Khi bà bầu đi làm: Giỏi việc nước, đảm việc bầu
1/ Thời điểm thông báo tin bầu bí
Thời điểm lý tưởng để bạn thông báo cho đồng nghiệp ở công ty về tin bầu bí nên vào cuối tam cá nguyệt đầu tiên. Lúc này, nguy cơ sảy thai giảm đáng kể, đồng thời bụng của mẹ bầu cũng đã đủ “lồ lộ” để mọi người có thể đoán ra đoán vào. Tuy nhiên, nếu bị hành hạ bởi những cơn ốm nghén từ sớm, bà bầu nên tâm sự với sếp trước tiên để có thể ưu tiên những ngày đi làm trễ, hoặc bất thình lình biến mất vào nhà vệ sinh trong giờ làm. Đồng thời, báo sớm với sếp, bà bầu sẽ được hạn chế không đi lại nhiều để bảo đảm an toàn cho thai nhi.
2/ Mối quan tâm dành cho công việc
Sẽ có những ngày bạn cảm thấy thật tuyệt vời, nhưng ngược lại có những ngày chỉ cần giữ cho mắt mở to, nhìn rõ thôi cũng quá khó khăn. Hormone nội tiết tố “lộng hành” trong thai kỳ làm tâm trạng của bà bầu trở nên thất thường và khó chiều. Khả năng tập trung của bạn với công việc cũng bị giảm hẳn. Đừng cảm thấy bất ngờ khi bạn không còn chút hào hứng nào với công việc mà bạn yêu thích suốt năm qua. Một số mẹ bầu đã nhận ra công việc hiện thời không phù hợp với mình. Ngược lại, cũng có một số mẹ lại hạnh phúc vì nhận ra công việc mình đang có là hoàn toàn hợp lý.
3/ Thời gian nghỉ thế nào là phù hợp với bà bầu đi làm?
Nên dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý để căng thẳng công việc không ảnh hưởng đến sức khỏe
Một số mẹ bầu làm việc cho đến ngày trước ngày dự sinh chỉ một ngày. Một số khác lại cho rằng tốt nhất nên nghỉ khoảng 2-3 tuần trước thời điểm dự sinh để nghỉ ngơi, bồi bổ và chuẩn bị tinh thần cho việc sinh nở. Không quan trọng nghỉ sớm hay muộn, khi bà bầu đi làm, miễn cảm thấy vui vẻ và không vị kiệt sức, mệt mỏi vì công việc là ổn. Căng thẳng trong công việc có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của thai nhi.
Tuy nhiên, ở nhà suốt nhưng không vận động, đi lại nhiều lại hoàn toàn không tốt cho sức khỏe mẹ bầu, đặc biệt khiến chuyện “vượt cạn” trở nên khó khăn hơn. Nếu điều kiện sức khỏe không cho phép, bà bầu có thể xin làm việc tại nhà, để tránh sự nhàm chán và giúp bạn thoải mái hơn.
4/ Trang bị những món ăn vặt thân thiện ở bàn làm việc
Vừa giúp giảm nghén, vừa bổ sung thêm dinh dưỡng khi mang thai, bà bầu nên chuẩn bị sẵn những hộp đựng đồ ăn vặt trên bàn làm việc để hỗ trợ mỗi khi cần thiết. Trái cây tươi, trái cây khô, các loại hạt, bánh quy giòn, phô mai, sữa, nước là những gợi ý lý tưởng và tốt nhất cho món ăn vặt của bà bầu công sở. Tránh ăn những loại thực phẩm nhiều đường, ít dinh dưỡng, bởi nó chỉ làm bạn nhanh mệt mỏi khi làm việc mà thôi.
Kinh nghiệm ăn vặt của bà bầu công sở
Trong giai đoạn mang thai, các mẹ bầu thường xuyên bị nhạt miệng và mau đói, nhất là các chi em đang làm công sở. Khi đó là lúc cơ thể bạn cần nạp thêm dưỡng chất bởi nhu cầu dinh dưỡng khi có thêm em bé đã thay đổi.
