ bị suy nhược, làm việc quá sức
- Tiếp xúc với các hóa chất độc hại
- Mẹ uống nhiều rượu, bia, thuốc lá cũng như các chất kích thích khác
Top 12 những điều cần tránh khi mang thai
Bạn luôn mong muốn thai kỳ của mình suôn sẻ và giữ được một sức khỏe tốt cho đến ngày sinh nở? Nhớ hạn chế hoặc tránh hoàn toàn những sai lầm dưới đây nhé!
3. Cần làm gì khi có dấu hiệu dọa sảy thai?
Ngay khi gặp các triệu chứng bất thường dọa sảy thai mẹ bầu cần nghỉ ngơi thật nhiều, hạn chế vận động đi lại. Mẹ bầu nên đi thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt để có hướng điều trị thích hợp.
Có rất nhiều mẹ thắc mắc không biết khi dọa sảy thai uống thuốc gì là tốt nhất. Đôi khi vì quá lo lắng cho con mà mẹ đã nghe theo các phương thuốc điều trị truyền miệng gây nên những hậu quả đáng tiếc. Mang thai là giai đoạn rất nhạy cảm với các loại thuốc vì vậy mẹ tuyệt đối không tự ý dùng thuốc bừa bãi.
Tử cung và âm đạo của mẹ khi bị dọa sảy thai rất yếu và dễ bị tổn thương do đó cần kiêng quan hệ vợ chồng trong thời gian này.
Việc xoa bụng hay đấm lưng tưởng chừng rất đơn giản nhưng lại có thể kích thích khiến tử cung co bóp nhanh và mạnh hậu quả mẹ dễ bị sảy thai hơn.
Dọa sảy thai thường khiến mẹ lo lắng và bất an, điều này hoàn toàn không tốt cho cả mẹ và bé. Theo đó, mẹ cần giữ cho tâm lý thoải mái, tránh căng thẳng quá nhiều.
4. Dọa sảy thai nên ăn gì?
Chế độ ăn uống của mẹ lúc này rất quan trọng, cần tăng cường thêm các thực phẩm giàu dưỡng chất cho thai nhi như: Thịt, cá, trứng, sữa… Cần ăn nhiều rau xanh và hoa quả để giúp cơ thể mẹ và bé hấp thu tốt đồng thời tránh hiện tượng táo bón.
Dọa sảy thai kiêng ăn gì là điều mẹ bầu cần biết bởi nó tác động trực tiếp đến sự phát triển của bé. Theo đó, mẹ không nên ăn thức ăn khó tiêu, có nhiều dầu mỡ. Tuyệt đối tránh xa các thức uống độc hại như rượu, bia, caffeine…
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.