Sự gắn bó của trẻ sơ sinh

shape
Sự gắn bó của trẻ sơ sinh

15 Jun

Cha Mẹ TốtJun 15, 2020

Sự gắn bó của trẻ sơ sinh

Căn bản về Sự gắn bó của trẻ sơ sinh

Sự gắn bó là mối quan hệ bền chặt và lâu dài giữa em bé và người chăm sóc bé.

Mối dây gắn bó bền chặt phát triển để đáp lại tình yêu và sự chăm sóc nhạy bén đều đặn trong suốt những tháng đầu đời của bé. Nó tạo cho bé con của bạn một khởi đầu quan trọng cho sự phát triển về nhận thức, cảm xúc và xã hội khỏe mạnh, xây dựng nền tảng cho cảm giác về an toàn và khả năng ứng biến của bé.

Em bé sẽ gắn bó với những người lớn quan trọng trong cuộc đời bé. Đó thường là ba mẹ em bé nhưng cũng có thể bao gồm những người thường hay quan tâm đến bé như ông bà hay cô trông trẻ. Em bé có khả năng, và sẽ, gắn bó với nhiều hơn một người.

 Việc bé gắn bó với người khác không làm ảnh hưởng đến việc bé gắn bó với bạn – nó chỉ giúp bé học cách gần gũi với người khác.

Những em bé phải trải qua việc bị chăm sóc một cách hờ hững, bất thường, hay bị đe dọa có thể nảy sinh những vấn đề về việc gắn bó làm chậm sự phát triển của bé.

Bạn có thể nghĩ về sự gắn kết như việc tạo ra một mối dây kết nối giữa hai hành tinh. Một hành tinh lớn và một hành tinh bé xíu ở gần nó. Nếu bạn có thể xây dựng một mối dây bền chặt, hành tinh nhỏ có thể tiến hóa và tự làm công việc của nó mà không sợ bị trôi vào trong không gian.

Hiểu biết về hành vi gắn bó của trẻ sơ sinh

Hiểu biết về hành vi gắn bó của trẻ sơ sinh

Các em bé sơ sinh và mới tập đi thường cố gắng nhận được sự bảo vệ và vỗ về từ những người mà bé gắn bó. Bé thường có những hành vi gắn bó khác nhau để biểu đạt những nhu cầu khác nhau.

Ví dụ, để thể hiện bé cần được chú ý, em bé thường:

  • Cười với bạn hoặc nhìn vào mắt bạn – em bé rất thích nhìn vào mắt bạn.
  • Gây tiếng động nhỏ, ví dụ như cười hoặc tiếng bập bẹ.
  • Bò theo bạn hoặc vươn tay ra.
  • Bắt chước điệu bộ của bạn.
  • Làm bộ thoải mái và hào hứng.
  • Khóc.

Để thể hiện bé cần ngừng một chút hoặc được vỗ về khác đi hoặc dịu dàng hơn, các em bé thường

  • Nhìn đi chỗ khác, nhắm mắt lại hoặc ngáp.
  • Cố gắng kháng cự hoặc quay đi.
  • Trông có vẻ căng thẳng và bất an.
  • Khóc

Khóc là phương thức giao tiếp chính của em bé. Nhưng thỉnh thoảng việc đó khiến bạn chật vật và dễ nổi nóng – khi bạn cố gắng hiểu vì sao bé khóc. Nếu bạn cần giúp đỡ, hãy tham khảo minh họa cách dỗ dành em bé đang khóc của chúng tôi.

Đáp lại các hành vi gắn bó của bé

Việc đáp ứng lại với các hành vi gắn bó sao cho phù hợp với nhu cầu của bé là rất quan trọng.

Khi em bé của bạn nhận được điều bé cần, như là một nụ cười, một cử chỉ cưng nựng, hoặc âu yếm, bé cảm thấy an toàn. Bé biết rằng bé có thể tiếp tục thư giãn, chơi, khám phá và học. Bằng cách này, sự gắn bó  tạo ra nền tảng cho sự phát triển khỏe mạnh của bé.

Khi các hành vi gắn bó không được đảm bảo, em bé thỉnh thoảng phản ứng bằng cách cảm thấy sợ sệt và bám bạn thậm chí còn nhiều hơn. Ví dụ như điều này có thể xảy ra khi ba hoặc mẹ khuyến khích bé phải “dũng cảm lên con” và tự lập khi bé còn chưa sẵn sàng.

Một số nhu cầu của em bé không hề thay đổi theo năm tháng, bao gồm nhu cầu được yêu thương và chú ý thật nhiều, nhu cầu về dinh dưỡng, nhu cầu ngủ nhiều,… Một vài nhu cầu sẽ thay đổi khi bé lớn lên. Điều này giúp chúng ta hiểu rõ bé đang ở giai đoạn phát triển nào.