5/ Tự động viên bản thân
Bất cứ khi nào buồn nôn, đau nhức, mệt mỏi, cố gắng giữ thói quen bình tĩnh, tự nhủ với bản thần rằng mọi khó chịu sẽ qua nhanh, điều quan trọng là em bé trong bụng vẫn khỏe mạnh và phát triển bình thường. Đừng cảm thấy áy náy nếu cần thời gian để nghỉ ngơi thường xuyên, bà bầu có đặc quyền như vậy mà. Lạc quan lên mẹ bầu nhé, 9 tháng mang nặng sẽ rất xứng đáng khi bé con ra đời.
6/ Không làm việc muộn
Ngay cả khi đó là thói quen của bạn trước khi mang thai, bà bầu nên thay đổi lịch làm việc. Sự thay đổi này rất cần thiết. Sự mệt mỏi khi đi làm về trễ sẽ khiến bạn ngủ không ngon giấc, thậm chí ảnh hưởng đến giờ giấc ăn uống, nghỉ ngơi và sinh hoạt để thai kỳ khỏe mạnh.
7/ Đặc quyền của bầu bí cũng nên có giới hạn
Mặc dù bà bầu đi làm có khá nhiều đặc quyền, nhưng cũng đừng nên lạm dụng quá nhé. Đừng vì sự mệt mỏi, khó chịu trong thai kỳ lại làm ảnh hưởng đến tiến độ công việc hay những đồng nghiệp khác. Ngay từ đầu, nếu nhắm mình không thể đáp ứng nổi nhiệm vụ, bạn nên nói thẳng với sếp ngay, hoặc nhờ các đồng nghiệp khác hỗ trợ và thông cảm. Đừng đổ lỗi những khó chịu thất thường đó cho công việc hay mọi người xung quanh bầu nhé!
8/ Tránh xa môi trường không lành mạnh
Hóa chất độc hại có thể ảnh hưởng đến sự khỏe mạnh của thai nhi. Nếu công việc của bạn phải tiếp xúc với hóa chất, nên chuyển sang nhiệm vụ không yêu cầu sự tiếp xúc nguy hiểm này. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của bản thân và thai nhi, mẹ bầu nên chủ động xin sếp ưu tiên những vị trí, công việc, chỗ ngồi hoặc nhiệm vụ an toàn, không có nguy cơ bị ảnh hưởng từ môi trường ô nhiễm hay chứa hóa chất độc hại.
9/ Một vài tip khác cho bầu bầu đi làm
-Tìm hiểu quyền pháp lý của bà bầu trong công việc hiện thời, , chế độ nghỉ thai sản,, bảo hiểm, lương lậu cũng như chính sách của công ty khi quay trở lại làm việc sau thai sản.
–Bà bầu mặc gì đi làm cũng là mối quan tâm hàng đầu trong thai kỳ. Bạn nên chọn quần áo rộng rãi, thoải mái, có chất liệu thoáng mát, thấm hút mồ hôi. Quan trọng nhất là chọn áo ngực phù hợp để tránh cảm giác khó thở, buồn nôn, tức ngực. Về giày dép, nên chọn loại thấp, êm ái, thoáng mát để thích hợp cho bà bầu đi bộ, đồng thời không gây khó chịu nếu bị phù nề.
-Tìm các bà mẹ khác ở công sở để chia sẻ cảm giác khi mang thai. Họ sẽ không ngại cho bạn những lời khuyên hữu ích cho thai kỳ khỏe mạnh. Tuy nhiên, cũng phải có chọn lọc nhé!
-Khi ngày dự sinh gần kề, lập kế hoạch dọn dẹp bàn làm việc gọn gàng mỗi khi rời khỏi công ty. Chẳng biết khi nào bạn sẽ vỡ ối, có khi bất ngờ và đột ngột, vì vậy giữ bàn làm việc sạch sẽ thường xuyên để mọi người không phải lắc đầu ngán ngẩm khi bạn nghỉ đẻ với chỗ ngồi lộn xộn, bừa bộn.
MarryBaby
Tổng hợp bởi:Mẹ & Bé
Xin quý đọc giả lưu ý
– Trang web này và thông tin được đăng tải không thể thay thế cho nhà tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức chuyên môn.
– Cha mẹ tốt dotcom sử dụng nội dung được chứng nhận bởi Health On the Net Foundation (HON) và tuân thủ tiêu chuẩn HONcode về thông tin sức khỏe đáng tin cậy.