Xây dựng một nền tảng an toàn cho sự phát triển của bé

Những bí quyết dưới đây có thể giúp bạn sử dụng sự gắn bó để làm nền cho sự phát triển và trưởng thành của bé:

  • Dỗ dành bé khi em bé khóc và khó chịu. Nếu ba mẹ đến dỗ bé, em bé học được rằng thế giới này rất an toàn, và bé ít khóc hơn.
  • Dành thời gian cho bé. Hãy học cách “đọc” các thông điệp của bé – bé yêu của bạn hoàn toàn phụ thuộc vào bạn trong việc hiểu được bé đang cố diễn đạt điều gì.
  • Hãy coi bé là một cá nhân riêng biệt, với nhu cầu và cảm nhận của riêng bé.Ví dụ như, hãy nghĩ xem bé sẽ cảm thấy thế nào nếu bị bế lên và đặt xuống ở một nơi khác mà không được báo trước, hay bé sẽ thấy thế nào nếu bị trao cho một người lạ. Hãy dịu dàng giới thiệu người hoặc vật mới, và hãy báo trước cho bé biết bạn định làm gì để bé hiểu rằng thế giới này có thể đoán trước được. 
  • Nhìn thế giới dưới góc nhìn của bé. Tưởng tượng xem bé đang nhìn gì, cảm thấy thế nào hay bé đang cố làm gì. Hãy khám phá điều bé yêu thích và điều bé không thích. 
  • Hãy linh hoạt. Hãy xem xét điều gì là phù hợp với bé con của bạn, và đừng giữ mãi một lề thói nếu nó không hợp với cả bạn và bé.
  • Hãy tạo cơ hội cho bé thành công và tác động vào sự vật. Bạn có thể thử bằng cách đặt một cái lục lạc gần bé để bé có thể đụng vào nó để nó phát ra tiếng hoặc vươn ra chạm vào nó.
  • Hãy nhờ giúp đỡ. Nếu bạn khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần thì bạn sẽ có thể chăm sóc và yêu thương bé con tốt hơn và đáp ứng được nhu cầu gắn bó của bé. Hãy tìm ai đó để tâm sự, để khích lệ bạn khi bạn làm tốt, và để phụ bạn cho bạn nghỉ một chút khi bạn cần.

Bạn là phần quan trọng nhất trong cuộc đời bé con của bạn. Nếu bạn cảm thấy lo lắng về mối quan hệ của bạn với bé, hãy nhờ giúp đỡ. Tìm kiếm sự giúp đỡ khi em bé vẫn còn nhỏ có thể tạo nên sự khác biệt lớn đối với cả bạn và bé.

Gắn bó và chia cách

Vào khoảng sáu tháng tuổi, các em bé thường đã phát triển các mối quan hệ gắn bó quan trọng, nhưng vẫn có thể e sợ những người lớn bé không biết rõ. Đây là một phần tự nhiên trong việc học cách cảm thấy an toàn trên thế giới này, và bé cũng sẽ dần dần học cách làm quen với những người mới này. Hãy cố ở bên bé để đảm báo an toàn.

Ở tuổi này, việc bé khóc và thể hiện việc giận dữ vì bị tách khỏi bạn khi bạn để bé lại với một người khác cũng là bình thường.

Trong vài năm tiếp theo, các em bé sẽ học cách chịu được việc phải tách ra với người quan trọng của bé được lâu hơn. Đầu tiên bé sẽ thích kiểm tra xem bạn có ở quanh đó không – bé thậm chí có thể theo bạn vào nhà vệ sinh! Nhưng tất cả chuyện này là một phần của việc xây dựng sự tự tin ở trẻ.

Khoảng từ 3 đến 4 tuổi, các bé thường có thể chịu được việc ở cùng với những người chưa quen (ngoài những người chăm sóc bé) khoảng nửa ngày mà không khó chịu. Nhưng một số bé cần thêm thời gian. Điều này phụ thuộc vào tính khí và những trải nghiệm đầu đời của bé.

Ngủ riêng

Các em bé đã có thói quen ngủ yên khoảng sáu tháng có thể thức giấc vào ban đêm, hay không muốn đi ngủ. Các bé có thể trải qua việc khó chịu vì bị tách ra, nên bạn có thể nên đọc thêm về việc tự ngủ đối với bé hơn sáu tháng tuổi. Nhiều bậc cha mẹ lo lắng rằng việc kiểm soát sự vỗ về sẽ làm ảnh hưởng đến sự gắn bó, nhưng các nghiên cứu chỉ ra rằng khi chiến lược này được sử dụng một cách hợp lý, không có bằng chứng cho thấy nó làm hại đến bé và mối gắn kết.

Dịch bởi:  Cha Mẹ Tốt.

Nguồn: Raising Children

FAQs

Cha Mẹ Tốt

  • Cha Mẹ Tốt Image

    Xin quý đọc giả lưu ý

    – Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
    – Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *